Nằm trên con đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, gần nút giao giữa đường Nguyễn Hữu Huân, Lương Ngọc Quyến và Trần Quang Khải, những con phố được coi là trung tâm của thủ đô Hà Nội, thời gian gần đây xuất hiện một ngôi nhà 3 tầng với thiết kế vô cùng đặc biệt, thu hút sự chú ý của nhiều người qua đường.
Từ bên ngoài có thể nhìn thấy, ngôi nhà được phủ hoàn toàn bởi màu xanh bơ có đôi nét hoài cổ, lại mang chút hơi hướng châu Âu. Mặt tiền ngôi nhà được chia thành 2 nửa rõ rệt, và quan trọng là thay vì những mảng tường bê tông, tất cả đều là những ô cửa, giúp đem lại nhiều ánh sáng tự nhiên nhất cho khu vực bên trong không gian.
Bước vào bên trong, nội thất cũng như sự bài trí sẽ còn khiến nhiều người bất ngờ hơn. Những chiếc ghế, bàn gỗ hay băng ghế sofa lớn, kết hợp với những vật trang trí nhỏ nhỏ đặt trên kệ, những bức tranh nhiều kiểu dáng treo trên tường hay chiếc gương lớn, tạo cảm giác như đang bước vào một ngôi nhà ở vùng Bắc Âu.
Ngôi nhà nằm ngay khu vực chân cầu, hướng lên vòng xoay cầu Chương Dương nhận được sự chú ý lớn (Ảnh @bemycoffe.hn)
Nhìn vẻ đẹp có thể nói là long lanh, như bước ra từ một cuốn truyện hay một thước phim nào đó của ngôi nhà bây giờ, ít ai có thể tưởng tượng ra, chỉ khoảng 6 tháng trước, nó là 2 ngôi nhà cổ, cũ kỹ nằm cạnh nhau. Một bên được sử dụng làm nơi chứa phế liệu, một bên đã lâu không có người sử dụng, tình trạng xuống cấp vô cùng nghiêm trọng.
Nói về những ngày đầu đặt chân tới ngôi nhà, anh Đặng Phú Cường hay còn được nhiều người gọi với biệt danh Carrot Dang, chủ nhân của ngôi nhà, cũng chính là người đã tự tay tỉ mỉ thiết kế, lên ý tưởng cho toàn bộ công trình, chia sẻ: “Mình khá sốc bởi thời điểm đó ngôi nhà rất cũ và đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mọi thứ trong nhà như tường nhà, trần nhà hay các khu vực cửa đều tróc lở. Cũng do lâu ngày không có người ở, cộng với vừa trải qua thời tiết nồm ẩm nên còn xuất hiện mùi hôi ẩm mốc khá khó chịu”.
“Tuy nhiên, bởi cấu trúc của ngôi nhà quá phù hợp với ý tưởng ban đầu của mình, nên mình đã cố gắng hết sức tận dụng bộ khung sẵn có, gần như giữ nguyên cấu trúc ban đầu, chỉ cải tạo lại các phần đã xuống cấp bên trong. Và kết quả có được thành quả như bây giờ”, anh Cường nói thêm.
Hiện trạng ban đầu của ngôi nhà trước khi cải tạo (Ảnh Carrot Dang)
Song dưới bàn tay "biến hóa" của người thiết kế, ngôi nhà khoác lên mình "bộ cánh" hoàn toàn mới và mang tính đột phá, khác biệt hoàn toàn so với những “người hàng xóm”. Nhiều người thường xuyên đi qua khu vực này từ trước và sau khi cải tạo xong nhận xét: “Không thể tin được đây là cùng một ngôi nhà!”.
Cả ngôi nhà có tổng 3 tầng, diện tích khoảng 400m2, mục đích sử dụng sau khi cải tạo là trở thành một quán cà phê. Và đúng như lời chủ nhân, gần như mọi cấu trúc của cả 2 ngôi nhà sau khi trở thành 1 tổng thể thống nhất, cũng không bị thay đổi nhiều.
Căn nhà chứa phế liệu ban đầu được sử dụng làm khu vực cửa chính để đi vào, phía trên mái nhà được cải tạo thành một mảnh sân nhỏ, đi từ cầu Chương Dương, có thể nhìn toàn bộ khung cảnh khu vực sân này. Còn căn nhà bên cạnh là căn có 3 tầng, các cấu trúc cơ bản như cửa sổ, ban công tầng 2 vẫn được tận dụng tốt và trở thành phiên bản nâng cấp hơn rất nhiều.
Khoảnh sân nhỏ của công trình (nằm trên căn nhà phế liệu ban đầu) có thể nhìn được khi đi trên cầu Chương Dương (Ảnh @minhtri253 @zizohanoi)
Tổng thể phong cách chủ nhân công trình muốn hướng tới đó là Farmhouse - phong cách được lấy cảm hứng từ những những ngôi nhà nông trại ở phương Tây. Anh Cường cho biết, bản thân đã rất tâm đắc với phong cách này từ lâu, thông qua những bộ phim mà anh từng xem và yêu thích. Và ở lần này, cảm hứng cho toàn bộ công trình xuất phát từ một tiệm tạp hóa bình yên trong bộ phim "When the crawdads sing" - bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, lấy bối cảnh một thị trấn miền Nam nước Mỹ thập niên 1960.
