Mặt trái của trường tư: Thầy cô sợ bố mẹ phật lòng, con cái dễ tự mãn, bố mẹ “cháy túi”?

Xuân Phương, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 15:11 10/08/2021

"Việc con học trường tư, trường quốc tế cũng chưa chắc đã đảm bảo việc con ra đời thành công hơn, đặc biệt nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình có xáo trộn giữa chừng."

Theo quy định của Luật giáo dục năm 2019, Nhà nước bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí cấp học này. Phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp các khoản ngoài học phí như bảo hiểm y tế, đồng phục, phí dã ngoại, bán trú… do nhà trường quy định.

Với các cấp Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông, mức học phí tại các trường công lập dao động từ 24.000 đến 217.000 đồng một tháng (phụ thuộc vào địa bàn).

Với nhiều trường tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội, phụ huynh thường chỉ phải đóng góp trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Với các trường tư thục, con số dao động từ 5 triệu - 12 triệu/tháng, và có thể cao hơn nhiều với các trường song ngữ hay quốc tế.

Nhiều phụ huynh cho rằng việc lựa chọn cho con theo học trường công hay trường tư phụ thuộc nhiều vào tình hình tài chính của gia đình, nếu tài chính dư dả thì bố mẹ sẽ cho con theo học trường tư ở các cấp phổ thông rồi sau đó đi du học hoặc học tiếp lên một đại học quốc tế nào đó trong nước. Nhưng cũng có những phụ huynh nghĩ ngược lại.

"Ở TRƯỜNG TƯ, THẦY CÔ CÓ XU HƯỚNG QUÁ NHẸ NHÀNG VÀ BAO BỌC CÁC CON"

Anh Nguyễn Việt Anh, Hà Nội, cho biết anh đã từng cho con mình học tại trường song ngữ 3 năm mẫu giáo, với chi phí mỗi năm khoảng 150 triệu. Đến khi con vào học lớp 1 thì suy nghĩ của anh thay đổi.

"Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi tự hỏi mình rằng rút cuộc muốn giáo dục sẽ mang lại gì cho con tôi? Tôi muốn con lớn lên trở thành người thế nào, nhìn cuộc sống ra sao, sẽ được trang bị những gì để bước vào cuộc đời thật?"

"Đúng là học trường công sẽ có nhiều áp lực sách vở, thầy cô giáo có thể nghiêm khắc thậm chí rất nghiêm khắc, nhưng bạn nghĩ mà xem, chẳng phải cuộc sống chính là như thế à? Bọn trẻ sẽ được học trong môi trường xã hội quen thuộc rồi sau này xử lý được những tình huống tương tự trong cuộc sống. Còn ở trường tư, nhiều thầy cô giáo có xu hướng quá nhẹ nhàng và bao bọc các con, sợ bố mẹ phật lòng," anh Việt Anh bày tỏ.

"Việc con học trường tư, trường quốc tế cũng chưa chắc đã đảm bảo việc con ra đời thành công hơn, đặc biệt nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình có xáo trộn giữa chừng."

Anh Việt Anh cho biết, nếu anh cho con học trường công với mức chi phí 1-2 triệu một tháng, sau 12 năm gia đình anh đã có thể dành ra một khoản tiền lớn coi như tiền tiết kiệm cho quãng đường đại học sau này của con.

Mặt trái của trường tư: Thầy cô sợ bố mẹ phật lòng, con cái dễ tự mãn, bố mẹ “cháy túi”? - Ảnh 1.

Việc được học ở trường tư với mức học phí cao ngất ngưởng dễ tạo ra tâm lý "hơn người" ở bọn trẻ?

Đồng quan điểm với anh Việt Anh, chị Minh Nguyệt (Quận Hoàng Mai) cho rằng việc được học ở trường tư với mức học phí cao ngất ngưởng dễ tạo ra tâm lý "hơn người" ở bọn trẻ.

"Các bé rất dễ có tâm lý mình nghiễm nhiên được hưởng nhiều đặc quyền hơn các bạn đồng trang lứa khác," chị Nguyệt nói.

Vì vậy, cũng giống như anh Việt Anh, dù điều kiện tài chính rất tốt, chị Nguyệt cũng cho con mình theo học trường tiểu học công lập.

"Tôi xác định là con sẽ học ở lớp học đông, lên tới 50 bạn, đó cũng là một xã hội thu nhỏ, tôi muốn con tự va vấp và tự rút ra bài học cho mình từ bây giờ," chị Nguyệt nói.

NỖI LO "ĐỨT GÁNH GIỮA ĐƯỜNG" VÌ HỌC PHÍ

Trên diễn đàn phụ huynh có con theo học tại hệ thống một trường tư thục nổi tiếng, tâm sự của một người cha nhận được rất nhiều chia sẻ. Theo lời kể, từ năm ngoái, gia đình phụ huynh này đã gặp khó khăn do làm việc trong lĩnh vực du lịch đúng thời Covid. Thu nhập bằng 0 trong khi trước đó, anh chị đã đầu tư toàn bộ số tiền tích lũy và vay ngân hàng để mở một công ty du lịch trên phố cổ. Đến ngày đóng học phí cho con lớn (đóng theo năm), anh chị phải bán xe lấy tiền.

