Cách đây ít lâu, trên các trang mạng Trung Quốc xuất hiện bài viết của một giáo viên nước này với chủ đề "Thua từ vạch xuất phát - Cảm xúc khi ăn cơm cùng trẻ em Nhật Bản", thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Người đăng tải bài viết đã chia sẻ sự bất ngờ và thán phục của mình khi dùng bữa trưa cùng những em nhỏ của một trường Tiểu học ở Nhật: "Chưa đến Nhật Bản thì không biết thế nào gọi là chất lượng giáo dục. Chưa ăn cơm cùng trẻ em Nhật Bản thì chẳng hiểu thế nào là thua ngay từ vạch xuất phát. Từ năm 1900, Nhật Bản đã phổ cập giáo dục bắt buộc, cùng trẻ em Nhật ăn một bữa cơm trưa thôi là có thể nhìn ra nền giáo dục của chúng ta thua kém họ ở điểm nào."
Và đúng như lời thầy giáo ấy, chỉ một bữa trưa đơn giản của trẻ em Nhật thôi mà người đọc đã được đi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác. Ai nấy đều phải trầm trồ trước nền giáo dục quy củ của nước Nhật và không ngớt cảm thán về ý thức tự giác của những đứa trẻ ở xứ sở mặt trời mọc.
Mặc dù bữa ăn đạm bạc hơn rất nhiều so với tưởng tượng của tác giả, nhưng vẫn đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể: 1 bát canh trứng, 1 bát cơm "rất ngon", 1 chút rau cùng 1 chút thịt "được chế biến đơn giản, hương vị không có gì đặc sắc".
Mỗi ngày, nhà trường sẽ cử ra 1 tập thể lớp - bất kể lớn bé - tới nhà ăn phụ giúp đội ngũ nhân viên ở đây chuẩn bị bữa trưa. Các em học sinh này sẽ mặc đồng phục áo khoác trắng, đội mũ, đeo khẩu trang y tế và chẳng nề hà bê những thùng sữa nặng trịch.
Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, những em học sinh ngồi ngay ngắn trên bàn đợi người lớn bước vào. Tuyệt nhiên không có một đứa trẻ nào động đũa ăn trước.
Đoàn giáo viên và học sinh Trung Quốc được sắp xếp ngồi chung bàn với học sinh Nhật. Mọi người nhanh chóng làm quen và nói chuyện vui vẻ với nhau. Để bày tỏ lòng hiếu khách, các em học sinh chủ nhà còn gấp tặng trường bạn những chiếc mũ giấy với tranh vẽ của mình ở bên trên.
Tác giả bài viết ngồi đối diện một em học sinh người Nhật vô cùng ngoan ngoãn và dễ thương. Cô bé nhẹ nhàng giúp thầy giáo mở nắp bình sữa rồi để riêng phần nắp giấy và bọc nilon vào 2 chiếc bình nhựa khác nhau. Sau đó, cô bé lại cầm 2 chiếc bình đi đến chỗ các bạn học người Trung Quốc để giúp họ phân loại rác khi mở nắp hộp.
Thì ra, ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã được dạy dỗ những điều nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa như thế này. Chẳng trách người dân ở đất nước họ luôn ý thức và thực hiện cực tốt việc phân loại rác thải.
Khi bữa ăn bắt đầu, các em học sinh Nhật ăn uống rất hăng say. Tất cả mọi thứ có trong khẩu phần - dù ngon hay không - cũng đều được các em từ từ ăn hết sạch, bởi các em luôn ghi nhớ lời người lớn dạy: phải biết quý trọng đồ ăn và tuyệt đối không được để thừa thức ăn.
Kết thúc bữa ăn, đôi bên bắt đầu giao lưu để tăng phần hiểu biết lẫn nhau. Lúc đoàn học sinh Trung Quốc đưa ra câu hỏi: "Các bạn có vui không?", toàn bộ các em học sinh Nhật đều đồng thanh trả lời: "Rất vui!". Tuy nhiên, đến khi được hỏi ngược lại, hầu hết các em học sinh Trung Quốc lại trầm mặc không trả lời, chỉ có một vài em nhỏ khẽ lẩm bẩm: "Không vui!". Đây có lẽ là một minh chứng cho sự ảnh hưởng của nền giáo dục tới trẻ em.
