Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng tuyến đầu từ 8 đến 10 giờ

Vân Sơn, Theo Tiền phong 14:10 09/09/2021

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng kéo dài từ 8 đến 10 giờ hoặc thường xuyên phải trực cấp cứu trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã đề nghị TP.HCM có giải pháp hỗ trợ y bác sĩ được tốt hơn.

Trước tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Để từng bước kiểm soát được dịch bệnh đòi hỏi phải có sự chăm sóc y tế tốt hơn nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, nguy kịch và tử vong cho những người mắc COVID-19. Hiện nay, TP.HCM đang có sự tham gia chống dịch của đội ngũ thầy thuốc từ các bệnh viện tuyến Trung ương và nhiều tỉnh, thành nhưng thời gian tới vẫn cần có thêm sự chi viện".

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng tuyến đầu từ 8 đến 10 giờ - Ảnh 1.

Những tua trực kéo dài, thường xuyên phải mặc đồ bảo hộ khiến y bác sĩ đối mặt với nguy cơ mất nước và điện giải

Bộ Y tế đã kêu gọi và điều động khoảng 17 nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên từ các bệnh viện tuyến Trung ương và 35 tỉnh thành chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Đội ngũ này đang sát cánh với lực lượng y tế tại chỗ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19.

Trên cơ sở kiểm tra tại nhiều bệnh viện dã chiến và các cơ sở điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 ở TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ghi nhận, tại Bệnh viện Dã chiến ở Bình Chánh TP.HCM, một bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực quản lý, điều trị khoảng 150 người bệnh. Ca trực thì quá dài nhưng các y bác sĩ vẫn dốc tâm sức vì người bệnh.

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng tuyến đầu từ 8 đến 10 giờ - Ảnh 2.

Chiếc xe được trưng dụng để chở cơm hộp phục vụ bữa tối cho các y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 16

Theo Thứ trưởng Trường Sơn, tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng thường kéo dài từ 8 đến 10 giờ hoặc thường xuyên phải trực cấp cứu đến 12 giờ mỗi ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục, nguy cơ khiến cơ thể mất nước và điện giải.

Trong khi đó, điều kiện ăn uống, sinh hoạt hạn chế, việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập như phát cơm hộp, khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với lực lượng hỗ trợ từ miền Bắc vào nên ảnh hưởng sức khỏe chống dịch. Trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 trong quá trình công tác được điều chuyển tới khu vực người bệnh, suất ăn chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn người bệnh 80 nghìn đồng mỗi ngày. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh…

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng tuyến đầu từ 8 đến 10 giờ - Ảnh 3.

Trong điều kiện dã chiến mọi thứ đều trở nên khó khăn, các y bác sĩ không đòi hỏi nhưng họ cần có sức khỏe tốt nhất để phục vụ người bệnh

Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố có các giải pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ y bác sĩ đang làm nhiệm vụ trong tâm dịch.

Theo đó, cần có giải pháp đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; đơn vị cung cấp thực phẩm cần điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; nhân viên y tế không may mắc COVID-19 phải được đảm bảo chế độ ăn như thường ngày.

Đối với các tình nguyện viên hỗ trợ ở các Bệnh viện Dã chiến, Sở Y tế TP.HCM cần hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ. Tập huấn để đảm bảo các tình nguyện viên làm việc hiệu quả, hạn chế các vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Trung tâm y tế các quận huyện hoặc đơn vị tuyển chọn tình nguyện viên cần thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh COVID-19 cho tình nguyện viên trước khi đưa họ đến các khu điều trị.

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng tuyến đầu từ 8 đến 10 giờ - Ảnh 4.

Bảo vệ sức khỏe cho lực lượng y tế tuyến đầu sẽ là nền tảng vững chắc tiến tới thắng lợi của cuộc chiến chống dịch

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, cùng với các bệnh viện thì mô hình các trạm y tế lưu động đang hoạt động rất tốt, chăm sóc được bệnh nhân ngay từ cơ sở. Mô hình này sẽ áp dụng ít nhất cho đến hết thời gian thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần tiếp tục đánh giá hệ thống thu dung, điều trị ở các cơ sở thu dung, quản lý F0, các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị bệnh nhân ở tầng 2 để xem nguồn nhân lực đã đảm bảo đủ phục vụ cho người bệnh hay chưa. Đồng thời, TP.HCM cần quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất, tinh thần của y bác sĩ, đặc biệt là từ các địa phương khác chi viện cho TP.HCM. Mục tiêu là phải đảm bảo tốt điều kiện an toàn cho nhân viên y tế khi làm việc như khẩu trang, bảo hộ, dinh dưỡng.

Mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng tuyến đầu từ 8 đến 10 giờ - Ảnh 5.