Mới đây, chị Nguyễn Thị H. (Song Khê, Bắc Giang) đã lâm vào hoàn cảnh nợ nần chồng chất khi thực hiện vay tiền qua ứng dụng. Chị cho biết bản thân đang gặp các vấn đề tài chính, cần tiền gấp nên tìm tới các hình thức vay "nóng" qua ứng dụng. Tìm hiểu qua Facebook, chị thấy một công ty tài chính có tên "AT Credit" đang hỗ trợ cho vay thủ tục nhanh chóng, giải ngân sau 5 phút nên đã đăng ký một khoản vay 50 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng.
Chị H. được một đối tượng tự xưng là nhân viên của công ty tài chính AT Credit liên lạc qua Zalo. Sau khi tiếp nhận các thông tin vay vốn, đối tượng này gửi cho chị H. một đường dẫn trỏ tới trang web "hahachao.com" (trang này không thể truy cập từ trang chủ, buộc phải truy cập thông qua đường dẫn được gửi từ Zalo của đối tượng lừa đảo), yêu cầu chị H. nhập các thông tin cần thiết như tên, số tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân và chụp ảnh.
Sau khi gửi thông tin, chị H. hỏi về quá trình giải ngân số tiền đã vay, tuy nhiên lúc này bên AT Credit cho biết do chị H. đã nhập sai số tài khoản ngân hàng nên phía công ty không thể giải ngân được. Đây là một thủ đoạn của các dịch vụ vay tiền qua ứng dụng lừa đảo, đổ lỗi cho người đi vay đã nhập sai thông tin kể cả có nhập đúng đi chăng nữa.
Để cập nhật lại thông tin số tài khoản ngân hàng, đối tượng lừa đảo trên đưa ra 2 phương án: mang theo căn cước công dân trực tiếp tới công ty và nhận tiền mặt giải ngân tại chỗ, trụ sở công ty tài chính AT Credit địa chỉ tại "tầng 4, số 282 - 288 Trần Não, Khu Phố 2, phường Bình An, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh"; hoặc làm thủ tục "đảm bảo uỷ quyền" và tiến hành chuyển khoản số tiền 5 triệu đồng vào một tài khoản cá nhân để "xác minh tài khoản", sau đó mới chỉnh sửa thông tin của người đi vay.
Đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân với danh nghĩa phòng tài chính của công ty
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại địa chỉ trên hoàn toàn không có công ty nào có tên "AT Credit". Đây là một địa chỉ ảo do công ty này tạo dựng nên, đánh vào tâm lý người đi vay ở xa không thể tới trực tiếp công ty, từ đó buộc chuyển qua phương án thứ 2.
Nhân viên tài chính của công ty "AT Credit" tự xưng, thực chất là kẻ lừa đảo trong một tổ chức có quy mô lớn
Sau khi đã chuyển tiền, đối tượng lừa đảo tiếp tục yêu cầu chị H. phải thực hiện chuyển một khoản tiền "đảm bảo" là 10 triệu đồng. Theo đối tượng này, "tiền uỷ quyền" được chuyển vào số tài khoản của phòng tài chính công ty sẽ được hoàn trả lại kèm theo số tiền đã đăng ký vay trước đó, tức là 60 triệu đồng.
Tuy nhiên, kể cả khi đã chuyển khoản, đối tượng lừa đảo liên tục báo có vấn đề trong quá trình xác minh khoản vay và đòi chị H. phải chuyển thêm tiền "uỷ quyền" mới có thể thực hiện giải ngân. Trong hầu hết trường hợp, người đi vay bị đổ lỗi là thao tác sai quy định rút tiền. Tổng số tiền mà chị H. đã chuyển cho các đối tượng lừa đảo là 75 triệu đồng, nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa được giải ngân.
Chị H. cho biết số tiền 75 triệu đồng bị chiếm đoạt đều là tiền đi vay mượn từ người thân, họ hàng. Tới giờ thì tiền vẫn không có lại phải gánh thêm một khoản nợ lớn
Không ít thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người đi vay qua hình thức trực tuyến. Các đối tượng này thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của những người đi vay, đánh trúng tâm lý lo sợ và cần tiền gấp nên đã buộc người đi vay phải chuyển trước một số tiền nhất định.
Thủ đoạn này thường được thực hiện như sau.
1. Chạy quảng cáo bài đăng về các hình thức cho vay trực tuyến/qua ứng dụng không cần thủ tục rườm rà, giải ngân nhanh.
2. Khi người đi vay đăng ký, nhân viên tự xưng của ngân hàng hoặc công ty tài chính sẽ liên hệ, gửi một đường dẫn truy cập tới website lừa đảo, được đầu tư về giao diện nhằm làm tăng uy tín.
3. Yêu cầu người đi vay nhập các thông tin cần thiết, gồm cả số tài khoản ngân hàng và giá trị khoản vay, có thể lên tới cả tỷ đồng.
4. Sau khi đã nhập thông tin, đối tượng lừa đảo cho biết số tài khoản hoặc một thông tin nào đó đã bị sai, yêu cầu người đi vay phải chuyển khoản tiền để chỉnh sửa thông tin.
5. Tiếp tục yêu cầu và thúc giục người đi vay phải chuyển trước một loại tiền dịch vụ nào đó (tiền phí, tiền uỷ quyền,...) thông thường là từ 10% cho tới 20% giá trị khoản vay. Khoản tiền này sẽ được trả kèm tiền giải ngân. Các tài khoản nhận tiền đều là tài khoản cá nhân.
6. Nếu người đi vay thực hiện chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn liên lạc, website không thể truy cập được và như vậy số tiền đã chuyển mất trắng.
Để tạo dựng niềm tin, các đối tượng lừa đảo sẽ làm giả các giấy tờ và thông báo của công ty tài chính với dấu đỏ, đồng thời cho biết bản thân công ty hợp tác với các cơ quan chức năng để hỗ trợ người đi vay trong đợt dịch COVID-19. Tất cả đều là lừa đảo và chỉ để chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin.
Giấy tờ làm giả của công ty tài chính tự xưng, yêu cầu người đi vay phải đóng tiền đảm bảo vì nhập sai thông tin hoặc "vi phạm quy định thao tác rút tiền", nếu không tài khoản sẽ bị treo số tiền giải ngân
Hiện tại trên mạng xã hội cũng đã có nhiều trường hợp bị công ty tài chính "AT Credit" tự xưng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng chục triệu đồng với thủ đoạn tương tự. Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo hoạt động dưới nhiều tên gọi như "CG Credit", "AT Credit", "AT Finance"... Điểm chung của các "công ty tài chính" tự xưng này là đều có thủ tục vay vốn rất nhanh, chỉ cần một vài thông tin cá nhân, không đề cập tới lãi suất hoặc lãi suất rất hấp dẫn.
Rất nhiều người đã bị công ty tài chính "AT Credit" tự xưng lừa đảo chiếm đoạt tiền
Trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo trên mạng, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng khi thực hiện vay vốn, đặc biệt là qua hình thức trực tuyến bởi đây là một trong những lĩnh vực lừa đảo có tổ chức. Các đối tượng không để lại dấu vết và rất khó để đòi lại được tiền đã mất, kể cả khi đã trình báo tới cơ quan chức năng.