"Mẹ ơi, con không thích Tết nữa đâu!"

Thiên An - Design: Anh Nhân, Theo Thể thao văn hóa 08:00 20/01/2023

Trẻ con thích Tết vì Tết được nghỉ và có tiệc tùng, liên hoan, nhưng trẻ con cũng sợ Tết vì chúng sẽ phải đối mặt với sự đánh giá khen chê về việc học hành, hiểu chuyện trong mắt người lớn.

Dạo trước, có bức thư của một em nhỏ được chia sẻ trên MXH đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Bức thư có nội dung:

"Điều ước của tôi

Tết Nguyên đán sắp đến rồi, xin mọi người làm ơn hãy làm người chú, người cô mà ai cũng yêu mến có được không? Xin đừng túm trẻ con tụi con lại rồi hỏi tụi con bài kiểm tra được bao nhiêu điểm? Đứng thứ mấy trong lớp? Tụi con đâu có hỏi mọi người lương bao nhiêu? Có bao nhiêu căn nhà? Đã đổi mấy đời xe? Bao giờ sinh đứa thứ 2?

Hãy làm một người văn minh, để Tết của ai được vui trọn vẹn".

Mẹ ơi, con không thích Tết nữa đâu! - Ảnh 1.

Lúc đầu mọi người thấy bức thư rất thú vị nhưng nói qua nói lại, nhiều người bắt đầu than phiền về những lý do con cái họ dường như không còn háo hức với Tết nữa. Trẻ con thích Tết vì Tết được nghỉ và có tiệc tùng, liên hoan, nhưng trẻ con cũng sợ Tết vì chúng sẽ phải đối mặt với sự đánh giá khen chê về việc học hành, hiểu chuyện trong mắt người lớn.

01

Dì tôi đang buồn, dì bảo năm nay con dì không muốn về quê ăn Tết.

Dì và chồng dì lập nghiệp trong Nam nhưng mỗi dịp Tết, cả nhà dì vẫn sẽ bay ra Bắc để đón Tết. Gia đình bác tôi cũng sẽ tay xách nách mang từ thành phố về quê. Đó là một cuộc hội ngộ hiếm hoi của cả nhà, và đáng lẽ nó phải rất vui vẻ, nhưng khi nói đến việc học của con cái, dì tôi lại cảm thấy ưu tư.

Các chị con nhà bác tôi đều rất giỏi, còn con dì tôi thì thành tích không được tốt cho lắm. Mỗi khi mọi người khen ngợi con nhà bác, dì tôi chỉ biết cười theo rồi im lặng nghe 2 bác chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái. Thành ra buổi liên hoan nào cũng có cảnh so sánh con nhà này với con nhà kia, dù dì tôi bức xúc nhưng không dám nói gì, bởi suy cho cùng tất cả đều là họ hàng, người thân.

Cũng may ngày đó đám trẻ còn nhỏ nên không quan tâm lắm. Nhưng giờ con gái dì đã lớn, trở nên nhạy cảm và dễ tự ti hơn. Năm ngoái nghe mọi người bàn tán, con bé tủi thân cả ngày, lén lau nước mắt nói với dì tôi rằng mọi người chỉ thích các chị, không thích con nữa.

Mấy hôm trước, con bé thấy các bác khoe bảng điểm "khủng" của mấy chị trên mạng nên đã nói với dì tôi rằng Tết này nó không muốn về quê nữa. Dì tôi biết về quê đón Tết, thăm hỏi ông bà họ hàng là điều nên làm nhưng dì cũng mong con gái mình ăn Tết vui vẻ.

Mẹ ơi, con không thích Tết nữa đâu! - Ảnh 2.

Tết vốn là một dịp để sum họp quây quần nhưng sau khi sum họp, chủ đề lại cứ xoay quanh chủ đề nhà cửa, xe cộ và con cái. So với việc khoe nhà khoe cửa, việc khoe con khoe cái thậm chí còn diễn ra thường xuyên hơn. Cho dù sự nghiệp có thành công đến đâu mà nhà có đứa con hư, vị trí của cha mẹ cũng theo đó mà giảm đi một nửa. Và nếu con cái đủ ưu tú, giỏi giang, cha mẹ sẽ tha hồ và tự hào. Dần dà, trẻ con thành thứ đáng để khoe khoang nhất đối với các bậc phụ huynh.

