Dĩ nhiên là thành tích lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á - tạo nên cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam, là thực sự đáng nể và đáng trân trọng, song nó cũng tạo nên không ít sự tự mãn, thậm chí là với cả những người làm chuyên môn già dặn của bóng đá Việt Nam.
Trước ngày AFF Cup 2020 khai mạc, HLV kỳ cựu Đoàn Minh Xương đã đưa ra nhận xét đầy lung linh và nặng sự tự mãn với đội tuyển Việt Nam: "Đá AFF Cup, đội tuyển Việt Nam như sinh viên đại học giờ về học lại cấp hai". Rốt cuộc, đội bóng "sinh viên đại học" đã bị các đối thủ "cấp hai" hành hạ cho "lên bờ xuống ruộng".
Trở về từ đấu trường World Cup danh giá, thầy trò HLV Park Hang-seo không thể xuyên thủng nổi hàng thủ Indonesia - đội bóng mà tất cả các đối thủ của họ đều ghi được bàn thắng, trừ Việt Nam. Thái Lan hay Singapore đều ghi bàn vào lưới Indonesia ở cả hai lượt đi về, Malaysia rồi Campuchia, thậm chí là cả Lào đều lần lượt ghi bàn, chỉ có mỗi Việt Nam là không thể.
Đối đầu với đội tuyển Việt Nam ở vòng Bán kết AFF Cup, Thái Lan chỉ cần 23 phút để "giải quyết gọn" thầy trò HLV Park Hang-seo. Nếu thực sự đã là "sinh viên đại học", thì hà cớ gì suốt hơn 160 phút còn lại, các chân sút Việt Nam không thể xé lưới đối thủ? Phải chăng cái mác "sinh viên đại học" ấy chỉ là thứ để người hâm mộ Việt Nam tự thỏa mãn với nhau, là thứ giúp các chuyên gia "gồng mình lên" để "đỡ sợ" Thái Lan?
Không ít chuyên gia từng thao thao bất tuyệt về những lợi ích chuyên môn to lớn khi được cọ xát với các đối thủ hàng đầu châu Á ở vòng loại cuối World Cup. Song rốt cuộc nó tròn méo thế nào, không ai định hình nổi cho đến khi thất bại trước người Thái dễ dàng ở AFF Cup. Rốt cuộc những trận hòa sát nút ở "đấu trường đại học" chỉ đang khiến thầy trò HLV Park Hang-seo hiểu lầm là mình đã nâng tầm.
Thực tình, muốn nâng tầm bóng đá Việt Nam thì chẳng cần phải nhìn đâu xa, cứ nhìn vào Thái Lan là đủ
Hơn 5 năm về trước, đội tuyển Thái Lan từng "đút túi" cả Đông Nam Á khi dễ dàng vô địch AFF Cup 2016 bằng đoàn quân vừa thi đấu ở vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á trở về. Thậm chí "Voi chiến" chỉ có 4 ngày chuẩn bị để bước vào AFF Cup năm ấy sau trận gặp Australia. Song bất chấp thành tích ấy, HLV Kiatisuk vẫn phải từ chức vì nhận sự chỉ trích nặng nề khi thất bại ở vòng loại cuối World Cup 2018.
Trong khi đó, dù đã để thua 6 trận liên tiếp ở vòng loại cuối World Cup 2022 và thất bại ở AFF Cup 2020, song HLV Park Hang-seo vẫn vững vàng trên cương vị của mình để nhận những lời chia sẻ đầy cảm thông từ người hâm mộ và giới chuyên môn Việt Nam.
Sau thất bại của đội tuyển Thái Lan ở vòng loại cuối World Cup 2018 khu vực châu Á, Chanathip Songkrasin sang Nhật Bản khoác áo Consadole Sapporo thi đấu tại J1 League, và đấy thực sự là cú "cất cánh" của ngôi sao sáng nhất của bóng đá Thái Lan ở thời điểm hiện tại.
AFF Cup 2018, Việt Nam lên ngôi vô địch khi Thái Lan thiếu cả Chanathip Songkrasin lẫn Theerathon Bunmathan. AFF Cup 2020, cả Đông Nam Á được phen chiêm ngưỡng sự lợi hại của "Messi Thái" khi vươn mình đến đẳng cấp châu Á trên đất Nhật dù chỉ cao có 1m58, bên cạnh đó là sự tỏa sáng của một ngôi sao Thái thành danh trên đất Nhật khác - Theerathon Bunmathan.
Sự thành công của Thái Lan với Chanathip và Theerathon cho thấy bóng đá Việt muốn nâng tầm, bắt buộc phải có những cầu thủ xuất ngoại để được thi đấu ở đẳng cấp cao hơn, và Nhật Bản là điểm đến hợp lý nhất với các cầu thủ Đông Nam Á.
"Sự khác biệt giữa một cầu thủ giỏi với một tên tuổi vĩ đại trong bóng đá là khả năng dùng sự xuất sắc của mình để quyết định trận đấu, bên cạnh đó là khả năng lặp lại điều đó thường xuyên", bình luận viên thể thao nổi tiếng châu Á - Gabriel Tan, đã từng nhận xét. Chanathip Songkrasin là người làm được điều đó, ở Nhật Bản cũng như ở AFF Cup 2020 vừa qua, với những bàn thắng quyết định ấn định chiến thắng cho Thái Lan ở Bán kết và Chung kết.
Quang Hải hay Hoàng Đức là những cầu thủ giỏi, song chưa thể đủ tầm để làm được những gì Chanathip làm được. Đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần nhìn vào Thái Lan để tìm lối đi tiếp sau những thành công dưới triều đại HLV Park Hang-seo, để các ngôi sao sáng giá được thử sức ở những đấu trường thực sự khốc liệt, để biết mình là ai và khả năng của mình đến đâu, thay vì mãi chạy theo thành tích ở "vùng trũng" Đông Nam Á.
Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh từng là những bài học hết sức đau lòng về việc "không tự lượng sức mình" khi "đem chuông đi đánh xứ người", song những gì Văn Hậu đạt được sau mùa bóng "du học" ở châu Âu cho thấy nếu chọn được một lộ trình đúng đắn, các cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể "nối gót" Chanathip hay Theerathon vươn tầm châu Á, giúp đội tuyển Việt Nam nâng tầm thực sự.
Nhưng nếu muốn như thế, ngoài việc gửi lời cảm ơn đến Thái Lan - đối thủ xứng tầm của mình, HLV Park Hang-seo phải thôi ngay việc dùng Văn Hậu hay Quang Hải đá SEA Games đi. Đã đến lúc thành tích không còn là cứu cánh nữa rồi.