Pairoj Piempongsant đang mát xa trên tràng kỷ, cố gắng tận hưởng khoảnh khắc thư giãn hiếm hoi trong văn phòng của mình. Piempongsant từng làm việc với cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, sau đó đóng vai trò quan trọng trong vụ mua lại Man City của tập đoàn Đầu tư và Phát triển Abu Dhabi United.
Bây giờ, ông đang hỗ trợ các ông chủ mới tân trang đội bóng bằng một loạt bản hợp đồng lớn. Mua Cristiano Ronaldo? Không vấn đề gì. Fernando Torres? Ồ, tất nhiên. Bạn đắn đo giữa Joleon Lescott và Kolo Toure? Vậy tại sao không mua cả hai? Và Thierry Henry, David Villa, Mario Gomez, Cesc Fabregas, Dimitar Berbatov cũng nằm trong tầm ngắm. Có cảm giác Man City sắp mua cả thế giới vậy.
Rồi điện thoại lại vang lên. Ở đầu dây bên kia là Giám đốc Man City, Paul Aldridge. Ông ta hét lên: "Pairoj, anh phải nói tôi hay, chúng ta đang làm gì? Mọi thứ đang mất kiểm soát". "Phải, phải. Tình hình đang rối tinh. Rất lộn xộn. Quá lộn xộn", Piempongsant đáp.
Man City từng có ý định mua Messi vào năm 2008, xuất phát từ sự hiểu nhầm (Ảnh: Getty)
Cần chú thích một chút ở đây. Trong tiếng Anh, lộn xộn là messy. Và Aldridge dường như đã hiểu sai trong lúc rối như canh hẹ, rằng ông được chỉ thị mua Messi.
Lập tức, Aldridge tới gặp Giám đốc điều hành Garry Cook. "Tất cả đang trở nên khó hiểu", Aldridge nói, "Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu". Cook, thật ra cũng rất bối rối, đáp: "Cứ thử đưa ra đề nghị, rồi chúng ta sẽ tính xem làm gì tiếp theo".
Bằng cách nào đó Dave Richards, Chủ tịch FA Premier League nghe ngóng được tình hình. Ông gọi cho Cook và nói rằng có điên không khi ra giá 70 triệu bảng cho một cầu thủ. Thời điểm đó, cầu thủ đắt nhất của bóng đá Anh là Andriy Shevchenko, 30,8 triệu bảng, khi đến Chelsea năm 2006, và đắt nhất thế giới vẫn là Zinedine Zidane, 46,6 triệu bảng, được mua bởi Real năm 2001.
Richards còn nói thêm rằng, phía Barca đã dò hỏi ông liệu con số đó có thật không. Nếu là thật, một vụ chuyển nhượng có thể xảy ra.
Man City luôn muốn có Messi trong nhiều năm qua (Ảnh: Getty)
Đó là năm 2008, khi Man City bắt đầu cuộc sống vương giả dưới thời tỷ phú Seikh Mansour. Và theo Cook, nó giống như một bộ phim hài bởi mọi thứ đều quá lạ lẫm, quá đột ngột. Như vụ Messi vừa kể. Trong trường hợp thành sự thật, thật điên rồ khi nó khởi nguồn từ một hiểu nhầm.
Mặc dù vậy, ý định sở hữu Messi là có thật. Chính Robinho, bản hợp đồng bom tấn đầu tiên của Man City cũng xác nhận điều đó. Khi anh tới Etihad, các ông chủ đã nói với anh về tham vọng của họ, bao gồm việc quy tụ những siêu sao hàng đầu như Kaka và Messi. Man City gần như đã có Kaka vào năm 2009. Còn Messi, lý do đơn giản là anh ta chưa từng có ý định rời Nou Camp.
Bây giờ thì khác. Messi đã phát chán Barca, gửi fax yêu cầu được ra đi. Anh đã liên hệ với Man City và hôm thứ Tư, ông bố Jorge Messi được nhìn thấy ở Manchester.
Messi đã phát chán Barca và đã liên hệ với Man City (Ảnh: Getty)
Mặc dù siêu sao người Argentina đã 33 tuổi, không còn là chàng trai 21 tuổi như cách đây 12 năm. Nhưng anh ta là Messi, là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, chủ nhân của 6 Quả bóng Vàng và vẫn ghi 33 bàn, kiến tạo 7 trong mùa giải 2019/20. Messi đủ giỏi để nâng cấp Man City, đủ danh tiếng để đưa đội bóng này lên vị thế mới, vị thế của một siêu CLB, mong muốn cuối cùng của Seikh Mansour.
Tất nhiên, ngay cả khi Messi bật đèn xanh, mọi chuyện cũng không hề dễ dàng. Nó có thể đưa Man City vào cuộc chiến pháp lý về điều khoản đơn phương chấm dứt hợp đồng của Messi với Barca, mà trong trường hợp xấu nhất, họ sẽ phải chồng đủ 635 triệu bảng (700 triệu euro).
Bên cạnh đó, mức thu nhập Messi đang nhận cũng rất khủng khiếp, lên đến 95 triệu bảng mỗi năm, bao gồm khoản lương cứng 64 triệu bảng. Hiện ở Etihad, người hưởng lương cao nhất là Kevin De Bruyne, cũng chỉ nhận 14,5 triệu bảng mỗi năm.
Nhưng một lần nữa phải nhắc lại, đây là Messi. Để sở hữu cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá, cơ hội không đến nhiều. Và Man City nên mạo hiểm.