MC Quỳnh Hương: "Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có"

Angus, Ảnh: Anhkkhoa, Clip: Kingpro, Design: Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 29/04/2019

Chia tay "Thay lời muốn nói" sau 19 năm đồng hành, MC Quỳnh Hương đã có những giây phút trải lòng về "đứa con tinh thần" này cùng những dự định mới trong tương lai.

Hiếm có một chương trình truyền hình nào có tuổi thọ kéo dài đến 19 năm như "Thay lời muốn nói" và MC Quỳnh Hương chính là một trong những người đã có công biến chương trình này trở thành "món ăn tinh thần" đối với nhiều thế hệ khán giả trong suốt những năm tháng qua.

Tuy nhiên, vào một ngày giữa tháng 4, MC Quỳnh Hương quyết định nói lời chia tay với "đứa con tinh thần" mà mình đã sinh ra và nuôi dưỡng 19 năm qua. 

Gặp lại MC Quỳnh Hương 2 tuần sau khi kết thúc số phát sóng cuối cùng mà chị làm MC cho "Thay lời muốn nói", nữ MC đình đám đang cùng với ê-kíp của mình tất bật chuẩn bị cho những dự định mới trong tương lai. Tuy nhiên, chị vẫn dành cho chúng tôi những giây phút trải lòng về chặng đường đồng hành cùng "Thay lời muốn nói" ...

MC Quỳnh Hương trải lòng về quãng thời gian gắn với "Thay lời muốn nói" 19 năm qua

MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 2.
MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 3.

Chào chị Quỳnh Hương, cảm xúc của chị như thế nào sau khi kết thúc số dẫn dắt cuối cùng với "Thay lời muốn nói"?

Cho đến ngày hôm nay thì chương trình lên sóng cũng được hai tuần lễ rồi, tất cả mọi sự quyến luyến, bịn rịn cũng đã tạm lắng xuống. Mình không thể nào sống mãi với quá khứ được mà phải tiếp tục hoạt động và đây là lúc mà tôi cùng ê-kíp đã sẵn sàng cho những kế hoạch mới trong tương lai.

Các chương trình truyền hình không phải chương trình nào cũng có tuổi thọ cao, theo chị vì đâu mà "Thay lời muốn nói" kéo dài đến tận 19 năm?

Theo tôi thì sức sống lớn nhất để "Thay lời muốn nói" kéo dài đến tận bây giờ chính là nhờ khán giả. Khán giả chính là nguồn mạch nuôi sống nội dung chương trình vì "Thay lời muốn nói" được tạo nên nhờ thư của bạn đọc khắp nơi, chỉ cần một người gửi thư về là chúng tôi đã có thêm rất nhiều chất liệu để thực hiện chương trình từ tháng này qua tháng khác.

Tuy có nhiều chủ đề được lặp lại nhưng nội dung thì là câu chuyện của những người khác nhau nên khán giả không có bị cảm giác đang xem lại một chương trình cũ.

So với 19 năm trước, bây giờ công nghệ phát triển, mọi người không còn viết thư tay mà sẽ dùng mạng xã hội, có thêm giải trí bằng youtube. Qua 19 năm, chương trình đã thay đổi như thế nào với thời đại?

Đó là lý do vì sao mà tôi luôn nói vui rằng "Thay lời muốn nói" đích thực là một chứng nhân lịch sử của những biến đổi và phát triển của xã hội. Thời mà không có Internet, khán giả cũng không biết coi cái gì, giải trí bằng cái gì nên chỉ có thể đón xem các chương trình truyền hình thôi. Chính vì vậy khi "Thay lời muốn nói" ra mắt thì hàng tháng, chúng tôi nhận được hàng trăm, hàng ngàn lá thư cũng là chuyện bình thường.

Cùng với thời gian, mọi người có thêm nhiều phương tiện khác nhau để giãi bày thì "Thay lời muốn nói" cũng lâm vô những hoàn cảnh khó khăn qua từng giai đoạn, nên bắt buộc chúng tôi phải nghĩ ra những phương án linh hoạt để thay đổi mình và thích nghi được với hoàn cảnh mới.