02

Những đứa trẻ xuất sắc, ăn Tết cũng chẳng vui vẻ gì.

Những bậc cha mẹ thích khoe con thường không bao giờ xem xét cảm xúc của con cái mà chỉ coi con cái như một thứ để khoe khoang và thỏa mãn sự phù phiếm của bản thân. Nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng trẻ em mong manh và nhạy cảm hơn những gì người lớn tưởng tượng, và những đứa trẻ lớn lên trong sự huênh hoang bằng lời nói của cha mẹ sẽ không tránh khỏi sự căng thẳng, lo lắng kéo dài.

Tâm lý so đo, khoe mẽ của một bộ phận người lớn càng thể hiện rõ nét trên bàn rượu trong dịp sum họp ngày Tết. Trong chương trình Phi Thành Vật Nhiễu, một nữ khách mời đã chia sẻ về sự cố cô gặp phải khi còn nhỏ. Khi ấy, mẹ cô bắt cô học đàn tranh, cô nghĩ đàn tranh cồng kềnh như vậy, cha mẹ cô chắc sẽ không đụng tí lại mắt cô đàn cho mọi người nên đã rất vui. Thế nhưng, đời không như mơ. Có một năm Tết đến, cha cô lái ô tô, đặt chiếc đàn ở cốp sau và ghé qua nhà một người bạn. Khi mọi người đang ăn tất niên vui vẻ, cô phải ngồi một bên và chơi đàn tranh. Vì chuyện này mà cô vô cùng bức xúc, cảm thấy cha mình thực sự không biết thương con.

Cha mẹ mượn ánh sáng từ người con để soi sáng thế giới của mình, tự cho rằng ánh sáng này cũng soi sáng thế giới của con mình nhưng thực tế, ánh sáng này thường mang đến cho đứa trẻ những niềm đau.

Mẹ ơi, con không thích Tết nữa đâu! - Ảnh 3.

Trải nghiệm thời thơ ấu của cô giáo có tên Hoàng Lan dưới đây dường như đứa trẻ nào cũng từng phải trải qua. Khi cô Hoàng Lan còn nhỏ, cô không biết hát cũng chẳng biết múa, nói chung chẳng có "món nghề" nào để biểu diễn cho họ hàng xem, vì vậy cha của cô nói cô đi chúc rượu các bác, các chú, đồng thời còn phải nói những câu cảm ơn cha mẹ đã dạy dỗ, cảm ơn cô dì chú bác thế này thế kia… Giờ đã lớn nhưng khi nghĩ lại chuyện này, cô Hoàng Lan vẫn thấy ghét vô cùng. Thậm chí nó còn để lại ám ảnh tâm lý, đến tận bây giờ, mỗi khi uống rượu cô đều thấy buồn nôn và đặc biệt phản kháng với chuyện chúc rượu.

Ngày bé, ai trong chúng ta mà chẳng từng phải lên sân khấu biểu diễn như thế, nào hát, nào múa, nào đọc thơ, nào kể chuyện… Người lớn bắt trẻ con phải thể hiện ưu điểm, năng khiếu nào đó ra ngoài, nếu trẻ từ chối thì sẽ bị phê bình nặng nề là vô giá trị, ngu ngốc.

Trước sự ép buộc và tổn hại bằng lời nói của người lớn, khả năng phân biệt cảm xúc, nhận thức về an toàn tự ngã và sự quyết đoán của trẻ em bị tước đoạt một cách tàn nhẫn. Nỗi đau và sự chán ghét cứ thế giằng xéo trong nội tâm trẻ.

03

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm, đừng biến nó thành chuỗi ngày của những khen chê, đẩy trẻ con vào tầng tầng áp lực, biến nó trở thành dịp lễ đáng sợ và bị ghét nhất.

