Tháng 4/2013, Twitter chính thức của trang tin APP bị hack. Kẻ này đăng một đoạn tweet với nội dung thông báo về vụ nổ tại Nhà Trắng khiến Tổng thống lúc bấy giờ là Barack Obama bị thương.
Chẳng có vụ nổ nào cả, và cả vị cựu tổng thống cũng vậy. Sàn chứng khoán Dow Jones lập tức tụt 100 điểm trong 2 phút, nhưng rồi nhanh chóng về bình thường khi sự thật được hé lộ.
Chỉ riêng trên Twitter, sự hỗn loạn vẫn còn kéo dài rất lâu, với hàng loạt những đoạn retweet về thông tin sai sự thật.
Đoạn thông tin sai sự thật đã khiến cả Twitter phải bùng nổ năm 2013
Dĩ nhiên, có một số thông tin được lan truyền trên các trang mạng xã hội là đúng sự thật. Nhưng ngược lại, có rất nhiều thông tin sai lệch, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng vẫn đang được lan truyền hàng ngày.
Và mới đây, các chuyên gia đã thực hiện một nghiên cứu về chất lượng của những tin đồn trên Twitter. Các nghiên cứu trước đó thường chỉ dõi theo những tin đồn về một sự kiện đặc biệt. Còn lần này, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science có quy mô lớn hơn rất nhiều.
Tại sao ư? Vì các chuyên gia từ MIT đã sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ: tất cả các đoạn tweet được đăng trên Twitter trong giai đoạn 2006 - 2017 - còn gọi là thời kỳ bùng nổ của Internet và mạng xã hội.
Kết quả thực sự đáng lo ngại! Theo Sinan Aral, giáo sư công nghệ thông tin tại MIT, các thông tin sai lệch được lan truyền trên Twitter với tính chất: "nhanh hơn, xa hơn, sâu hơn và rộng hơn" những tin chính thống.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu hướng đến việc phân biệt các tin đúng hay sai mà không đề cập đến yếu tố chính trị. Họ sử dụng các dữ liệu từ 6 tổ chức chuyên "bóc trần sự thật", như Snopes hay Politifact.
"Yếu tố tiên quyết của nghiên cứu này là tính xác thực" - Aral chia sẻ. "Tôi nhấn mạnh vào từ xác thực là bởi vì hiện tại rất khó để công bố được điều đó."
Với bất kỳ mẩu tin mới nào, sự sai lệch về tính xác thực giữa các tổ chức này chỉ là 2% - 5%. "Chúng tôi nghĩ chẳng có cách nào để có được khối dữ liệu nhiều hơn thế nữa" - Aral cho biết.
Để làm được chuyện này, các chuyên gia sẽ bám vào các mẩu trả lời trên Twitter. Nếu một người dùng sử dụng các tổ chức kể trên để kiểm tra tính xác thực của thông tin, đó sẽ là một đầu mối quan trọng. Từ đây, nhóm sẽ lần ngược trở về tin đồn gốc, và kiểm tra xem nó đã lan ra đến mức độ nào.
Nhờ vậy, họ tạo ra tới 126.000 chuỗi tweet và retweet, với sự tham gia của hơn 3 triệu người.
Và dù tính toán như thế nào, tốc độ lan truyền của các thông tin sai lệch luôn tỏ ra vượt trội. Trong khi tin đúng thi thoảng mới chạm đến con số 1.000 người, thì những tin sai dao động từ... 1.000 - 100.000 người tham gia. Trong đó, các tin về chính trị là dễ gây chú ý nhất, khi có tới 46.000 trong tổng số 126.000 chuỗi tweet.
Các tính toán cho thấy, khả năng được retweet của các tin sai cao hơn tới 70%.
Đáng chú ý, có một tài khoản là nguồn gốc gây ra 4.700 tin đồn sai sự thật. Aral từ chối tiết lộ vì phải tuân thủ điều khoản bảo mật từ Twitter. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng thông thường, tin đồn sai sẽ bắt nguồn từ một tài khoản mới lập, chưa xác định danh tính, với rất ít người theo dõi.
Tại sao tin sai lại được lan truyền quá nhanh?
Theo Aral, lý do là vì tính chất của các tin sai thường rất mới mẻ và độc đáo. Con người ta dễ dàng lan truyền những tin mới lạ hơn, dù chúng có thể sai.
Aral cũng đặt ra giả thuyết về các tài khoản tự động do máy tính tạo ra góp phần khiến tin đồn lan nhanh hơn. Nhưng qua các bước lần về tin gốc, gần như chỉ có tác động từ người dùng thực mới có thể khiến thông tin lan nhanh đến vậy.
Nghiên cứu cũng nhận được đánh giá cao từ nhiều chuyên gia trong cùng lĩnh vực. "Các tác giả tỏ ra rất chuẩn xác khi phân tích kết quả: Họ không khẳng định gì, nhưng cung cấp những bằng chứng cho thấy các thông tin mang tính mới mẻ sẽ góp phần khiến sự lan tỏa bùng nổ hơn" - Manlio De Domenico, chuyên gia công nghệ thông tin từ Ý cho biết.
Còn với Aral, ông nhận định nghiên cứu lần này sẽ làm nền tảng cho nhiều nghiên cứu trong tương lai. "Từ trước đến giờ chưa có nghiên cứu về hiện tượng này với quy mô lớn như vậy."