Cúng tất niên là nghi lễ quan trọng cuối cùng trong năm cũ, sau đó mọi người sẽ chuẩn bị lễ cúng giao thừa - khoảnh khắc bước sang năm mới. Ngoài việc bày tỏ lòng thành với thần linh và tổ tiên, đây còn là bữa cơm đoàn viên cuối năm, do đó các gia đình Việt Nam đều chuẩn bị rất chu đáo, thịnh soạn.
Để chuẩn bị cho lễ cúng tất niên , thông thường các gia đình sẽ làm hai mâm cỗ: mâm cúng gia tiên và mâm cúng trời đất, âm linh, cô hồn.
Mâm cỗ chỉ nên vừa đủ, phù hợp với số người trong gia đình, không nên quá nhiều gây thừa mứa, lãng phí, lễ bạc nhưng lòng thành thì thần linh, tổ tiên sẽ cảm nhận được.
Hiện nay, nhiều gia đình, nhất là những gia đình sống ở chung cư hay có không gian hạn chế, chỉ chuẩn bị một mâm cỗ cúng tất niên trong nhà.
Trên bàn thờ gia tiên cần có những vật phẩm sau:
- Hương và đèn tượng trưng cho sự kết nối giữa âm và dương. Hương tượng trưng cho các vì sao, còn đèn đại diện cho Mặt trời và Mặt trăng. Trên bàn thờ, bạn cần chuẩn bị đủ 2 cây đèn để tạo sự cân đối và trang nghiêm cho nghi lễ. Các vật phẩm này giúp gia chủ tạo ra không gian linh thiêng.
- Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả khác nhau, mỗi loại mang một ý nghĩa tượng trưng cho các ước nguyện của gia chủ, từ cầu tài lộc đến cầu bình an. Các quả trong mâm phải là loại ăn được, đẹp mắt, không bị dập hay sâu.
Các món trong mâm cỗ thay đổi tùy theo vùng miền, về cơ bản có những món sau:
Ở miền Bắc, mâm cỗ cúng tất niên rất chu đáo và tỉ mỉ, với những món ăn truyền thống mang đậm nét văn hóa cổ truyền. Ngoài những món ở trên, giò lụa, canh măng và dưa muối cũng là những món ăn quen thuộc.
Mâm cỗ cúng tất niên của người miền Trung lại có phần đơn giản hơn, các món đặc trưng gồm giò lụa, thịt gà, thịt heo và bánh tét. Đặc biệt, hành muối cũng là món ăn không thể thiếu.
Khác biệt với miền Bắc và miền Trung, mâm cỗ cúng tất niên của người miền Nam thường mang những món ăn đậm hương vị miền nhiệt đới. Với khí hậu ấm áp, mâm cỗ cúng miền Nam có sự phong phú và đa dạng hơn với những món như canh khổ qua - món ăn vừa đậm đà vừa có tác dụng thanh nhiệt, chả giò, thịt kho trứng, gỏi tôm thịt, và bánh tét ăn kèm với củ kiệu.
Ngoài mâm cỗ mặn, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ chay để cúng tổ tiên, bao gồm các món như miến xào chay, canh rau củ nấu chay, đậu phụ chiên xào nấm, và giò chay.
Thông thường, mâm cỗ mặn sẽ được bày ở một chiếc bàn con, đặt dưới bàn thờ chính để tạo sự tôn nghiêm, trang trọng. Các vật phẩm khác như mâm ngũ quả, hoa tươi và vàng mã nên được đặt ở trên bàn thờ, tạo sự cân đối và thể hiện lòng thành kính của gia đình.
Khi mâm cỗ đã được chuẩn bị xong, người lớn tuổi trong gia đình hoặc chủ nhà sẽ thắp hương và đọc văn khấn. Những người còn lại sẽ làm lễ theo. Lễ cúng này là tấm lòng thành của con cháu, gửi gắm lời mời ăn Tết tới các thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng.