Dấu hiệu và biến chứng khi mắc sởi
Tối ngày 13/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin trong tuần gần nhất, tuần thứ 32 (từ ngày 5/8 đến 11/8), TP.HCM có 63 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 25 ca được xác định là sởi. Số ca sởi từ đầu năm đến tuần 32 là 153 ca. Số ca được xác định mắc bệnh sởi được xác định tăng gấp 2 lần so với tuần trước đó.
Theo HCDC, đã có 3 trẻ tử vong do mắc bệnh sởi ở TP.HCM rải rác từ tháng 6 đến nay.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Mai Phương, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM cho hay, sởi là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh qua giọt tiết hô hấp và tỉ lệ mắc bệnh rất cao. Đặc biệt, với người chưa có miễn dịch với sởi, tỉ lệ mắc sởi khi phơi nhiễm vi rút sởi tới khoảng 90%.
Bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát dịch. Bệnh không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Mai Phương, mắc sởi thường có các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, phát ban toàn thân, ho khan, viêm long đường hô hấp, đỏ mắt, chảy nước mắt nước mũi, tiêu chảy. Bệnh tiến triển có thể xuất hiện các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, viêm màng não.
Bác sĩ Mai Phương cho hay: "Bệnh sởi rất nguy hiểm vì có khả năng 'xóa trí nhớ miễn dịch', làm suy yếu hệ miễn dịch khiến trẻ dễ mắc các bệnh nguy hiểm khác và nguy cơ tử vong cao".
Theo bác sĩ Mai Phương, cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất là chích ngừa vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với người nghi sởi, đeo khẩu trang ở nơi đông người, vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên, tăng cường dinh dưỡng lành mạnh, tập thể dục để nâng cao sức khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM cho hay, vắc xin tiêm phòng sởi nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đây là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vắc xin bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai. Theo Quyết định 1596/QĐ-BYT 2024 ban hành Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024 thì chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2024 của Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi là trên 90% và vắc xin phòng Sởi – Rubella là trên 95% để đảm bảo được mục tiêu giảm số ca mắc sởi dưới 5 ca trên 100.000 người.
Bác sĩ Hiền Minh cho hay hiện nay, theo quy định của Thông tư 10/2024/TT-BYT thì trẻ em cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, cụ thể: :
- Vắc xin sởi hoặc vắc xin phối hợp có chứa thành phần sởi khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.
- Vắc xin phối hợp có chứa thành phần sởi khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Thành phần phối hợp thêm cùng vắc xin sởi hiện nay có trong các vắc xin đang lưu hành tại Việt Nam và trên thế giới có thể phòng các bệnh khác như: quai bị, rubella và thuỷ đậu. Một số vắc xin phối hợp sởi – quai bị - rubella có thêm lịch tiêm nhắc lại khi trẻ 4 đến 6 tuổi.
"Cần lưu ý nếu trẻ chưa tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ liều thì tiêm bù càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất.
Người trưởng thành chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trước đây có thể tiêm vắc xin phối hợp sởi – quai bị - rubella với lịch tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Tránh mang thai trong 3 tháng sau khi tiêm vắc xin", bác sĩ Minh lưu ý.