"Từ 5 người giúp việc xuống còn 3 người": Có bị cấm vận, Qatar vẫn quá giàu!

Skye, Theo Thời Đại 16:00 07/07/2017
Chia sẻ

Dù đã bị cấm vận hơn một tháng với nhiều biện pháp cứng rắn từ các nước láng giềng, Qatar vẫn chứng tỏ độ giàu có của mình và quốc gia này gần như không bị ảnh hưởng gì nhiều.

"Từ 5 người giúp việc xuống còn 3 người"

Đó là câu chuyện đang diễn ra tại Qatar khi nhiều người phải "bấm bụng" cắt bớt người giúp việc của mình, hẳn từ 5 người xuống còn 3 người! Một tháng sau khi bị các nước Ả Rập, các tiểu vương quốc Ả Rập, Bahrain và Ai Cập thi hành lệnh cấm vận, cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và giao thông, Qatar hiện đang bị cô lập, nhưng chắc còn lâu lắm mới dẫn đến khủng hoảng kinh tế. 

Là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, Qatar quá giàu. GDP bình quân đầu người của Qatar là vào khoảng 127,660 USD (khoảng 3 tỷ) - mức GDP cao nhất thế giới theo tổ chức tiền tệ thế giới IMF. Dù có hình thức cấm vận nào, Qatar cũng chẳng hề hấn gì và vượt qua dễ dàng. 

Từ 5 người giúp việc xuống còn 3 người: Có bị cấm vận, Qatar vẫn quá giàu! - Ảnh 1.

Người dân Qatar vẫn giàu có dù bị cấm vận kinh tế.

Tháng vừa qua, Doha đã sắp xếp những tuyến vận tải mới để xử lý tình trạng biên giới với Ả rập Saudi bị đóng cửa, chuyển hàng tỷ USD tiền dự trữ nhà nước vào các ngân hàng địa phương để hỗ trợ kinh tế trong nước và thu hút sự quan tâm của các công ty năng lượng lớn từ các nước phương Tây bằng cách công bố kế hoạch nâng sản lượng LNG thêm 30%.

Những đề xuất này được cho rằng có thể giúp Qatar đương đầu với lệnh cấm vận nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. 

Vào hôm thứ tư vừa qua, các nước đồng minh của Qatar đã cáo buộc nước này chậm trễ trong việc tuân thủ các điều khoản. Những biện pháp mạnh hơn đối với Doha sẽ được thực thi theo luật quốc tế trong thời gian tới.

Truyền thông Ả Rập cho biết trong tuần này, những lệnh trừng phạt mới, bao gồm rút các khoản vay, thế chấp từ các ngân hàng của Qatar, đồng thời áp dụng biện pháp "tẩy chay cấp hai". Theo đó, "liên minh" sẽ không giao dịch với những công ty đang có quan hệ làm ăn cùng Qatar.

Những hành động này có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế Qatar nhưng chưa đủ để làm lung lay hệ thống tài chính của nước này.

"Chừng nào chúng tôi còn bán được sản phẩm, chúng tôi sẽ đương đầu được với nó trong thời gian dài. Nếu họ chặn việc xuất khẩu khí đốt, không phải chỉ chúng tôi bị ảnh hưởng mà cuộc khủng hoảng sẽ lan ra toàn thế giới", một nhà kinh tế học Qatar cho biết.

"Kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhưng không tới mức ảnh hưởng quá lớn đối với người dân. Chỉ là thay vì có 5 người giúp việc như trước kia, chúng tôi chỉ còn 3".

Từ 5 người giúp việc xuống còn 3 người: Có bị cấm vận, Qatar vẫn quá giàu! - Ảnh 2.

Dầu mỏ và khí đốt vẫn là sản phẩm đem lại nguồn thu chính cho quốc gia này.

Trên thực tế, kinh tế Qatar không bị ảnh hưởng nhiều do một nửa GDP từ quốc gia này đến từ nguồn thu từ dầu và khí đốt. Phần lớn dầu của Qatar được khai thác từ các bãi khổng lồ chung với Iran. Không chỉ vậy, khách hàng chính cho các sản phẩm dầu thô và khí đốt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Singapore.

Tuy vậy, Qatar đang phải đối mặt với chi phí nhập khẩu cao khi những tuyến đường vận chuyển chính đã bị cấm, buộc nước này phải sử dụng những tuyến đường khác dài hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến việc xuất nhập khẩu của quốc gia này bị ảnh hưởng quá nhiều. 

"Kể cả cấm vận có tiếp diễn sang năm tới, ít khả năng suy thoái sẽ xảy ra với chúng tôi", Jason Tuvey, nhà kinh tế học Trung Đông thuộc trung tâm nghiên cứu Capital Economic tại London nhận định.

Ngoài ra, Qatar cũng chuyển các nguồn cung ứng thực phẩm. Trước đây, 1/3 lượng thực phẩm được nhập khẩu từ Ả Rập Xê Út và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Khi tình trạng cấm vận diễn ra, Qatar đã chuyển qua nhập khẩu từ các nước như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Dù giá cả có tăng nhẹ, chính phủ nước này cũng tiến hành trợ giá để không ảnh hưởng đến thị trường. 

Được biết, vấn đề lớn nhất có lẽ nằm ở sự phụ thuộc của các ngân hàng vào nguồn vốn nước ngoài. Hồi tháng 5 vừa qua, 36% các khoản nợ của ngân hàng thương mại tại Qatar đều đến từ nước ngoài, bao gồm cả các khoản trong Hội đồng hợp tác 6 nước vùng Vịnh (GCC).

Các ngân hàng của Ả Rập, UAE và Bahrain đều đã đóng băng các hoạt động với Qatar theo chỉ thị từ các ngân hàng quốc gia. Việc cấm vận bị thắt chặt hơn có thể dẫn tới cuộc rút tiền ồ ạt ra khỏi các ngân hàng Qatar. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày