Na Uy là một trong những nước Bắc Âu nổi tiếng khi có tỷ lệ GDP bình quân đầu người đứng hàng top thế giới. Năm 2017, mức GDP bình quân đầu người 61.197 USD của nước này đã giúp Na Uy đứng hàng thứ 8 trong số các quốc gia giàu nhất thế giới.
Dẫu vậy, ít ai ngờ được rằng đất nước giàu có với 4,5 triệu dân này lại vẫn còn tình trạng nghèo đói. Ví dụ ở thủ đô Oslo, khoảng 8,3% dân cư nơi đây nằm trong tình trạng đói nghèo.
Phần lớn những người thuộc tầng lớp tận cùng xã hội nơi đây là người nhập cư hoặc những gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân với trẻ nhỏ, những người thất nghiệp.
Năm 2014, số liệu chính thức cho thấy có khoảng 78.000 trẻ em tại Na Uy sống trong cảnh đói nghèo, khoảng 3,4% tổng số trẻ em toàn quốc sống trong tình trạng cận đói nghèo.
Tính đến tháng 2/2017, khoảng 98.000 trẻ em tại Na Uy đang phải sống trong những gia đình có thu nhập thấp, cao hơn 31.000 trẻ so với năm 2006.
Số liệu của Cục thống kê Na Uy (SSB) cho thấy dù hơn 50% trong số đó là những trẻ nhập cư nhưng tỷ lệ trẻ cư dân sống trong gia đình thu nhập thấp tại đây đang ngày một tăng lên.
Mặc dù nằm trong top những nước giàu nhất thế giới nhưng cuộc sống tại Na Uy bị đánh giá là còn “nông thôn” so với nhiều nước Phương Tây.
Tại quốc gia này, chỉ khoảng 50% số dân sống tại các thị trấn, thành phố có dân số 8.000 người trở lên. Thêm vào đó, chất lượng cuộc sống cũng là điều đáng bàn khi nhiều vùng nông thôn tại đây gặp khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trên thực tế, sự giàu có của Na Uy chủ yếu đến từ giàu mỏ. Kể từ khi phát hiện các mỏ dầu vào thập niên 1960, nền kinh tế quốc gia Bắc Âu này đã bùng nổ mạnh mẽ nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Năm 2011, ngành dầu mỏ đã đóng góp đến 28% nguồn thu ngân sách của nước này, 50% tổng kim ngạch xuất khẩu và 20% GDP. Quốc gia này đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ và thứ 3 thế giới về khí đốt, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cá.
Như vậy, sự giàu có trên số liệu của Na Uy có được phần lớn là do giàu tài nguyên chứ không hoàn toàn do sự phát triển cơ bản của nền kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng.
Như một kết quả tất yếu, cuộc sống người dân Na Uy tại các vùng quê bắt đầu bị tha hóa bởi lượng tiền lớn có được từ tài nguyên. Hiện tượng làm việc ít đi, nghỉ ốm nhiều hơn, nghỉ hưu sớm thường xuyên diễn ra và chúng ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh tại đây.
Tồi tệ hơn, giá dầu giảm đang ảnh hưởng đến nền kinh tế nơi đây khi 10% số lao động nước này có liên quan đến ngành dầu khí và phần lớn ngân sách cho an sinh xã hội phụ thuộc vào nguồn thu tài nguyên.
Trong khi những cư dân của Na Uy nhận được hệ thống phúc lợi tốt từ chính phủ do giàu tài nguyên thì những người nhập cư ở đây lại phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Báo cáo của CIA World Factbook cho thấy khoảng 40% số trẻ em nhập cư tại Na Uy đang phải sống trong cảnh nghèo khổ. Tỷ lệ này còn tiếp tục tăng lên trước làn sóng nhập cư vào Châu Âu trong thời gian qua.
Ngoài ra, số liệu của Viện Frish tại thủ đô Oslo cho thấy động thái giảm thuế 5% đối với giới nhà giàu tại Na Uy đang làm gia tăng bất bình đẳng xã hội nơi đây.
Những người cao tuổi nhận được nhiều trợ cấp hơn trong khi đóng góp ít hơn cho xã hội, còn giới trẻ phải làm việc nhiều nhưng lợi ích của họ không bằng được những người có tuổi thành đạt.
Đối với những người sinh sống tại Na Uy, hình ảnh người vô gia cư không phải là lạ khi giá nhà tại quốc gia này ngày một tăng cao do kinh tế bùng nổ, thúc đẩy thị trường bất động sản cùng với lượng lớn người di cư tràn vào.
Thậm chí chính phủ Na Uy đã phải ban bố luật cấm ăn xin hay giải quyết những người sống lang thang ở các thành phố lớn.