Mới đây, Starbucks Việt Nam thông báo đóng cửa hàng Starbucks Reserve ở đường Hàn Thuyên, trung tâm quận 1, TP HCM, sau 7 năm hoạt động.
Đây là quán theo mô hình Reserve duy nhất tại TP HCM và thứ hai Việt Nam, cửa hàng Reserve còn lại tại phố Nhà Thờ (Hà Nội).
"Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo cửa hàng Starbucks Reserve Hàn Thuyên sẽ chính thức ngưng hoạt động từ ngày 26/8. Starbucks Reserve sẽ sớm trở lại ở một vị trí khác", phía Starbucks nêu.
Hiện nhiều môi giới bất động sản cũng đang đăng tìm người thuê nhà diện tích 210m2 tại địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên này với giá 30.000 USD/tháng, tương đương hơn 750 triệu đồng.
"Đến ngày 26/8, Starbucks sẽ hết hạn hợp đồng thuê. Căn 11-13 Hàn Thuyên thời điểm 2017 có giá thuê dao động khoảng 18.000 USD/tháng ", một môi giới chia sẻ với PV.
Vị trí này đã được rao thuê trên một số nền tảng trực tuyến. Một bài đăng cho biết căn nhà này có 1 trệt 2 lầu, 8,4x25m.
"Điều kiện thuê linh hoạt. Thời gian nhận nhà: Tháng 8/2024. Nhà hiện trạng là cafe Starbucks, ngay Nhà thờ Đức Bà, vị trí trung tâm đắc địa, thích hợp làm chuỗi F&B thương hiệu lớn, văn phòng đại diện…”, đoạn mô tả nêu.
Như vậy, cho thấy chủ nhà không quá giới hạn về loại hình sản phẩm kinh doanh của người thuê.
Trong một bài đăng khác, cho biết giá thuê 746,4 triệu đồng/tháng, còn thương lượng. Hướng nhà Tây Bắc.
Tuy nhiên, vẫn có bài đăng nêu cho thuê căn nhà này chỉ 490 triệu đồng/tháng.
Theo khảo sát của Cushman & Wakefield hồi cuối năm 2023, giá thuê mặt bằng đường Đồng Khởi đắt thứ 13 thế giới, đây là đường cạnh đường Hàn Thuyên.
Hiện mặt bằng cho thuê tại TP HCM vẫn còn trống nhiều, nhất tại khu vực trung tâm. Tại các tuyến đường trung tâm quận 1, quận 3 (TP HCM), mặt bằng nhà phố để trống vẫn khá nhiều.
Tuy nhiên, so với cách đây một năm, tình trạng trả mặt bằng hàng loạt đã dần hạ nhiệt. Ở một số cung đường sầm uất, các tấm biển “cho thuê nhà” được hạ xuống, thay vào đó là hoạt động sửa chữa và khai trương cửa hàng mới.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, sự phục hồi sức thuê vẫn khá ì ạch.
Xu hướng dịch chuyển mặt bằng từ khu trung tâm vào ven trung tâm để giảm bớt chi phí vẫn tiếp tục diễn ra.
Đây cũng là lý do các mặt bằng khu ven giảm tỉ lệ trống, trong khi các quận trung tâm TP HCM tiếp tục đối mặt với tình trạng cho thuê khó khăn.
Từ thế thượng phong cung ít, cầu nhiều và giá thuê leo thang suốt thập niên, đến nay mặt bằng nhà phố cho thuê TP HCM chịu cảnh cảnh “thất thế”.
Tình trạng này được dự báo còn tiếp tục diễn ra đến hết năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu thị trường đã có sự thay đổi nhất định. Thậm chí, một số dự báo cho rằng, nhà phố kinh doanh sẽ khó lấy lại “phong độ” như giai đoạn trước năm 2019.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TP HCM cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê, đồng thời khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới.
“Chủ nhà không còn ở thế thượng phong. Khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đó là mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị, bán hàng trực tuyến", bà Trang nói.
Dẫu vậy, trong dài hạn bà Trang vẫn lạc quan cho rằng, thị trường nhà phố cho thuê sẽ có nhiều tín hiệu tích cực khi kinh tế trên đà phục hồi.
Ngược lại với khung cảnh ảm đạm trên các tuyến phố, mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại lại khá nhộn nhịp, tỷ lệ lấp đầy cao.
Khảo sát của Cushman & Wakefield cho thấy tỷ lệ lấp đầy trong các trung tâm thương mại tại TP HCM đạt 90%, ổn định theo năm.
Giá thuê trung bình đạt mức 53 đô la Mỹ mỗi m2/tháng, giảm nhẹ 1,5% so với quý trước nhưng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị này lý giải do các trung tâm mua sắm mới và cải tạo bắt đầu hoạt động một phần và toàn bộ với công suất lấp đầy tốt.
Ngoài ra, một số dự án đã hoàn tất việc cơ cấu lại cơ cấu khách thuê và chào đón thêm nhiều khách thuê quy mô lớn trong các siêu thị, thiết kế nội thất, thời trang và ẩm thực, góp phần một phần vào việc cải thiện công suất thuê chung.