Máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air lao xuống biển với vận tốc 560km/h

Hoàng Trang, Theo Báo tin tức 19:36 31/10/2018

Chuyến bay số hiệu JT610 của Hãng hàng không Lion Air (Indonesia) đã gặp nạn 13 phút sau khi cất cánh và đâm thẳng xuống biển Java ở vận tốc gần 500km/h trong vài giây ngắn ngủi.

Các dữ liệu sơ bộ từ máy bay xấu số có thể hỗ trợ các nhà điều tra tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc, nhiều khả năng đã khiến toàn bộ 189 người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng.

Máy bay Indonesia gặp nạn là một chiếc Boeing 737 Max 8 hiện đại nhất của hãng Boeing, vừa được đưa vào sử dụng từ ngày 15/8. Theo dữ liệu do trang theo dõi hành trình bay FlightRadar24 thu thập được, JT610 đã rơi từ độ cao gần 1.500m trong 21 giây.

Máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air lao xuống biển với vận tốc 560km/h - Ảnh 1.
Thành viên đội cứu hộ đem các mảnh vỡ máy bay gặp nạn về cảnh Tanjung Priok. Ảnh: AFP 

Hãng Bloomberg đưa tin, ông John Cox, chủ tịch một công ty cố vấn an toàn, từng tham gia vô số vụ điều tra tai nạn cho biết vận tốc cho phép của máy bay khi hạ độ cao vào khoảng 400 – 600m/phút.

Tuy nhiên, dữ liệu cuối cùng của FlightRadar24 cho thấy JT610 bị giảm độ cao ở vận tốc 489.000m/phút, tức hơn 560km/h. Tốc độ như vậy thường gặp ở các chuyến bay tầm trung song chưa từng được sử dụng khi hạ độ cao. “Điều này thực sự khác thường”, ông Cox nói, “Những con số dường như không thể tin nổi”.

Các thông tin theo dõi c huyến bay JT610 của FlightRadar24 làm dấy lên nhiều câu hỏi cũng như những câu trả lời nó mang lại. Máy bay của Indonesia đã liên tục tăng tốc và nâng độ cao với vận tốc khác nhau, đều không phải cách thức vận hành thường thấy của một chiếc máy bay lái tự động đời mới nhất. Không ít sai sót thuộc về phi hành đoàn và máy móc khả năng chính là lời giải cho vụ tai nạn thương tâm.

Chỉ 2 – 3 phút sau khi cất cánh từ Jakarta, một phi công đã xin phép trạm không lưu cho họ quay đầu về sân bay – dấu hiệu cho thấy phi hành đoàn đã phát hiện lỗi kỹ thuật nào đó.

Máy bay Boeing 737 Max 8 của Lion Air lao xuống biển với vận tốc 560km/h - Ảnh 2.

Một chiếc ví thuộc về hành khách máy bay Lion Air. Ảnh: AFP

Steve Wallace, cựu Gám đốc điều tra tai nạn tại Cục hàng không liên bang Mỹ cho biết thông tin bị giới hạn và đôi khi là mâu thuẫn của chuyến bay rõ ràng không giống với những vụ tai nạn trước đây, khiến giới điều tra khó có thể thu hẹp một nguyên nhân hợp lý nhất. “Tôi không thể tưởng tượng ra kịch bản nào cho vụ tai  nạn này”, ông Wallace nói.

Chuyên gia Cox nhấn mạnh dữ liệu – do các hệ thống trên máy bay phát ra và chuyền tải đến các trạm mặt đất – nên được tiếp cận cẩn thận trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra. Ví dụ, ngay cả trong những vụ máy bay đâm xuống mặt đất, tốc độ hạ cũng không cao bằng tốc độ của chiếc Lion Air.

Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn một chút nghi ngờ đối với giả thuyết JT610 trải qua một cú rơi nhanh và mạnh ở những giây cuối cùng. Bởi vì tốc độ bay được đo bằng nhiều cách bởi các hệ thống trên máy bay nên phải chờ đến khi tìm thấy hộp đen các nhà điều tra mới có thể xác định điều gì đã xảy ra.

Do tốc độ của một chiếc máy bay được đo bằng nhiều cách bởi các hệ thống chồng chéo trên máy bay, nó sẽ không được cho đến khi các nhà điều tra lấy máy ghi chuyến bay chống va chạm của máy bay để họ có thể xác định điều gì đã xảy ra.

Trên một máy bay mới như 737 Max 8, hộp đen dữ liệu máy bay sẽ lưu được hàng nghìn thông số dữ liệu. Tương tự, máy ghi âm buồng lái với công nghệ kỹ thuật số hiện đại nhất sẽ lưu trữ được hoạt động tại khoang lái trong hai tiếng cuối cùng.

Việc tìm thấy phần thân chính máy bay rất quan trọng để xác định nguyên nhân sự cố cũng như khả năng tìm thấy hai hộp đen của máy bay. Ngoài ra, việc tìm thấy phần thân máy bay cũng sẽ giúp lực lượng cứu hộ Indonesia sớm khoanh vùng tìm kiếm các nạn nhân.