Tiếp đó, các em học sinh Nhật Bản hào hứng tham gia chơi trò oẳn tù tì để tìm ra một vài người may mắn được uống nốt những bình sữa chưa dùng hết trong bữa ăn. Quả thật, cách xử lý đồ ăn thừa này không chỉ giúp tránh lãng phí, mà còn tạo ra được bầu không khí sôi nổi cho học sinh.
Những bình sữa đã dùng hết đều được học sinh Nhật đặt nằm dọc trên khay thức ăn của mình. Tác giả tò mò hỏi một em nhỏ ngồi gần lý do và nhận được câu trả lời: lũ trẻ được thầy cô dạy phải đặt bình nằm trên khay thì mới không bị vướng víu và tránh bị đổ vỡ khi cầm khay đi lại.
Lúc này, tác giả quay sang nhìn những khay thức ăn thừa mứa cùng bình sữa được đặt đứng trên khay của các em học sinh nước mình và không khỏi cảm thấy hổ thẹn. Thực ra cũng khó trách các em học sinh Trung Quốc, vì có phải nền giáo dục ở quốc gia nào cũng chú ý quan tâm tới từng tiểu tiết giống như ở Nhật Bản đâu.
Sau bữa ăn, các em học sinh Nhật xếp hàng ngay ngắn để cất dụng cụ dùng trong lúc ăn về đúng vị trí. Điều đáng nói là ở đây không hề có bất kỳ thầy cô giám sát hay người chỉ huy nào, mà toàn bộ đều do ý thức tự giác của các em nhỏ.
Một vài em học sinh xếp bát đĩa bẩn rất ngay ngắn, một số khác cầm thùng đi thu rác hoặc lau bàn ăn một cách thành thạo, thậm chí một vài em còn rủ nhau hợp sức bê những thùng sữa đựng đầy chai thuỷ tinh cất vào đúng nơi quy định. Có thể thấy, ở đây chẳng có ai nhàn rỗi ngồi chơi khi kết thúc bữa ăn.
Nếu để ý một chút, người ta sẽ dễ dàng phát hiện ra trên bàn ăn của mỗi học sinh Nhật Bản đều có 1 chiếc bàn chải nhỏ. Ăn xong bữa trưa, các em sẽ lập tức đánh răng ở những bồn nước công cộng vô cùng tiện lợi trong nhà ăn. Thói quen vệ sinh răng miệng của các em đã được hình thành từ tấm bé.
Sau khi chứng kiến quá trình ăn trưa của các em học sinh Tiểu học ở Nhật Bản, chắc hẳn nhiều người sẽ phải tròn mắt kinh ngạc vì không nghĩ được nền giáo dục của họ có thể toàn diện và chu đáo đến từng chi tiết như vậy.
Bên cạnh đó, cũng có không ít bậc phụ huynh phải cảm thấy hổ thẹn vì cách dạy và nuông chiều con thái quá của mình khi để chúng ỷ lại quá nhiều vào người lớn, hoặc chỉ giúp đỡ bố mẹ nếu có phần thưởng đi kèm.
Những mầm non tương lai của đất nước cần nhiều thứ hơn sự che chở và bảo bọc của bố mẹ. Vì vậy, đừng chỉ chăm chăm đầu tư cho con học hành đủ các bộ môn nhưng lại không quan tâm rèn luyện các kỹ năng sống cho con, để rồi đến cuối cùng vẫn cứ là "thua ngay từ vạch xuất phát" như thế này đây.
Các em học sinh Nhật Bản được dạy phân loại rác thải ngay từ bé.
Tất cả mọi đồ ăn đều được các em ăn sạch sẽ với thái độ vô cùng trân trọng.
Bức ảnh chụp đoàn học sinh Trung Quốc sau bữa ăn.
Chẳng ai bảo ai, nhưng các em học sinh Nhật luôn tự giác dọn dẹp nhà ăn sau mỗi bữa trưa.
Mỗi người một việc, không có ai rảnh rỗi cả.
"Chưa đến Nhật Bản thì không biết thế nào gọi là chất lượng giáo dục. Chưa ăn cơm cùng trẻ em Nhật Bản thì chẳng hiểu thế nào là thua ngay từ vạch xuất phát.