Ngoài việc ngừng khoe con, các bậc phụ huynh cũng hãy hạn chế làm những điều sau đây:

1. Giáo dục trẻ trước mặt người thân

Khi những đứa trẻ tụ tập một chỗ, nhiều bậc cha mẹ không tránh khỏi việc so sánh. Thấy con người khác thông minh, lễ phép, ngoan ngoãn, những tật xấu, vấn đề vụn vặt của con mình lập tức bị phóng đại và họ sẵn sàng dạy dỗ, mắng mỏ con trước mặt mọi người. Một số cha mẹ thậm chí còn tự nhiên kể những bí mật riêng tư, những mẩu chuyện xấu hổ của con cái ở nơi công cộng.

Nhà giáo dục người Anh John Locke từng nói: "Nếu cha mẹ không công khai lỗi lầm của con cái thì con cái sẽ coi trọng danh tiếng của mình hơn, chúng cảm thấy mình là người có uy tín nên càng cẩn thận, nỗ lực để giữ lấy lời khen của người khác đối với mình".

Trẻ con cũng cần thể diện, tôn trọng con cái, biến việc lớn thành việc nhỏ, và giáo dục chúng sau sự việc là điều mà bậc phụ huynh nào cũng nên làm.

Mẹ ơi, con không thích Tết nữa đâu! - Ảnh 4.

2. Bắt trẻ phải chào hỏi tất cả

Sự sợ hãi và nhút nhát của trẻ đối với người lạ là một khả năng bẩm sinh để tự bảo vệ mình, đặc biệt là đối với những đứa trẻ sống nội tâm.

Nếu trẻ ngại ngùng khi gặp người lạ, bạn có thể giới thiệu họ với trẻ, nhưng nếu trẻ không muốn chào hỏi, đừng ép buộc, hãy hiểu và tôn trọng sự chậm chạp, nhút nhát này của trẻ.

3. Đùa giỡn, cho trẻ uống rượu

Ngày lễ Tết, không ít người nổi hứng thích trêu chọc, đùa trẻ con, cho chúng uống thử rượu với tâm lý, nếm thử chẳng sao cả. Theo khảo sát, 86% trẻ em ít nhiều đã uống rượu bia với sự "trợ giúp" của người lớn. Trường hợp trẻ em tử vong vì ngộ độc rượu hàng năm không phải không có. Ai cũng biết rượu có hại cho sự phát triển gan, xương và trí não của trẻ, chỉ cần trên dưới 10g đã có thể dẫn đến tử vong.

Vậy nên đừng rủ rê con cháu uống rượu, đừng để ngày Tết trở thành nỗi ân hận cả đời.

4. Gán mác cho con mình

Con trai mà nhát thế.

Trẻ con mà chẳng có lễ phép gì cả.

Những gì người lớn thốt ra trong lúc vô tình đều đang gán mác cho trẻ.

Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là "hiệu ứng gán mác", "mác" có tác dụng định tính, cho dù là "tốt" hay "xấu" thì nó cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến "ý thức cá nhân" của một người. Trẻ em, không phải hàng hóa, không cần được định vị bằng mác, đặc biệt là trong các cuộc liên hoan, sum họp.

04

Tết là thời điểm đoàn tụ và vui vẻ, đồng thời cũng là lúc các vấn đề khác nhau dễ bị phóng đại nhất, vì vậy có nhiều vấn đề cần chuẩn bị:

- Trước Tết, hãy trò chuyện với con bạn để chúng hiểu ý nghĩa của Tết và dạy chúng một số phép xã giao.

- Nếu trẻ mắc lỗi trước mặt người thân, đừng vội chỉ trích trẻ mà hãy im lặng hoặc giải quyết một cách khéo léo và hài hước để tạo không khí hòa thuận.

- Nói chuyện với con bạn một mình khi không có ai xung quanh.

- Khi đi thăm người thân, trẻ chắc chắn sẽ gặp gỡ rất nhiều họ hàng, hãy cho trẻ biết nếu không thích điều gì đó, trẻ có thể lịch sự từ chối và trẻ phải học cách nói không.

Bước sang năm mới, nhiệm vụ của người lớn là giữ truyền thống, truyền lại cho trẻ con hương vị Tết mà ngày bé, chúng ta từng cho là rất đẹp. Hãy để Tết cũng trở thành kỉ niệm đẹp nhất trong lòng những đứa trẻ hiện tại!

Mẹ ơi, con không thích Tết nữa đâu! - Ảnh 5.