Gần đây, cô Cao (sống tại Nam Kinh, Trung Quốc) mua một chiếc vòng tay vàng tại Cửa hàng trang sức Xincuiyuan ở Quảng trường New Century Nam Kinh. Sau đó, cô đem nó đến bán ở một cửa hàng khác, quá trình kiểm tra phát hiện ra chiếc vòng này rỗng ruột và rò rỉ một chất lỏng trong suốt như nước. Trọng lượng của chiếc vòng giảm 1,7 gram (1 chỉ vàng nặng 3.75gram).
Cô Cao cho rằng doanh nghiệp bán vòng vàng cho mình gian lận, cố tình bán cho mình loại “vàng chứa nước”. Cửa hàng trang sức Xincuiyuan đề nghị bù lại trọng lượng vàng bị hụt nhưng không nhận có hành vi gian dối, cho rằng độ ẩm còn sót lại trong chiếc vòng có thể là do lỗi của quá trình sản xuất.
Cách gọi "vàng chứa nước" chủ yếu đề cập đến các lỗi quy trình trong sản xuất đồ trang sức rỗng. Trong quá trình đúc thủy lực hoặc hàn các phụ kiện rỗng, việc lỗ thoát nước không được thiết kế đúng cách hoặc quá nhỏ có thể dẫn đến tình trạng sấy không khô hoàn toàn, vẫn còn độ ẩm sót lại.
Chiếc vòng tay giảm 1,7 gram sau khi bị rỉ nước.
Việc độ ẩm còn sót lại bốc hơi theo thời gian có thể khiến trọng lượng của đồ trang sức giảm xuống, vượt quá phạm vi sai số cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc.
“Vàng chứa nước” chủ yếu xuất phát từ sự cẩu thả trong quá trình kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất. Chính phủ Trung Quốc quy định, sai số trọng lượng của đồ trang sức phải nằm trong phạm vi 0,01 gram. Hơn nữa, về mặt lý thuyết, quy trình hàn nhiệt độ cao có thể loại bỏ độ ẩm còn sót lại và lỗ thoát nước được thiết kế đúng cách có thể đảm bảo độ ẩm được sấy khô hoàn toàn. Khả năng chất lỏng còn sót lại trong cấu trúc rỗng là thấp.
Tuy nhiên, lợi dụng lý do độ ẩm còn sót lại, một số thương gia vô đạo đức tăng trọng lượng của đồ trang sức bằng cách tiêm chất lỏng hoặc keo vào. Khi mua đồ trang sức rỗng, người tiêu dùng nên đặc biệt chú ý xem có khoảng hở hoặc không đồng đều rõ ràng nào ở các mối hàn hay không.
Ngoài ra, phương pháp trọng lượng riêng có thể được sử dụng để xác định sơ bộ độ tinh khiết của vàng. Trước tiên, hãy cân đồ trang sức bằng cân điện tử, sau đó nhúng nó vào nước, ghi lại sự thay đổi về thể tích nước và tính mật độ. Nếu kết quả gần bằng 19,32 (mật độ của vàng là 19,3g/cm³) thì đó là vàng nguyên chất; nếu thấp hơn đáng kể thì có thể là vàng bị pha tạp hoặc chứa nước.
Hiện nay, việc thử vàng chủ yếu dựa vào thử nghiệm hàm lượng vàng trên bề mặt, không thể xuyên qua cấu trúc rỗng để xác minh chất độn bên trong. "Điểm mù phát hiện" này cũng tạo cơ hội cho các thương gia tận dụng. Nếu điều kiện cho phép, người tiêu dùng có thể sử dụng máy quang phổ nhập khẩu để thử nghiệm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, khách hàng nên giữ lại hóa đơn và giấy chứng nhận thẩm định, đồng thời yêu cầu người bán ghi rõ mã nhà sản xuất và độ tinh khiết (ví dụ như vàng nguyên chất 999). Nếu nghi ngờ về giấy chứng nhận kiểm định do người bán cung cấp, khách có thể yêu cầu gửi đến một tổ chức có thẩm quyền (như ở Trung Quốc là Trung tâm Kiểm định chất lượng trang sức và ngọc bích Quốc gia) để kiểm tra lại.
(Nguồn: Sohu)