Đến với Hội An, bạn sẽ tha hồ thưởng thức rất nhiều đặc sản độc đáo như cơm gà, mì Quảng, cao lầu, bánh đập, xí mà… Trong đó không thể không nhắc đến những chiếc bánh trong veo, giản dị chính là bánh bao và bánh vạc, hay còn gọi là bông hồng trắng. Cái tên mĩ miều ấy khơi gợi trí tò mò của biết bao du khách.
Bánh bao, bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có hương thơm, vị ngọt của thịt tôm.
Bánh bao, bánh vạc được chế biến từ bột gạo, nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến từ khâu lọc gạo cho đến vân bánh. Loại gạo được chọn để làm bánh phải là gạo lúa mới, thơm, dẻo. Để bột bánh ngon, gạo xay xong cần lọc nhiều lần qua nước, tuyệt đối không dùng chất tẩy trắng hay hàn the.
Tiếp đó, bột sẽ được nhồi thành những thuôn dài, xoay xoay vài vòng để tạo thành một miếng bột nhỏ xíu. Từ miếng bột đó vê nhẹ theo vòng tròn cho nong rộng dần ra, thành vỏ bánh mỏng xinh.
Phần nhân bánh được bao gồm tôm, thịt heo nạc, nấm mèo, giá và một ít hành lá, tất cả được thái mỏng, xào cùng gia vị sao cho vừa ăn. Bánh vạc thường được bỏ chút nhân tôm quết nhuyễn vào giữa, túm lại như hình quai vạc. Bánh bao thì cho nhân thịt, nấm, giá rồi viền nhẹ xung quanh như một bông hồng.
Sau khi nặn bánh xong, nhẹ nhàng xếp bánh vào nồi hấp cách thủy, chừng mười lăm phút là bánh chín. Đem xếp ra đĩa, bánh bao ở giữa hoặc ở trên, bánh vạc ở xung quanh hoặc bên dưới, sau đó trải một lớp hành phi vàng, một muỗng dầu phụng lên trên bề mặt bánh.
Nước chấm cũng được pha chế tỉ mỉ từ nước luộc tôm, phải có đủ ba vị chua, cay, ngọt cùng vị thịt tôm thơm ngon. Vị ngọt vừa đủ, không quá chua và đặc biệt ớt dầm vào chén nước mắm là phải có cả xanh cả đỏ. Có như vậy thì chén nước mắm mới thơm nồng và còn nguyên màu vàng sóng sánh.
Khắp trên các đường phố ở Hội An đều có các hàng quán phục vụ bánh bao, bánh vạc không chỉ cho du khách mà còn phục vụ chính những người dân ở nơi đây.