Theo nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên VBF), số lượng học sinh Việt Nam ra nước ngoài học hàng năm ngày càng tăng cao. Với chi phí trung bình 20.000 USD/người/năm, người Việt Nam đang chi trả khoảng 3 tỉ USD/năm để hiện thực hóa giấc mơ du học cho con em họ trên toàn thế giới.
Tốn kém là như vậy nhưng đây vẫn được xác định là ưu tiên số 1, là khoản đầu tư dài hạn cho tương lai của nhiều gia đình có mức thu nhập trung lưu ở Việt Nam.
Hiện Việt Nam có khoảng 150.000 người đang học tập ở nước ngoài, trong đó khoảng 90% du học sinh đi học bằng nguồn kinh phí tự túc.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng du học sinh đi học nhiều nhất ở Nhật Bản khoảng 60.000 người, tiếp theo là Australia, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Có nhiều nguyên nhân khiến các gia đình sẵn sàng chi một một khoản lớn hằng năm để cho con đi du học ở nước ngoài như mong muốn con được trải nghiệm nền văn hóa mới, cách sống mới, để con tự lập, thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Phùng Minh Anh, học sinh lớp 12 Anh, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội chia sẻ: "Những trường bên Mỹ cho mình cơ hội thử sức với nhiều ngành khác nhau, nên em rất muốn du học ở Mỹ để chọn đúng ngành phù hợp với bản thân mình."
Nếu trước đây du học là chuyện của những gia đình lắm tiền nhiều của thì những năm gần đây, với chính sách hỗ trợ học bổng của các trường quốc tế, gia đình có thu nhập ở mức trung lưu cũng có cơ hội được gửi con đi du học nếu con em họ thực sự nỗ lực.
Bà Đào Thị Liên Hương, Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và ngôn ngữ thế giới cho biết: "Hăng hái nhất là những gia đình trung lưu, các em luôn mong muốn hướng tới tương lai tốt hơn hiện tại, rất có chí tiến thủ, nghiên cứu chương trình cẩn thận để học tập tốt nhất, tìm công việc có lương cao. Chính những đối tượng này về sau sẽ làm thay đổi đất nước."