Trong tháng 1 này, nhân loại sẽ chứng kiến sự áp sát của 2024 PT5, vật thể thường được gọi là "mặt trăng thứ 2 của Trái Đất". Nó là một trong những vật thể gây bối rối nhất cho giới khoa học.
Các "láng giềng" của địa cầu trong Thái Dương hệ thường có nhiều mặt trăng, tức các vệ tinh tự nhiên, quay quanh hành tinh với quỹ đạo ổn định.
Sao Hỏa có Phobos và Deimos; Sao Mộc có Europa, Io và gần 80 mặt trăng khác. Nhưng Trái Đất chỉ có một mặt trăng duy nhất mang tên Mặt Trăng.
2024 PT5 đột ngột xuất hiện trong tầm ngắm của một kính thiên văn Nam Phi năm 2024.
Đường kính của nó chỉ có 10 m, là một tiểu hành tinh, nhưng bị mắc kẹt vào quỹ đạo của Trái Đất và tạm thời quay giống như Mặt Trăng.
Một nhóm quan sát viên đã sử dụng Kính viễn vọng Lowell Discovery ở Flagstaff, Arizona - Mỹ để chụp quang phổ phản xạ của PT5 nhằm tìm hiểu nó là cái gì, từ đâu.
"Quê hương" phổ biến nhất của các vật thể gần Trái Đất như 2024 PT5 là vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Tuy nhiên, quang phổ phản xạ của 2024 PT5 cho thấy nó không thuộc về nhóm này.
Càng gây bối rối hơn, nó cũng không giống bất kỳ loại tiểu hành tinh nào đã được biết đến. Các quan sát tiếp theo về vật thể này mô tả sự quay của nó và cho thấy nó có thành phần đá, giàu silicat. Điều đó cũng giúp loại trừ nguồn gốc nhân tạo. Nó có vẻ giàu pyroxene, cho thấy khối đá này đến từ môi trường đá lửa hoặc có thể là môi trường biến chất.
Cuối cùng các dữ liệu nhắm thẳng về Mặt Trăng, vệ tinh chính thức của Trái Đất: "Mặt trăng thứ 2" có thể chỉ là một mảnh vỡ từ Mặt Trăng, được giải phóng sau một cú va chạm thiên thạch khốc liệt.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi 2 nhà thiên văn Theodore Kareta từ Đài quan sát Lowell và Oscar Fuentes-Munoz từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA cho rằng nếu kịch bản này là thực, thì có rất nhiều "mặt trăng" thứ 3, 4, 5... đang chờ được tìm thấy.
Trong danh sách "vật thể gần Trái Đất" (NEO) hiện nay, chỉ có 16 cái là có nguồn gốc từ vệ tinh tự nhiên này.
Theo Universe Today, nhóm nghiên cứu dự đoán các NEO Mặt Trăng có thể nhiều gấp 10-15 lần con số đó.
Vì những tiểu hành tinh này thường được cho là tương đối nhỏ nên sẽ cần một thế hệ kính thiên văn mới lớn hơn và các kỹ thuật quan sát mới để tìm thấy chúng.
Việc tìm kiếm các vật thể "con" của Mặt Trăng có thể giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng lại lịch sử Trái Đất và vệ tinh của nó; đồng thời giúp củng cố các sứ mệnh phòng thủ địa cầu, tức chống lại các vụ va chạm thiên thạch tàn khốc - như Chicxulub từng xóa sổ khủng long.