Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, các chàng trai, cô gái Thái đã tất bật vào rừng kiếm củi khô núi đá, loại củi cháy tốt nhất mang về xếp đầy gầm nhà sàn truyền thống để phục vụ cho việc luộc bánh chưng, nấu nướng, sưởi ấm cả gia đình trong những ngày Tết. Vì trong Tết, người Thái kiêng vào rừng, đốn củi, săn bắn hái lượm. Lá dong, lạt buộc gói bánh chưng cũng được bà con chuẩn bị trước Tết vài ngày. Việc gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa… chủ yếu là chị em phụ nữ đảm nhiệm.
Nguyên liệu để gói bánh chưng
Bà Tòng Thị Vinh (ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết: “Từ hồi còn thiếu nữ, tôi đã được xem, được học cách gói bánh chưng Tết từ mẹ và các chị lớn tuổi. Năm nào cũng chỉ mong đến Tết thì mới được gói bánh chưng, và coi đó là công việc chính của chị em phụ nữ, nên ai cũng cần phải biết. Nhất là sau này về nhà chồng càng phải thành thạo việc gói bánh chưng sao cho đẹp, ngon, thể hiện sự khéo tay hay làm của nàng dâu”.
Đàn ông con trai sẽ làm những phần việc nặng nhọc hơn, như bổ củi, mổ lợn lấy thịt gói bánh chưng và làm thịt gác bếp để ăn, tiếp khách trong mấy ngày Tết. Bánh chưng, trước hết là để thờ tổ tiên, sau đó phục vụ gia đình trong những ngày Tết và còn là món quà biếu khách quý dịp Tết.
Bà con gói bánh chưng gù truyền thống ngày Tết của người Thái
Ông Tòng Văn Hịa (bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết: “Việc của đàn ông, con trai là phải vào rừng tìm củi núi đá, loại củi cứng, cháy tốt, không cháy xém mang về bổ, để đủ đun nấu trong những ngày Tết, vì Tết kiêng không đi rừng; tìm cây giang dóng dài trong rừng sâu về chẻ làm lạt buộc. Lạt phải được chẻ, vót thật mịn, không mỏng quá và cũng không dày quá để buộc bánh cho đẹp, chắc bền nhất. Việc quan trọng nữa là chuẩn bị thịt lợn, nếu gia đình có thì mổ cả con, không có thì chung đụng với nhà anh em, họ hàng để có thịt gói bánh chưng”.
Lương thực, thực phẩm cần thiết cho việc gói bánh chưng gồm các loại gạo nếp tan như tan đanh, tan pỏm, tan nhe, thịt mỡ lợn, đỗ xanh, đỗ nho nhe, lá dong, lạt buộc bánh chưng (tiếng Thái gọi là mạy hẹ, mạy hang) - đây là loại nứa mọc tự nhiên trong rừng sâu, dóng dài, thẳng, chẻ làm lạt buộc rất chắc, bền, dẻo. Đến khoảng ngày 28 - 30 Tết, các gia đình sẽ tất bật với việc gói bánh chưng, nhà nào neo người sẽ lần lượt sang nhà nhau giúp gói bánh sao cho nhanh hơn. Theo phong tục của người Thái, bà con thường gói bánh chưng lưng gù, 2 cái bánh gù úp vào nhau, dùng lạt buộc lại thành 1 cặp. Theo quan niệm, 2 cặp bánh chưng gù tượng trưng cho đôi lứa, hạnh phúc; cầu mong cho thế hệ con cháu sẽ luôn sống khoẻ, trường thọ cho đến lúc lưng gù, đầu bạc, răng long như ông bà, cha mẹ.
Các cặp bánh chưng gù sau khi đã gói xong
Việc trông nồi bánh chưng sẽ giao cho con cháu đảm nhận, cũng là dịp để các đôi nam nữ thanh niên được ngồi quây quần bên bếp lửa hồng tâm sự đến thâu đêm, suốt sáng mà không thấy mệt mỏi.
Bà Tòng Thị Vinh, bản Mòng, xã Hua La cho biết thêm: “Bánh chưng phải luộc kỹ, phải có người trông lửa điều chỉnh lửa liên tục để lửa không bị tắt, nên thường giao cho thanh niên, con cháu trong nhà trông nồi bánh chưng. Luộc bánh đến tận đêm muộn, nên các đôi trai gái yêu nhau thường ngồi cùng nhau, vừa tâm sự, vừa dụt củi luộc bánh cho chín kỹ, chín đều. Vui quá có lúc quên cả ăn, cả ngủ”.
Bánh chưng được bà con đun bằng loại củi lấy từ núi đá
Khi nồi bánh chưng đã chín, chủ nhà mang bánh để dâng lên bàn thờ tổ tiên, cùng với một số sản vật của gia đình làm ra sau một năm lao động, sản xuất vất vả, như con gà, thịt lợn, cá pỉnh tộp (cá nướng), hoa quả… Gia chủ thắp nén hương thơm lên bàn thờ gia tiên, mong tổ tiên, những người đã khuất phù hộ, độ trì cho gia đình, con cháu năm mới có nhiều sức khoẻ, bình an, mùa màng bội thu. Sau đó, con cháu trong nhà mới được ăn bánh chưng năm mới.
Bánh chưng của đồng bào Thái Tây Bắc mang nhiều ý nghĩa, vì thế không thể thiếu trong mỗi gia đình đồng bào mỗi dịp Tết đến, xuân về.