Cầu "Vĩnh biệt" hay cầu "Tử thần" là cái tên mà nhiều người dân đặt cho cầu Máng bắc qua sông Trường Giang, nối 2 xã Tam Xuân 1 với xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Clip cầu "Vĩnh biệt" - nơi hàng chục người đã vĩnh viễn ra đi dưới dòng nước xiết. Thực hiện: Hà Nam
Cầu "vĩnh biệt" dài gần 300 mét, được xây vào năm 1985, với mục đích đưa nước từ công trình đại thủy nông Phú Ninh về tưới tiêu cho 30 ha lúa thuộc đồng bãi vẹt xã Tam Tiến.
Vì là đường dẫn nước nên chiều ngang của cầu chưa tới 0,8 mét và chỉ đủ cho hai người đi bộ tránh nhau.
Dù đã có biển cấm, thế nhưng bất chấp nguy hiểm, cây cầu này vẫn được người dân sử dụng như một tuyến đường lưu thông từ xã Tam Tiến ra Quốc lộ 1 và ngược lại.
Theo người dân địa phương, dù biết việc lưu thông qua cây cầu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây hậu quả khôn lường, nhưng do không muốn đi vòng mất hơn 10 km nữa nên họ đành "nhắm mắt đưa chân" vì không còn lựa chọn.
Được biết, từ ngày có cầu Máng đến nay, đã có gần 30 người chết đuối và hàng chục người rớt sông nhưng may mắn được cứu sống, thậm chí có người rớt tới 2 lần.
Do có quá nhiều người bị rơi xuống sông nên vài năm trước, cơ quan chức năng đã xây dựng lan can cùng với dây cáp bảo vệ nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.
Ông Nguyễn Lanh - người dân địa phương cho biết: "Ngày trước không có lan can nhưng cây cầu thẳng dễ lưu thông. Từ lúc làm trụ đỡ cho lan can khiến trên cầu xuất hiện nhiều "con lươn" nổi lên làm cho việc chạy xe máy càng gặp khó khăn hơn. Tuy cầu có dây cáp, nhưng do dây cáp thưa nên không có hiệu quả, thời gian gần đây, cây cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng và xuất hiện nhiều ổ gà khiến người điều khiển xe máy rất dễ mất thăng bằng và bị lọt giữa 2 dây cáp rồi rơi xuống sông".
Mới đây nhất là khoảng 18h30 ngày 19/9, ông Châu Ngọc Lực (54 tuổi, ngụ thôn Tân Thuận, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) đi làm về chạy xe đến giữa cầu Máng thì bất ngờ bị té ngã cả xe và người xuống sông tử vong.
Khắp các trụ cầu "Vĩnh biệt" là những bình cắm hương...
Theo quan sát của PV, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người và xe lưu thông qua cầu "Vĩnh biệt". Thậm chí vào các ngày lễ, có hàng nghìn người "đùa giỡn" với tử thần trên cây cầu "Vĩnh biệt" này.
Đặc biệt, vào giờ tan học, nhiều học sinh đã phải rất vất vả mới có thể đi xe qua cầu.
Do được xây dựng cách đây hàng chục năm nên hiện cây cầu đã xuống cấp trầm trọng, nhiều mảng bê tông đã bị hư hỏng, bong tróc...
... và được tu bổ bằng cách trám xi măng kết hợp với những phách gỗ vào thành cầu như thế này.
Với những người qua cầu lần đầu, cảm giác quả là vô cùng sợ hãi. Vừa khua khua hai chân để đẩy chiếc xe nhích đi từng centimet, anh Mai Chí Đường (trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa run rẩy nói: "Biết thế này thì thà đi xa thêm vài chục cây số còn hơn. Nguy hiểm quá, rủi sẩy chân một cái rớt xuống nước thì chết chắc luôn".
Khoảng cách giữa sự sống và cái chết đôi khi chỉ là một cái sẩy chân.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: "Chính quyền địa phương đã cắm biển cấm người cùng phương tiện qua lại... Đồng thời chúng tôi cũng nhiều lần làm barie chắn ngang các đầu cầu để ngăn cản người dân lưu thông nhưng đều bị người dân đập phá để tiếp tục đi lại. Bởi theo bà con ở đây, nếu cấm thì cả ngàn em học sinh ở hai thôn Tiến Thành và Tân Lập đi học ở trường THPT Cao Bá Quát tại Tam Anh Bắc (Núi Thành) và trường THPT Lý Thường Kiệt sẽ phải đi đường vòng mất hơn 10 cây số".
Cũng theo ông Giúp, hiện xã chưa có con số thống kê chính xác người gặp nạn khi qua cây cầu này nhưng hầu như năm nào cũng có. Chính quyền địa phương mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp nâng cấp hoặc xây cầu mới để không phải chứng kiến thêm bất cứ một cái chết thương tâm nào tại cây cầu "Vĩnh biệt" này nữa...