Những gì thấy ở Yale, tôi vẫn tiếp tục chứng kiến ở các trường đại học trên khắp đất nước này. Trông ai cũng vô cùng bình thường, và trông ai cũng giống nhau. Không lập dị, không xấu xa, không có kiểu sinh viên nghệ thuật hay những kẻ nghiện nhạc jazz, không có đồng tính nữ hay dị giới, không trẻ em da màu trong những chiếc áo len chui đầu sặc sỡ. Những kẻ lập dị trông không đến nỗi lập dị; những đứa trẻ sành điệu trông vẻ sang trọng tinh tế. Ai cũng ăn mặc như thể sẵn sàng cho một buổi phỏng vấn chỉ trong tích tắc.
Tôi muốn nói với họ: Các bạn còn trẻ. Hãy nắm lấy một cơ hội cho chính mình. Đừng để tâm đến "sự đa dạng". Những gì chúng ta đang có là 32 hương vani.
Mọi người làm công việc giống nhau vì ai cũng đang làm cùng một việc. Một cựu sinh viên đã nói với tôi về "hành trình cá hồi". Một sinh viên tốt nghiệp trường Michigan thì nói về "băng tải truyền". Hay người ta thường gọi đó là hiệu ứng tam đoạn luận: bạn thấy người khác muốn điều đó, bạn cho rằng điều đó hẳn là có giá trị và thế là bạn cũng muốn cái đó. Michael Lewis viết về hành trình cá hồi của thời mình: "Nó đem lại cảm giác an toàn khi làm theo số đông."
Từ khóa ở đây là "an toàn". Bên cạnh những yếu tố khác – quyền lợi, sự thiếu định hướng, ý muốn duy trì các cánh cửa cơ hội – thì lực đẩy cho hành trình cá hồi này chính là nỗi sợ hãi. Đó là nỗi sợ theo đúng nghĩa (và còn hơn cả sợ hãi: hoảng loạn, lo âu phấp phỏng thường xuyên) nằm sau vẻ ngoài thành công rực rỡ mà sinh viên các trường đại học đã học được cách trưng ra cho cả thế giới thưởng lãm.
Hiện nay, tiêu chuẩn để đỗ vào các trường đại học quá khắt khe, cuộc cạnh tranh khốc liệt đến nỗi những đứa trẻ vào được các trường đại học tinh hoa này chưa từng trải qua bất cứ điều gì khác ngoài sự thành công. Viễn cảnh "không" thành công khiến họ kinh hãi, mất phương hướng, và ngã gục.
Họ bị ám ảnh bởi nỗi sợ thất bại trong cả cuộc đời – thường bắt đầu bằng nỗi sợ thất bại của bố mẹ họ. Nỗi sợ không đạt đến đích, thậm chí chỉ là tạm thời, không chỉ đơn thuần là chuyện lợi ích nữa, mà còn là chuyện sống còn.
Tôi đã thấy nhiều sinh viên loay hoay hàng năm trời, cũng như nhiều bạn trẻ khôi ngô, sáng láng ngày nay, miễn cưỡng làm những việc họ không cảm thấy đam mê và không biết niềm đam mê thực sự của mình là gì. Một người khác lại than thở về việc tiếp tục phải đấu tranh với không chỉ nỗi âu lo và sợ hãi, mà còn cả tham vọng: không phải khát vọng trở thành người xuất sắc thực sự mà là cảm giác mình sẽ như kẻ thất bại nếu không tiếp tục tích lũy thêm danh tiếng, đấu tranh với việc tiếp tục làm những điều mang lại nhiều tiếng tăm nhất đồng thời lúc nào cũng canh cánh nghe ngóng tin tức về thành công và danh tiếng của các bạn học cũ.
Toàn bộ sự bế tắc kiểu tinh hoa này không chỉ tồn tại ở riêng nước Mỹ. Hệ thống này mang tính toàn cầu và có mối liên hệ với nhau trên nhiều phương diện.
"Thầy không thể nói với một sinh viên Yale là ‘hãy đi tìm niềm đam mê của mình’. Hầu hết chúng em đều không biết tìm thế nào." Thực sự có lý khi nhiều sinh viên đã cho rằng: cùng lắm thì bạn có thể đến Phố Wall và kiếm thật nhiều tiền nếu không thể nghĩ ra việc gì tốt hơn.
Điều không hợp lý chính là chúng ta đã dựng nên một hệ thống giáo dục sản sinh ra những bạn trẻ tuổi 22 vô cùng thông minh, hoàn hảo nhưng lại không biết họ muốn làm gì trong đời: không có ý niệm về mục tiêu và, tồi tệ hơn, không hiểu làm cách nào để tìm một mục tiêu của đời mình. Họ có thể đi theo con đường có sẵn nhưng không có trí tưởng tượng – hoặc dũng khí hay sự tự do trong tâm hồn – để khám phá ra con đường của riêng mình.
*Bài viết được trích từ cuốn sách “Bầy cừu xuất chúng: Lật tẩy khoảng tối của nền giáo dục tinh hoa Mỹ”.