Ning Zhu, nữ y tá tại thành phố Vũ Hán - nơi khởi phát dịch virus corona Covid-19, đang trong tâm trạng rất bồn chồn. Thay vì "chiến đấu" chống dịch nơi tiền tuyến, hàng tuần qua Zhu phải tự giam mình cách ly trong nhà kể từ ngày 26/1, sau khi bản chụp CT cho thấy nghi vấn cô nhiễm virus corona chủng mới.
Cấp trên yêu cầu cô chờ đợi xét nghiệm acid nucleic để biết chính xác tình hình. Nhưng đợt xét nghiệm ấy đến giờ vẫn chưa xảy ra.
"Nó thực sự là một vấn đề vào lúc này. Bệnh viện của chúng tôi hiện đã có hàng trăm người phải tự cách ly tại nhà," - Ning Zhu trả lời phỏng vấn qua điện thoại với CNN. Cô cho biết rằng đã có thêm 30 nhân viên y tế trong viện được xác nhận đã nhiễm Covid-19.
"Nếu kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì, chúng tôi sẽ quay trở lại làm việc. Thực sự thì tôi không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ có một vài vấn đề trên phim chụp. Trông có vẻ như đã nhiễm một chút," - cô chia sẻ.
Theo Zhu ước tính, bệnh viện của cô có khoảng 500 nhân viên y tế, trong đó hơn 130 đã nhiễm chủng virus đang lây lan cho hơn 60.000 người trên thế giới. Cô từ chối tiết lộ nơi làm việc, đồng thời yêu cầu đổi danh tính vì bản thân không có thẩm quyền trả lời truyền thông báo chí.
*Diễn biến virus corona Covid-19 trên thế giới đang rất phức tạp. Bạn có thể theo dõi tại đây
Tình cảnh tại bệnh viện của Zhu cũng không phải đặc biệt trong thời buổi này. Một y tá khác tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán chia sẻ trên Weibo (nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc) rằng cô và khoảng 150 đồng nghiệp của mình đã hoặc đang bị nghi nhiễm virus. Người này sau khi tự cách ly tại nhà từ tháng 1, đã chính thức được đưa vào viện để điều trị hôm 11/2 vừa qua.
"Khu trị bệnh tôi đang ở thực sự toàn là các đồng nghiệp trong viện thôi," - cô chia sẻ vào ngày 12/2. "Hầu hết đều là phòng đôi hoặc phòng 3, với tên và số giường được viết trước cửa phòng."
Mỗi khi có nhân viên y tế đến kiểm tra, cô đều phải nín thở. "Tôi sợ rằng virus trong người mình sẽ thoát ra ngoài, nhiễm cho những người đang dốc sức chiến đấu ngoài tiền tuyến."
Nhân viên y tế đang thăm khám tại bệnh viện được chỉ định chống dịch virus corona Covid-19
Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã sớm lo ngại rằng các nhân viên y tế phải chịu rủi ro lây nhiễm rất cao trong tình cảnh dịch bệnh bùng nổ - không chỉ Covid-19 mà còn với các dịch trong quá khứ như SARS vào năm 2003. Tuy nhiên tại Vũ Hán, nguy cơ ấy đang trở nên căng thẳng hơn do tình hình thiếu hụt trầm trọng các nguồn lực y tế, cũng như cảnh báo khá muộn màng từ chính phủ về khả năng lây lan dịch bệnh.
Số liệu chính thức từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc không tiết lộ số ca lây nhiễm đối với các nhân viên y tế. Tuy nhiên theo CNN đưa tin, các báo cáo trên tạp chí khoa học chỉ ra nguy cơ có thể lên tới hàng trăm người.
Tại Vũ Hán, có khoảng 398 bệnh viện và gần 6000 cơ sở chăm sóc y tế cộng đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Vũ Hán chỉ định 9 bệnh viện chuyên biệt để điều trị các ca nhiễm virus corona chủng mới, cùng 61 cơ sở y tế ngoại trú tiếp nhận các bệnh nhân có dấu hiệu sốt - được cho là triệu chứng chung của các chứng bệnh viêm phổi. Tại một số bệnh viện trong số này, nhân viên y tế nghi nhiễm bệnh chiếm tỉ lệ khá cao.
Nhân viên y tế nơi tiền tuyến có nguy cơ lây nhiễm rất cao
Ví dụ tại bệnh viện Trung Nam - một trong 61 cơ sở đang tiếp nhận bệnh nhân, 40 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm, chiếm gần 30% trong số 138 ca chính thức tại bệnh viện từ ngày 1/1 - 28/1. Số liệu lấy trong báo cáo đăng trên tạp chí khoa học American Medical Association tuần qua.
Peng Zhiyong, giám đốc khoa y học cấp tính tại bệnh viện Trung Nam - đồng tác giả báo cáo cho biết "tỉ lệ này vẫn còn là nhỏ so với các bệnh viện khác."
Tại bệnh viện Vũ Hán số 7 - cũng là 1 trong 61 cơ sở, 2/3 số nhân viên thuộc đội chăm sóc đặc biệt đã nhiễm virus do thiếu hụt đồ bảo hộ. Peng cho biết, đây là số liệu do phó giám đốc bệnh viện của ông - người được gửi đến hỗ trợ bệnh viện Vũ Hán số 7 cung cấp.
Trên thực tế, chính quyền thành phố Vũ Hán cũng ghi nhận việc thiếu đi các trang bị y tế thiết yếu - như khẩu trang chuyên dụng N95, kính bảo vệ, và trang phục bảo hộ. Các bệnh viện trong thành phố đã liên tục lên mạng xã hội kêu gọi quyên góp vật dụng y tế, vì đó là những thứ cực kỳ cần thiết để bảo vệ các y bác sĩ ngoài tiền tuyến khỏi việc lây nhiễm chéo virus từ bệnh nhân.
Bác sĩ Lý Văn Lượng - người đầu tiên lên tiếng cảnh báo về virus corona chủng mới đã tử vong
Bên cạnh đó sự thiếu hụt về trang thiết bị, các nhân viên y tế hiện cũng đang chạm tới giới hạn do quá tải trong công việc. Theo David Hui Shu-cheon - chuyên gia bệnh hô hấp từ ĐH Hong Kong (Trung Quốc), lây nhiễm chéo có thể xảy ra tại các phòng uống trà và phòng họp, nơi họ nghỉ ngơi sau những ca làm việc kéo dài. Shu-cheon cho biết, thông tin này đến từ một bác sĩ được gửi đến hỗ trợ Vũ Hán từ Bắc Kinh.
Tham khảo: CNN