Nhưng tội nghiệp hơn cả là bé thứ 2, đã đỗ vào lớp 1 trường tư thục này nhưng bố mẹ phải xin sang trường công vì không đủ lo học phí cho cả 2 con. Ngày khai giảng, cô bé hỏi một câu khiến người bố thực sự đau lòng: "Sao không cho con học cùng trường với anh, cô bảo con đạt rồi mà?"

Đây cũng là một vấn đề mà các phụ huynh phải xem xét khi quyết định chọn trường công hay trường tư cho con. Nếu đã chọn cho đứa con thứ nhất học trường tư, liệu có đủ "lực" để lo tiếp cho con thứ 2, con thứ 3…?

Mặt trái của trường tư: Thầy cô sợ bố mẹ phật lòng, con cái dễ tự mãn, bố mẹ “cháy túi”? - Ảnh 2.

Nếu đã chọn cho đứa con thứ nhất học trường tư, liệu có đủ "lực" để lo tiếp cho con thứ 2, con thứ 3…?

Nếu đang đứng trước lựa chọn trường công hay trường tư bởi vấn đề chi phí, các bậc cha mẹ nên tính toán dựa trên cơ sở như thế nào? Có một phương pháp nổi tiếng trong việc quản lý Tài chính cá nhân là phương pháp 6 hũ tài chính.

Theo đó, tổng thu nhập của gia đình được chia thành 6 phần, chi cho các mục tiêu khác nhau, tương ứng với các tỷ trọng khác nhau.

Hũ 1 - Chi phí thiết yếu, chiếm 55% tổng thu nhập: Ăn uống, di chuyển, thuê nhà, điện nước, internet, chi phí GIÁO DỤC CHO CON CÁI (bao gồm học phí, học ngoại khóa, các khoản liên quan đến giáo dục…)

Hũ 2 - Tiết kiệm để tiêu dùng, chiếm 10%: mua nhà, mua xe...

Hũ 3 - Giáo dục cho bản thân người đang kiếm tiền, chiếm 10%: các khóa học rèn luyện bản thân, tài liệu, sách, tham gia hội thảo, workshop

Hũ 4 - Hưởng thụ, chiếm 10%: ăn uống cùng bạn bè, du lịch, xem phim, giải trí

Hũ 5 - Cho đi, chiếm 5%: từ thiện

Hũ 6 - Tự do tài chính: đầu tư

Ngoài 6 hũ tài chính thì một phương pháp quản lý tiền trong gia đình được nhiều người áp dụng là 50/20/30. Theo cách này, thu nhập được chia thành 3 phần:

50% cho chi tiêu thiết yếu: tiền ăn uống, tiền thuê nhà, chi phí đi lại, các loại hóa đơn, tiền mua sắm các vật dụng cần thiết trong gia đình, CHI PHÍ GIÁO DỤC CHO CON CÁI

20% cho các khoản tài chính: tiền tiết kiệm mua nhà/mua xe, tiền quỹ dự phòng, tiền trả nợ hàng tháng,…

30% cho chi tiêu cho việc tận hưởng cuộc sống: du lịch, giải trí hoặc mua sắm,…

Với các gia đình đã có con nhỏ, việc chi tiêu nhiều hơn, phần chi tiêu thiết yếu có thể tăng lên 70 - 80%, giảm 2 mục còn lại để cân đối ngân sách.

SỰ ĐẦU TƯ TỐT NHẤT CỦA BỐ MẸ CHO CON CÁI LÀ TÀI CHÍNH, TÌNH YÊU VÀ THỜI GIAN

Theo chị Nguyệt, điều quan trọng nhất là vai trò không thể thay thế được của bố mẹ khi tham gia vào quá trình học và trưởng thành của con.

"Một kĩ năng mà tôi cho rằng vô cùng quan trọng bây giờ là kĩ năng sinh tồn, để bọn trẻ lớn lên có thể sống và làm việc và tồn tại trong bất cứ môi trường nào. Thêm vào đó, với những biến động không lường trước của xã hội bây giờ, kĩ năng tự học cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và bố mẹ là người tốt nhất để dạy các con những kĩ năng này."

Anh Việt Anh cũng cho rằng việc chọn trường công hay trường tư phụ thuộc vào tình hình tài chính, mong muốn của mỗi gia đình, vì trường công hay trường tư đều có ưu, nhược điểm. Nhưng điều bố mẹ có thể đầu tư cho con cái, chắc chắn không phải chỉ là tiền bạc.

"Tôi nghĩ dù học ở trường công hay trường tư, việc tham gia của bố mẹ vào quá trình học hành, lớn lên của các con là vô cùng quan trọng. Nếu tôi muốn gửi con đi học trường tư để mua cảm giác an tâm rằng, à, mình đã cố gắng hết sức gửi con vào một nơi tốt, đắt tiền, nhưng tại nhà, tôi và mẹ bé không trò chuyện, chơi đùa với con, chỉ mải mê công việc, điện thoại, thì tôi nghĩ bao nhiêu tiền cũng là chưa đủ."

"Sự đầu tư tốt nhất mà mỗi bố mẹ có thể dành cho con chính là tài chính, tình yêu và thời gian. Tất nhiên sẽ có những trường tư thực sự tốt, nếu bạn có khả năng tài chính cho con theo hết các cấp. Nhưng nếu với số tiền bỏ ra ít hơn, cộng thêm việc bạn bỏ công sức đồng hành với con, xác suất thành công, thành nhân của con là tương tự, tôi nghĩ đó cũng hoàn toàn là sự đầu tư thành công," anh nói.