Bạn hãy nhìn những tấm ảnh được lấy ra trong một chiếc iPhone đẫm nước mặn, được đăng trên tài khoản mạng xã hội của anh M. ở Đà Nẵng (anh cho biết đây là điện thoại của hành khách còn sống trong vụ chìm tàu gửi sửa).
Ảnh lúc tàu vừa rời bến, các hành khách không mặc áo phao và tàu rất đông người - (Ảnh do anh M. cung cấp)
Hai trong số đó có lẽ chụp khi chiếc tàu bắt đầu khởi hành. Tiền cảnh là một em bé mới chừng vài tuổi ngồi cạnh mẹ. Xung quanh mẹ con em đông đặc những người, hầu như không có lối chen chân. Có xuất hiện chiếc áo phao trong bức ảnh, nhưng nó được vắt lên thành ghế.
Trong số đó rất nhiều trẻ em, những đứa trẻ vừa mới được sống vài năm đã kịp có ký ức về cái chết. Có lẽ chuyến đi chơi tối thứ bảy đó cũng là dịp để gia đình tặng cho chúng một cái tết thiếu nhi. Chẳng ai ngờ đó cũng là cái tết thiếu nhi cuối cùng của hai trong số chúng.
Chuyến tàu định mệnh của ba nạn nhân hội đủ mọi yếu tố của hiểm họa: chở quá tải đến gấp đôi, hành khách không mặc áo phao, thiếu trật tự, chạy lao nhao dẫn đến tàu nghiêng một bên và dễ dàng lật chìm khi vào đoạn cong.
Nhưng điểm lại nhiều vụ việc từ trước đến nay mới thấy đây không hề là vụ tai nạn hy hữu. Ngay cả quy định phạt tiền chủ tàu và hành khách nếu không tuân thủ quy định an toàn giao thông cũng đã có từ rất lâu, chứ không phải mãi đến ngày 1/7 tới đây mới có, như một số tờ báo đã đăng.
Cách đây 7 năm, vụ chìm đò khiến 42 người dân ở xã Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình) thiệt mạng vào đúng chiều 30 Tết năm 2009 gây rúng động dư luận cả nước.
Toàn bộ 80 hành khách trên đò đều không mặc áo phao.
Sau đó hai năm, cũng vào khoảng thời gian này trong năm, 16 người, trong đó có hai em bé đã chìm theo tàu du lịch Dìn Ký xuống sông Sài Gòn.
Trong toàn bộ hành khách, không ai mặc áo phao cả.
Chiếc tàu du lịch Dìn Ký bị lật nghiêng xuống sông Sài Gòn. Ảnh: Internet
Cách đây ba năm, vào 2013, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 93 quy định bắt buộc hành khách đi trên đò ngang phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi. Tất cả các hành vi chở quá tải, không tuân theo quy định của người điều khiển tàu, không mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi... đều bị phạt tiền, cụ thể không mặc áo phao bị phạt 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Thêm vào đó, chủ và người lái tàu có thể bị tước bằng lái.
Thế nhưng không ai thực hiện cả. Cả khách và người lái tàu đều không. Bằng chứng là số vụ chết đuối do không mặc áo phao vẫn rả rích trên các báo.
Đêm 5/6, cùng với các phóng viên lặn lội ngoài hiện trường, có nhiều người thức đến hai giờ sáng theo dõi cập nhật trên các mạng xã hội.
Vô vàn lời cầu nguyện đừng để cái chết nào xảy ra được lặp đi lặp lại trên môi người Việt khắp thế giới.
Và một trong những điều trở đi trở lại, day dứt tận tâm can: mạng người Việt mình rẻ quá!
Rẻ tới mức mất đi dễ dàng hàng ngày, tới mức cứ đều đặn mỗi buổi sáng là có 30 người không bao giờ về nhà nữa. Nếu phải tổ chức quốc tang cho nạn nhân chết vì tai nạn giao thông, ít nhất mỗi tháng chúng ta lại có quốc tang một lần.
Những người thân đang mòn mỏi ngóng chờ tin tức của những nạn nhân mất tích trên sông Hàn.
Người Việt chết những cái chết lãng xẹt: thấy tàu lửa tới vẫn cố tình băng ngang đường sắt; đi dọc đường ray nhưng đeo tai nghe nhạc; qua đường không đúng vạch; chở trẻ con ngồi phía trước trên xe máy không có đai bảo hiểm; chở trẻ con trên xe máy ngồi đằng sau, một tay quặt ra giữ; chạy xe một tay, một tay đội mâm thức ăn, tạt đầu xe container; chèn sát bánh xe xe bus; đi đêm không có áo phản quang khiến tài xế không nhìn thấy mà tránh...
Không chỉ thế, tài xế xe khách thà thức dậy dưới cửu tuyền chứ không chịu dừng xe lại ngủ 15 phút; hành khách để cho người ta nhét như dồn bông vào xe, thậm chí vào hầm hành lý... Áo phao hoặc phao cứu sinh thì dồn để một góc trên đầu thuyền xa tầm tay hành khách, hoặc thậm chí, chê mặc vào chụp hình xấu, không chịu mặc.
Chính chúng ta - đau lòng thay, lại là người coi sinh mạng bản thân quá rẻ. Và nếu thế trách làm sao được khi người khác cũng coi thường sinh mạng của chúng ta.
Trên trang mạng xã hội của tôi, một bạn đọc lý giải nguyên nhân của những cái chết vô lý không chịu nổi này, đại ý vì người làm chủ phương tiện thì cẩu thả, tham lam, vì những người trên tàu thì nghĩ rằng tai nạn chỉ có thể xảy ra với những người khác, chứ không xảy ra với mình.
Bạn nói hoàn toàn chính xác.
Để cho những cái chết vô lý không lặp lại nữa, làm ơn, chính mỗi người - xin tuân thủ những quy định về an toàn giao thông. Khi mua vé lên tàu thuyền, hãy hỏi về những chiếc áo phao. Lên đến nơi hãy mặc ngay nó vào. Hãy biết mỉm cười từ chối bước lên một chiếc xe khách đã đủ người...
Trả giá sự chủ quan bằng chính mạng sống của mình, của người thân của mình, đau đớn tức tưởi lắm người Việt Nam ơi!