Khác biệt với pizza truyền thống với lớp đế tròn mềm xốp và thịnh hành tại các trung tâm, trên những hòn đảo phía Tây nước Ý, pizza vỏ dày Sicilian dân dã đã sớm phát triển và phổ biến từ những năm 1860. Vào giữa thế kỉ 19, đây là món ăn thịnh hành bậc nhất tại phía Tây Sicily. Bánh lúc này không có hình tròn mà thường được tạo hình chữ nhật, vỏ dày như bánh mì, nhân được cấu thành từ các nguyên liệu khá bình dân có sẵn trong bếp gồm cà chua, cá cơm, hành tây, rau thơm cùng các loại pho mát đặc sản nặng mùi như Caciocavallo và Toma.
Tương phản với pizza Ý tròn - mà chúng ta thường gọi là pizza Neapolitan – vốn đề cao sự phong phú và thanh nhã trong việc phối hợp nguyên liệu cùng lớp bánh mỏng giòn vừa phải, pizza Sicilian mộc mạc hơn nhiều: món ăn này chứa hàm lượng tinh bột cao hơn, cùng nguyên liệu làm nhân phản ánh đặc trưng ẩm thực của các vùng ven đảo.
Ở Mĩ, chính những người dân nhập cư đã đem pizza Sicilian đến với ẩm thực nước này. Bánh "pizza không tròn" trở thành món ăn phổ biến trong cộng đồng người Mĩ gốc Ý đông đảo ở Boston, Detroit, Portland, Connecticut, New York, New Jersey và đặc biệt là Utica, New York - một thành phố có khá lớn người Mỹ gốc Ý với dân số chủ yếu có gốc từ Sicilia. Khác biệt với phiên bản Sicilian truyền thống, pizza Sicilian tại Mĩ được hiểu đơn giản là một loại bánh gần như bánh mì, được tạo hình vuông vắn và kết hợp với nước sốt, pho mát, các loại đạm cùng rau củ phía trên. Vỏ bánh Sicilian lúc này đã có sự hòa trộn giữa công thức bánh pizza thường thấy với bánh pie hoặc bánh mì, lớp vỏ này có độ dày ít nhất là 1 inch.
Pizza Sicilian “cạnh tranh” cùng pizza truyền thống
Sicilian thật sự là một nét biến hóa thú vị khi đặt bên cạnh pizza Ý truyền thống. Sự khác biệt cơ bản giữa hai loại bánh này nằm ở độ dày của phần vỏ. Bánh pizza Ý tròn mà chúng ta thường thấy yêu cầu phần đế mỏng, giòn xốp và hơi dai, trong khi đó pizza Sicilian có phần vỏ dày hơn rất nhiều lần, biến nó trở nên gần giống một dạng bánh mì. Lớp vỏ này được xem là linh hồn của Sicilian, trong khi ở pizza tròn, chính chất lượng của phô mai, sốt cà cùng nhân đi kèm mới là cái đặc sắc và được chú trọng hơn cả. Lớp vỏ Sicilian vì thế cũng kì công hơn rất nhiều với lượng men gấp 2-3 lần so với vỏ pizza thường, thời gian nhồi và ủ cũng lâu hơn. Hình ảnh đầu bếp ném và xoay miếng bột bánh cho đến khi thật mỏng mềm không xuất hiện khi chế biến Sicilian, mà thay vào đó là sự nhẫn nại nhào bột như đang làm một ổ bánh mì.
Thay vì nướng trong chảo lòng sâu, bột bánh Sicilian được đặt trên một mặt phẳng mỏng mà người Mĩ gọi là “cookie sheet”. Dù tốn thời gian nướng để làm chín lớp vỏ dày, nhưng sự đơn giản của công cụ nướng bánh đã khiến Sicilian gần gũi với ẩm thực Mĩ hơn do không yêu cầu các loại lò pizza tiêu chuẩn, cầu kì. Sicilian hoàn toàn có thể được thực hiện bằng lò nướng tại gia, với khay nướng mỏng manh chỉ dùng để nướng bánh ngọt. Tính chất mộc mạc, bình dân và gần gũi của Sicilian cũng thể hiện ở yếu tố không quan trọng phần nhân. Nhân bánh thậm chí còn được tối giản để tôn lên hương vị của lớp vỏ. Khi chế biến Sicilian, bạn sẽ không phải lo lắng về việc có đủ các nguyên liệu chính gốc Ý bởi món pizza này đơn giản là sự tận dụng tất cả mọi thứ còn sót trong bếp.
Pho mát đặc sản Pecorino – thứ luôn tồn tại trong bếp của người Sicily – đã thay thế các loại pho mát Ý tiêu biểu như Mozzarella, làm nên hương vị nồng nàn đặc trưng cho bánh pizza vuông. Thay vì dùng xúc xích hay thịt xông khói, cá cơm mới là thành phần đạm chủ yếu trong một chiếc pizza Sicilian, phản ánh ảnh hưởng của thủy hải sản đến các vùng ven biển so với vùng đồng bằng tại Ý. Dấu ấn địa phương còn lưu lại rất rõ trong bánh Sicilian ở chỗ, những phiên bản lâu đời của nó còn được gọi vui là “miếng bọt biển dày” do không có sốt cà chua phủ lên mà bánh chỉ gồm phần nhân nướng nở phồng cùng dầu ô liu và các loại thảo mộc. Thực tế, mãi đến những năm 1600 cà chua mới được bắt đầu trồng tại Sicily và mất nhiều năm hơn nữa để nó tham gia vào văn hóa ẩm thực địa phương.
Ở cộng đồng người Ý tại Mĩ nói riêng và trên thế giới nói chung, pizza vuông Sicilian chiếm một vị trí khá quan trọng, bởi nó là sự kết hợp giữa những yếu tố căn bản nhất trong ẩm thực quê hương của họ với sự linh hoạt và biến hóa về nguyên liệu, cách chế biến dưới ảnh hưởng của món ăn Mĩ. Bản thân sự đơn giản, thoải mái về công thức mà vẫn độc đáo về hương vị của Sicilian cũng cho phép loại bánh dân dã này chinh phục nhiều căn bếp gia đình, đạt được vị trí vững chắc không kém pizza Ý truyền thống.
Các bạn có thể tham khảo thêm: