Chúng ta đã đi đến những ngày cuối cùng của năm 2015. Mặc dù từ nay đến khi chính thức bước sang năm 2016, có thể vẫn còn kha khá
smartphone được ra mắt thì tới thời điểm hiện tại có thể khẳng định hầu hết các nhà sản xuất đã giới thiệu hết các sản phẩm cao cấp để đón đầu mùa mua sắm cuối năm.
Nhìn vào các sản phẩm cao cấp của năm 2015, dưới đây là 4 điểm chung mà chúng ta có thể đúc kết.
1. Màn hình QHD
Từ năm ngoái LG đã trang bị cho flagship của mình màn hình QHD và đặc điểm này tiếp tục được duy trì trên dòng LG G4.
Nếu như trong năm 2014, cộng đồng yêu công nghệ mới chỉ được đón nhận một vài chiếc smartphone thương mại đầu tiên có màn hình độ phân giải 1.440 x 2.560 pixel, đến nay, đây đã trở thành một tiêu chuẩn mới của phân khúc điện thoại cao cấp.
Theo đó, hầu hết điện thoại flagship trình làng từ tháng 1 đến nay đều có màn hình QHD, có thể kể đến những cái tên như Samsung Galaxy S6, LG G4, LG V10, Motorola Moto X Play, Droid Turbo 2 hay Huawei Nexus 6P. Bộ đôi điện thoại cao cấp mới nhất của Microsoft, Lumia 950 và 950XL, cũng được trang bị độ phân giải này.
Sony Xperia Z5 trung thành với màn hình Full HD, tuy nhiên phiên bản Sony Xperia Z5 Premium lại đột phá với màn hình độ phân giải lên tới 4K.
Ngoại lệ: Ở thời điểm hiện tại, vẫn có rất nhiều tranh cãi cho rằng màn hình QHD trên điện thoại thông minh là không cần thiết bởi ở góc nhìn thông thường thực tế mắt người sẽ không thể cảm nhận được sự khác biệt giữa màn hình QHD và màn hình FHD.
Sony và HTC là hai nhà sản xuất có tiếng đồng ý với quan điểm này. Vì thế, cả HTC One M9 và Sony Xperia Z5 đều chỉ có màn hình Full HD. Về phần mình, Apple cũng không tham gia vào cuộc đua mật độ điểm ảnh. iPhone 6s có màn hình 4,7 inch cùng độ phân giải 720 x 1.280 pixel trong khi đó chiếc iPhone 6s Plus có màn hình 5,5 inch độ phân giải 1.080 x 1.920 pixel.
2. Thân máy kim loại
Samsung Galaxy S6 thay đổi chóng mặt so với Samsung Galaxy S5 với thiết kế khung nhôm nguyên khối và hai mặt kính.
Xu hướng thị trường di động vài năm gần đây cũng định hình tiêu chuẩn điện thoại cao cấp phải có thiết kế kim loại. Năm nay, xu hướng này tiếp tục được thể hiện đậm nét. Ngay cả Samsung, một hãng sản xuất truyền thống gắn bó với chất liệu nhựa (kể cả với những dòng máy cao cấp, cũng đã buộc phải thay đổi.
Ở đặc điểm này, chúng ta gần như khó có thể tìm thấy một ngoại lệ nào.
3. Pin liền, tích hợp công nghệ sạc nhanh
HTC One M9 có tốc độ sạc nhanh hơn chiếc HTC One M8 tới 47%.
Nói về pin, hai đặc điểm chung thường thấy trên smartphone cao cấp Android trong năm nay là: gần như tất cả đều có pin liền và công nghệ sạc nhanh.
Trong đó, đặc điểm đầu tiên không phải lúc nào cũng được lòng người dùng bởi không ít trong số họ muốn một thiết bị có pin rời. Từ đó thuận tiện cho việc thay pin hơn sau một thời gian dài sử dụng viên pin cũ đã bị chai. Tuy nhiên, để tối ưu không gian bên trong thân máy, các nhà sản xuất đã buộc phải sử dụng thiết kế pin liền.
Tuy nhiên, đặc điểm thứ hai lại được nhiều người chào đón. Thống kê cho thấy hầu hết điện thoại Android cao cấp trong năm nay đều sạc nhanh hơn hẳn thiết bị tiền nhiệm: Samsung Galaxy S6 nhanh hơn 38%, HTC One M9 nhanh hơn 47% hay Sony Xperia Z5 nhanh hơn 17%.
4. Cảm biến vân tay
Năm 2015 là năm đầu tiên smartphone cao cấp của Sony có cảm biến vân tay.
2015 cũng là thời điểm cảm biến vân tay trở thành một tính năng phải có trên điện thoại cao cấp, trong đó có một số thiết bị cao cấp lần đầu tiên được trang bị cảm biến vân tay như Sony Xperia Z5. Đối với các hãng đã có kinh nghiệm áp dụng cảm biến vân tay trước đó, cảm biến vân tay thế hệ mới cho tốc độ đọc nhanh và chính xác hơn vượt trội mà Apple cùng iPhone 6s/6s Plus là một ví dụ.
Ngoại lệ: HTC One M9 phiên bản quốc tế không được trang bị cảm biến vân tay tuy nhiên HTC One M9+, phiên bản dành cho thị trường Châu Á của chiếc HTC One M9, là sở hữu công nghệ nói trên.
(Tham khảo: Phonearena)