Sau này thì rất ít người viết thư tay, thay vào đó, họ chọn hình thức nhanh hơn là gửi mail. Còn nếu ai không muốn gửi mail nữa thì họ sẽ nhắn tin thẳng vào trang FaceBook của chương trình, như vậy thì sẽ nhanh hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất thức thời khi để mọi người gửi câu chuyện của mình bằng cách bình luận dưới các bài viết trên trang của chương trình.

Như vậy, "Thay lời muốn nói" trong thời đại 4.0 rất linh hoạt, miễn sao khơi gợi được cảm xúc của khán giả thì dù họ có dùng cách nào để gửi thư cho chương trình thì ê-kíp vẫn sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng được.

MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 4.

Qua 19 năm, "Thay Lời Muốn Nói" cũng có một chặng đường rất dài từ quay phát lại trong phim trường cho đến trực tiếp trên sân khấu như bây giờ? 

Cái gì cũng phải biến thiên theo thời gian. Trước đây "Thay lời muốn nói" mà không có khán giả trực tiếp thì nó đúng nghĩa là một chương trình rất đơn giản: khán giả gửi thư về rồi tôi biên tập lại và dẫn dắt, chọn thêm những bài hát cũ hoặc ghi hình bài hát mới rồi thôi.

Tuy nhiên, tôi đã nghĩ rằng nếu có sự tham gia trực tiếp của khán giả thì sức cộng hưởng của chương trình sẽ được tăng lên rất nhiều, muốn biết mình làm số đó hay hay không thì chỉ cần nhìn nét mặt của khán giả là biết. 

Tôi đã bắt đầu thử nghiệm từ năm thứ 4 của "Thay lời muốn nói" là mỗi số kỷ niệm sinh nhật thì sẽ được tổ chức ở sân khấu lớn có sự tham gia của khán giả. Sau khi tôi và ê-kíp quen dần với việc có khán giả theo dõi trực tiếp thì đến năm 2007, "Thay lời muốn nói" chính thức trở thành chương trình truyền hình trực tiếp hàng tháng. Vì thời điểm bấy giờ, hình như chỉ có truyền hình trực tiếp hàng tháng thì lượng rating mới cao. 

Format mới tiếp tục thu hút khán giả cho đến năm 2012 thì Facebook thịnh hành và "Thay lời muốn nói" lại gặp khó khăn. Giờ đây mọi người có thể tự mình đăng những dòng trạng thái rất dễ dàng và nhận được rất nhiều chia sẻ. Vì thế mà dường như mọi người dần thờ ơ với các hình thức chia sẻ khác, ê-kíp của "Thay lời muốn nói" cũng phải ngồi lại để tính tiếp những hướng đi mới và đây là thời điểm chúng tôi thật sự gặp gian nan.

Sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn này, dường như "Thay lời muốn nói" đã vượt thêm được một con dốc và làm thêm được một dạng sứ mệnh mới. Chặng đường sau này là "Kết nối chia sẻ - Lan tỏa yêu thương", có nghĩa là "Thay lời muốn nói" không còn ngồi đọc thư rồi gửi thông điệp đến khán giả một cách thụ động nữa mà sẽ kết nối mọi người lại với nhau.

Có rất nhiều khán giả đã chạm tới trái tim của nhau qua tình thân, sự gắn bó cũng như sự đồng cảm và chia sẻ. Thậm chí, trong những trường hợp có câu chuyện quá ngặt nghèo, quá khó khăn thì chúng tôi cũng tìm được rất nhiều sự đồng cảm từ khán giả và đôi khi còn tìm ra giải pháp, hướng đi cho trường hợp đó nữa.

Qua 19 năm, chị có áp lực với lượng thư mời giảm dần, rating cũng sụt giảm dần so với thời gian đầu?

 Đi qua năm tháng thì tôi mới nhận ra rằng khán giả của "Thay lời muốn nói" rất là trung thành.

Ở số phát sóng cuối mà tôi làm MC, tôi có viết rằng "Thay lời muốn nói" là thanh xuân của tôi và ê-kíp. Vậy liệu "Thay lời muốn nói" có phải là thanh xuân của bạn không?" Sau đó, tôi đã nhận được khoảng 500, 600 lời chia sẻ rằng chương trình cũng là thanh xuân của rất nhiều người, gần giống như "Thay lời muốn nói" có một lượng khán giả đi cùng năm tháng.