Để có được thành quả như hiện tại, anh Cường chia sẻ cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn ngay từ những bước đầu tiên: "Đầu tiên là về địa điểm. Thiết kế Farmhouse yêu cầu nhiều ánh sáng tự nhiên, vì vậy địa điểm mình chọn luôn ưu tiên yếu tố đó, lắp đặt nhiều hệ cửa mở nhất có thể sao cho buổi sáng không cần dùng nhiều đèn nhân tạo, ánh nắng chiếu vào không gian có thể tôn lên các set up bên trong".
Cảm hứng làm nên không gian chính từ một cửa hàng tạp hóa trong một bộ phim (Ảnh @coffeeholiicc)
Ánh sáng tự nhiên là nơi thứ được ưu tiên hàng đầu, vì vậy công trình có rất nhiều hệ cửa mở (Ảnh @nofoodphobia, @zizohanoi, @minhtri253)
Các yếu tố sau đó có thể kể tới là tìm đội ngũ thi công có chuyên môn, tay nghề, "hợp ý" với người thiết kế, lựa chọn các chất liệu, lựa chọn màu sắc và những món đồ nội thất, trang trí sao cho ra đúng nhất được tinh thần của thiết kế Farmhouse. "Farmhouse là một phong cách thiết kế nhà, thiết kế không gian, nội thất không mới, nhưng để làm ra đúng chất, đúng tinh thần thì khó, đòi hỏi rất nhiều yếu tố", anh Cường nhận xét thêm.
Theo chuyên trang The Spruce, phong cách Farmhouse có những ưu điểm là vật liệu chính sử dụng là gỗ hay gạch men, thân thiện với môi trường và dễ tìm trên thị trường, ngoài ra còn có những món đồ đậm tính cổ điển, những món nhiều họa tiết cùng gam màu nóng, tạo nên cảm giác ấm cúng và gần gũi cho không gian. Bước vào một không gian được thiết kế theo phong cách Farmhouse, gia chủ sẽ cảm thấy yên bình như đang ở một vùng ngoại ô nào đó, thoát khỏi sự xô bồ của thành thị.
Vật liệu gỗ, gạch men hay các vật dụng trang trí họa tiết, mang nét cổ điển được sử dụng nhiều trong không gian (Ảnh @zizohanoi)
Ngoài ra, tổng thể một căn nhà Farmhouse sẽ được tạo điểm nhấn bằng nhiều chi tiết khác nhau như cách chọn sàn nhà, những đường nét trên tường nhà hay những món đồ trang trí nho nhỏ. Qua hình ảnh có thể thấy, điểm đặc biệt trong không gian của anh Cường là có rất nhiều tranh treo tường, có những chiếc bình hoa hand-made trên từng chiếc bàn gỗ, có bồn nước nhỏ xinh ở không gian ngoài trời hay chiếc bồn rửa - lavabo bằng sứ cực độc đáo.
Với những bức tranh treo tường, chủ nhân công trình cho biết anh sử dụng chúng để tạo điểm nhấn cho những mảng tường trống. Các bức tranh với phần khung có nhiều hình dạng khác nhau, đan xen trong đó là những tấm gương nhỏ, những kệ, giá nến, từ đó tổng thể không hề gây rối mắt mà còn mang nét cổ điển rất đặc trưng của thiết kế Farmhouse.
Với bồn nước, người thiết kế muốn tạo ra sự hài hòa cho không gian. "Vào mùa hè, khi ngồi ở khu vực ngoài trời tưởng như nắng nóng này, tiếng nước chảy hay chính bồn nước này sẽ góp phần làm tâm trạng con người trở nên thư thái và dễ chịu hơn", anh Cường nói.
Khu vực bồn nước ở ngoài sân của công trình (Ảnh: Thu Phương)
Dù kết hợp nhiều chi tiết song tổng thể không gian không hề bị rối (Ảnh Thu Phương, @@bemycoffe.hn)
Còn với chiếc bồn rửa, không phải làm từ inox như thường thấy, nó được làm bằng sứ. Đây cũng được coi là một trong những nét đặc trưng của thiết kế Farmhouse. Chính vì vậy, loại bồn rửa kiểu này còn được gọi với cái tên "Farmhouse Sink". Không chỉ tạo ra nét hài hòa, nhẹ nhàng cho không gian, bồn rửa sứ còn được các chuyên gia đánh giá là bền hơn, dễ vệ sinh hơn so với bồn rửa inox.
Ảnh: Carrot Dang, @trangnhimtron
Các bồn rửa bên trong công trình đều là bồn sứ (Ảnh Thu Phương)
Theo các chuyên gia về xây dựng và thiết kế, hiện nay không chỉ có phong cách Farmhouse chung mà chúng còn chia ra làm 2 dạng, đó là Classic Farmhouse và Modern Farmhouse. Dù đã có từ lâu đời song giờ đây, khi con người cần thêm những không gian mang lại sự bình yên, ngay cả khi giữa phố thị xô bồ, chật chội, phong cách phù hợp và được yêu thích nhất chính là Farmhouse. Bên cạnh những yếu tố đặc trưng của Farmhouse, cũng có thể kết hợp thêm vài nét của phong cáhc Rustic, Scandinavian hay Minimalism..
Phong cách Farmhouse có thể dễ dàng kết hợp với các phong cách khác trong nhiều không gian (Ảnh: ST)