Người ta đã từng so sánh Chelsea và Arsenal để làm bật lên sự tương phản giữa 2 cách phát triển bóng đá trái ngược hoàn toàn. Nhưng sự tương phản ấy sẽ còn rõ rệt hơn gấp bội nếu chúng ta đặt Man City và Arsenal cạnh nhau.
Man xanh và Pháo thủ mới thật sự là hai kẻ chinh phục đi hai con đường trái ngược hoàn toàn. Đội bóng thành Manchester xuất phát với phần lịch sử gần như không có một ánh hào quang nào. Trước khi được bơm tiền để trở thành Gã nhà giàu, danh phận của Man City tại Premier League đơn thuần chỉ ăn theo cái tên Man Utd. Thậm chí họ còn không có được tương quan như giữa Liverpool và Everton.
Man City lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2013/14.
Trong khi đó cuốn biên niên sử của Arsenal rực rỡ những ánh hào quang. Thế hệ Thierry Henry - Patrick Vieira - Robert Pires - Dennis Bergkamp đã từng tạo nên câu chuyện cổ tích The Invincibles - tức là vô địch mùa bóng 2003/04 mà không thua một trận đấu nào. Man City phải bỏ tiền mua lịch sử, còn Arsenal được kế thừa những niềm tự hào đã có sẵn trong dòng máu các Pháo thủ.
Nhưng 10 năm qua, Man City đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ bằng sự thức thời của họ, còn Arsenal giống như một gã quý tộc độc thân: Vẫn đầy kiêu hãnh, tự tôn, nhưng tất cả chỉ còn là dĩ vãng.
Dennis Bergkamp bên cạnh bức tượng chính ông trước cửa SVĐ Emirates.
Đừng nói chuyện nhiều tiền hay ít tiền ở đây, quan trọng là Man xanh đã chọn đúng hướng đi để trở nên lớn mạnh, còn Arsenal thì cứ níu kéo mãi quá khứ vàng son.
Chúng ta có thể nhận thấy rõ tham vọng phủ xanh khắp thế giới của Man City qua những bản hợp đồng thương mại mà hiếm CLB Premier League nào thực hiện được trong những năm qua. Đầu tiên là kế hoạch toàn cầu hóa Man xanh, đang được Giám đốc điều hành Ferran Soriano triển khai.
Man xanh tỏ ra cực kỳ khôn ngoan khi tạo ra một chuỗi CLB anh em trên khắp thế giới - tức là trở thành một thành viên của City Football Group, tập đoàn hiện đang sở hữu hoặc đồng sở hữu tới 5 CLB bóng đá lớn, gồm: Man City FC (Anh, sở hữu 100%), New York City FC (Mỹ, 80%), Melbourne City (Australia, 100%), Yokohama F. Marinos (Nhật, 20%).
Frank Lampard từng khoác áo Man City theo dạng cho mượn từ CLB New York City.
Bằng cách này, Man City không cần đặt chân tới các quốc gia kể trên mà thương hiệu của họ vẫn lan tỏa khắp nơi. Thời David Beckham mới gia nhập LA Galaxy, người Mỹ còn tưởng anh là một… diễn viên. Nhưng tất cả người Mỹ bây giờ đều biết Man City là một CLB bóng đá.
Man xanh đồng thời đã biến sân Etihad của họ thành một ngôi nhà chung cho khá nhiều hoạt động khác nhau, kể cả không liên quan tới bóng đá. Họ cho xây khu vui chơi Disney Land để thu hút trẻ em tới sân. Họ thậm chí đã bắt tay với một trường đại học cho phép đào tạo cử nhân marketing trong chính khuôn viên khu tập huấn.
Khu vui chơi giải trí Disney Land của Man City.
Bằng cách này, kể cả những người không quan tâm tới bóng đá, họ cũng biết đến sự tồn tại của cái tên Manchester City . Kế hoạch mở rộng tầm lan tỏa này thực tế đã được thực hiện kể từ khi Man xanh mua Carlos Tevez từ Man Utd và họ cho căng tấm băng rôn Welcome to Manchester .
Còn Arsenal thì sao? Pháo thủ vẫn trung thành với niềm tin rằng, chỉ bóng đá đẹp là con đường duy nhất đưa tên tuổi của họ vang xa. Nhưng đá đẹp không đơn giản, và đá đẹp để có danh hiệu lại càng khó khăn hơn. Cứ thế, Arsenal sống vật vờ hết mùa này qua mùa khác với cái mác ông lớn Premier League. Không danh hiệu, sự kết nối với thế giới hời hợt, yếu ớt.
Arsenal liên tiếp trắng tay trong những mùa giải gần đây.
Nếu Arsenal không từng gây chấn động thế giới bằng mùa bóng 2003/04 quá thần thánh, liệu tên tuổi của họ còn được như ngày hôm nay không? Nhưng lịch sử nên được xếp lại, ngắm nghía, chứ đừng ăn mãi hào quang quá khứ. Hãy tạo ra nó, như cách mà Man City đang dần biến tên tuổi của họ vượt tầm cả Arsenal.