Thời điểm hiện tại khán giả không xem trực tiếp trên truyền hình nữa mà sẽ theo dõi lại trên YouTube, lượng người xem chương trình vẫn khá ổn định, chỉ chuyển từ truyền hình sang youtube mà thôi.

Một điều hiển nhiên rằng ngày xưa, truyền hình là sự lựa chọn duy nhất của khán giả thì bây giờ, khi các phương tiện khác đã trở nên quá phổ biến, quá dễ tiếp cận thì lập tức ngành truyền hình chính thống sẽ gặp một số khó khăn.

MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 5.

Ví dụ như rating, theo ý kiến của riêng tôi thì bây giờ không có một chương trình truyền hình nào, dù là hot nhất đạt được lượng rating lý tưởng của một chương trình truyền hình truyền thống ngày xưa. Có rất nhiều đài truyền hình trên khắp cả nước mà mỗi đài có đến 5-6 kênh, chưa kể là phải đối phó với bao nhiêu lượng YouTuber tự sản xuất nên lượng người xem sẽ bị chia sẻ giảm sút nhiều.

Sản xuất một chương trình truyền hình chính quy tốn rất nhiều tiền. "Thay lời muốn nói" vốn đã đi theo một format là dàn dựng chỉn chu, công phu như vậy thì bắt buộc phải tốn kém.

Truyền hình vẫn là một kênh mang tính tuyên truyền và giáo dục, nội dung khi lên sóng cần phải chặt chẽ và giới hạn trong một số phạm vi an toàn. Điều này nếu xét trong một thời đại mới thì hơi quá khắt khe. Đó là lý do vì sao mà sau khi chia tay "Thay lời muốn nói", tôi cùng ê-kíp đã thực hiện một chương trình khác nhằm thoát được mọi giới hạn truyền hình mà "Thay lời muốn nói" đang phải đi theo khuôn mẫu.

Câu chuyện nào trong 19 năm Thay lời muốn nói làm chị ấn tượng nhất?

Gần đây nhất là chủ đề "Đời vẫn vui" vào tháng 12 năm 2015, tôi và Phương Thanh cùng dẫn chuyện. Có một người vợ kể câu chuyện của bản thân nhẹ nhàng lắm, nhưng người đọc đầu tiên để duyệt và đưa vào trong chương trình là tôi lại chịu không nổi vì cô ấy kể rất chi tiết.

Đó là câu chuyện của hai con người bình thường yêu nhau tha thiết rồi làm đám cưới. Thời gian cứ thế trôi qua một cách hạnh phúc, ấm êm cho đến khi người vợ phát hiện mình bị hiếm muộn và từ đó về sau là một hành trình rất mệt mỏi để đi tìm con bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm. Và từ từ hạnh phúc gia đình cũng đội nón ra đi, mái ấm trở thành ‘mái lạnh’. Tới lần thứ 11 thụ tinh không thành công thì cô ấy buông tay cho chồng đi cưới vợ mới…

Khi chương trình đó lên sóng đã tạo một cơn chấn động luôn, có rất nhiều người gửi chia sẻ về để khóc rồi đồng cảm với người vợ, kể cả giới văn nghệ sĩ. Lúc đó mình mới ngẫm ra rằng vấn nạn vô sinh và những hạnh phúc đổ vỡ vì vô sinh vẫn đang là vấn nạn vô cùng lớn của xã hội. Nhưng chỉ có một mình người vợ trong câu chuyện đó đủ can đảm để chia sẻ một cách tường tận như vậy. Dư chấn của số phát sóng đó về sau còn rất dài nữa, thậm chí còn được nhiều bạn trẻ chia sẻ lại cho đến hiện tại.

Tôi nghĩ sức mạnh của "Thay lời muốn nói" nằm ở chỗ đó, có nghĩa là không lên lớp, không dạy đời ai cả nhưng chính sự xót xa từ câu chuyện của các nhân vật sẽ góp phần thay đổi nhận thức ở một bộ phận không nhỏ người xem chương trình.

MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 6.

Có lá thư nào khiến chị và ban tổ chức phải băn khoăn, không biết có nên đưa lên hay không?

