Nhiều năm nay, 8/16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) tại TP HCM vẫn còn người ở.
Một trong nhiều lý do khiến cư dân nhất quyết bám trụ, bất chấp nguy cơ chúng có thể đổ sập bất cứ lúc nào là thông tin về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được rõ ràng.
Ngoài ra, quỹ nhà tạm cư còn thiếu, nỗi lo kiếm sống tại nơi ở mới nhiều bất trắc cũng là những nguyên nhân dẫn tới việc di dời cư dân thiếu khả quan.
Chính quyền đã liên tiếp có động thái gỡ khó. Trong đó, với Quyết định 2786/2022, UBND TP HCM ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan thủ tục đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chung cư được xây trước năm 1975.
Quyết định với thời gian ủy quyền đến hết năm 2025 này cho thấy sự coi trọng của thành phố đối với tính an toàn về công trình cũng như cuộc sống người dân. Mặt khác, nó phần nào thừa nhận công tác này không đơn giản. Con số 520/1.194 hộ dân chưa di dời là sự phản ánh quá trình phức tạp ấy.
Tuổi thọ của chung cư cấp D không chỉ là câu hỏi mà đã thành mối nguy lơ lửng. Bức tranh phát triển sôi động của TP HCM không nên có những gam màu không đáng có.
Đến nay, nhiều rào cản được nhận diện như chung cư ở vị trí bất lợi, chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc không hấp dẫn nhà đầu tư; khó khăn liên quan căn hộ sở hữu nhà nước… Việc còn lại là cơ quan chức năng, trong đó có Sở Xây dựng, cần xem xét, tính toán để dứt khoát phá toang những rào cản đó.
Tăng ưu đãi về đầu tư; đào tạo việc làm, mở mang sinh kế cho người dân phù hợp với nơi ở mới là 2 trong nhiều việc cần được ưu tiên.