Cái nhạy của một người làm biên tập là phải xác định được đâu là một câu chuyện thật và đâu là hư cấu. Tôi có một độ nhạy đặc biệt để nhìn ra độ thật của từng câu chuyện và tôi coi mình là một "máy lọc" đầu tiên, cái gì làm cho bản thân mình xúc động chắc chắn sẽ làm cho khán giả xúc động.

"Thay lời muốn nói" giống như một xã hội thu nhỏ vậy, có tất cả mọi vấn đề được gửi đến chương trình như những bệnh nhân bị HIV/AIDS thì sẽ đưa lên ở mức độ nào, có nên công khai danh tính không; hay những mối tình không được phép công bố do nhạy cảm thì chúng tôi lại phải cân nhắc xem mối tình đó có xứng đáng được đưa lên hay không.

Một vài lần chúng tôi rất cân nhắc khi đưa lên trường hợp của những tình yêu đồng giới. Như mọi người cũng biết, sóng truyền hình cũng chưa được cởi mở để thừa nhận những mối quan hệ đồng tính, nhưng từ thẳm sâu trong lòng thì tôi có một sự đồng cảm vì tôi chỉ nghĩ rằng họ là con người, họ đang yêu một người khác với tư cách là một con người mà không quan tâm người đó đồng phái hay khác phái với mình. Cho nên sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định vẫn sử dụng câu chuyện ấy nhưng xóa nhòa cảm giác về sự đồng tính để coi họ như những con người bình thường. Từ sau quyết định đó thì có rất nhiều câu chuyện đồng tính được đưa vào trong chương trình một cách nhẹ nhàng và không gây phản cảm gì cả.

Từng chia sẻ "Thay lời muốn nói" là đứa con tinh thần của mình, vậy tại sao chị lại quyết định giao "đứa con" này lại cho một ê-kíp mới?

Tôi không giao mà chỉ xin phép trả lại "Thay lời muốn nói" cho đài HTV rồi đài sẽ phân công một ê-kíp khác làm tiếp.

Thật ra tôi và ông xã là người đã sinh ra "Thay lời muốn nói", cả hai từng ngồi trong bữa cơm rồi đau đáu đi tìm một format phù hợp với sở trường của mình là về ngôn ngữ và cảm xúc mà không quá mạnh về âm nhạc vì lúc đó tôi chưa biết nhiều về lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi lại có duyên về với Ban Ca nhạc nên mình sẽ phải tạo ra một chương trình phù hợp với phong cách của mình và "Thay lời muốn nói" ra đời, cái tên này do chính ông xã tôi đặt.

Lúc đó, tôi là người của đài và đi làm bộ hồ sơ xin bản quyền chương trình là của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Khi tôi quyết định dừng công tác toàn phần tại đài vào năm ngoái thì tôi vẫn giữ "Thay lời muốn nói" lại để sản xuất. Nhưng sau đó, tôi lại phát hiện ra rằng khi mình không còn ở 100% trong môi trường đó nữa và lại đang dồn quá nhiều sức cho chặng đường mới thì việc chăm sóc "đứa con" đó không được chu toàn.

Trong khi, "Thay lời muốn nói" với bề dày 19 năm đã rất cứng cáp, vững mạnh và có sức sống riêng rồi. Nếu mình không chăm sóc nó đầy đủ mà cứ nấn ná hoài thì tức là mình đang làm chậm bước phát triển của nó. Nói thẳng ra thì áp lực làm truyền hình trực tiếp hàng tháng khiến tôi rất mệt.

MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 7.
MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 8.

Ngày xưa, tôi ở đài là để làm "Thay lời muốn nói" và nay khi đã ra đi nên không thể dồn toàn tâm toàn ý để nuôi nó nữa thì sẽ rất khó khăn. Cộng thêm một số chuyện như kiểu duyên đã tới thì mình phải khép lại chặng đường này để bắt đầu những hướng đi mới.

Ví dụ như khi mình đã giải quyết được một số khó khăn từ phía bản thân thì lại có thêm một số khó khăn khách quan khác, như số Tết thì lịch chương trình đã lên trước đó nhưng sau đó lại bị đổi ngày phát sóng, rồi phải sửa phim trường… Nhà tài trợ thì sẽ không muốn bị dời lịch hoài như vậy. Tôi không trách ai, mà chỉ muốn chia sẻ rằng khi mình đã gỡ được những khó khăn này thì lại mọc thêm khó khăn khác, dường như đâu đó cho mình một dạng tín hiệu kiểu "đây là lúc mà mình phải dừng lại rồi" để nó đẹp. Tôi quyết định ngưng hợp tác với "Thay lời muốn nói" trong vòng khoảng tháng Giêng năm nay, mọi quyết định hết sức chóng vánh dù cũng gây đau lòng cho bản thân mình, nhưng tôi cảm thấy rằng như vậy mới là đúng.

Có ý kiến cho rằng "Thay lời muốn nói" mà không có Quỳnh Hương thì không còn hay nữa vì vốn đã quen với hình ảnh của chị trong chương trình và điều này sẽ tạo áp lực cho ê-kíp mới?

Áp lực thì ai cũng có trong bất kỳ một sự xáo trộn hay thay đổi nào, nhưng sao chúng ta không nghĩ theo hướng tích cực là bản thân áp lực đó sẽ làm cho các bạn trong ê-kíp mới mạnh mẽ hơn, bắt buộc phải làm gì đó hay hơn theo một phong cách gì đó đặc biệt. Có như vậy thì mới xóa mờ đi được ấn tượng của "Thay lời muốn nói" 19 năm trước đây.

Nhiều người khá bất ngờ khi chị dừng vai trò của mình tại "Thay lời muốn nói" để mở ra một chương trình có format tương tự, tại sao lại như vậy?

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là cuộc đời mình sinh ra, mình yêu thích làm dạng hoạt động như vậy thì khi một chương trình đã gắn bó với mình 19 năm nhưng bây giờ không còn phù hợp với lịch trình của mình (cụ thể là chương trình hàng tháng là tôi làm không nổi rồi), tôi sẽ phải nghĩ ra một chương trình mới mà ở trong đó giữ lại những tinh thần vốn làm cho mình đam mê thực hiện và sẽ khắc phục nhược điểm mà qua thời gian chương trình cũ đã để lộ.

Thứ nhất tôi và ê-kíp sẽ không duy trì chương trình mới định kỳ hàng tháng, bao giờ có một chủ đề thật đặc biệt, thật lay động và hứng khởi thì mới làm. Khi nào kiếm đủ kinh phí để thực hiện thì chúng tôi sẽ làm, không cần phải mỗi sáng mở mắt ra phải suy nghĩ cách kiếm tiền để nuôi nó, như vậy thì quá nặng nề áp lực.

Tiếp theo là với dạng đặc thù của chương trình trên không gian mạng, chúng tôi sẽ được thoải mái về thời gian. Một chương trình truyền hình bây giờ "tấc đất là tấc vàng", nỗi khổ lớn nhất của tôi và ê-kíp luôn luôn là lố thời lượng, mà mỗi lần lố sóng thì rất khổ vì mình đang lấn sang một chương trình khác. Còn với không gian mạng thì mình muốn làm bao nhiêu tùy thích, nếu chương trình hấp dẫn thì 2 tiếng đồng hồ vẫn duy trì được.

MC Quỳnh Hương: Show mới của tôi sẽ khắc phục mọi nhược điểm mà Thay lời muốn nói từng có - Ảnh 9.

Hiện tại truyền hình hay không gian mạng vẫn khiến khán giả xem được như nhau. Tôi vẫn có thể truyền tải được cảm xúc của mình nên những gì vốn đã làm nên thần thái của "Thay lời muốn nói" phiên bản cũ giờ đây sẽ là thần thái của phiên bản mới nhưng sẽ được cập nhật theo hướng mới mẻ hơn. Chúng tôi sẽ không dùng thư nữa vì thư là một cái gì đó ở thời đại cũ rồi.

Bây giờ thì tôi đâu có thay lời ai mà chỉ khơi gợi cho khán giả bộc bạch mà thôi, và đó là thế mạnh của Quỳnh Hương trong 19 năm lắng nghe, khơi gợi, tôi đã học được cách để mọi người trải được lòng mình, đây sẽ là thế mạnh và sự khác biệt rất lớn ở "Khi cần chia sẻ" – tên chương trình mới của tôi.

MC Quỳnh Hương chia sẻ về chủ đề đầu tiên của "Khi cần chia sẻ"

Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!