Tạo nên một trong những đợt di cư lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Ấn Độ, hàng trăm ngàn lao động nhập cư đã bắt đầu hành trình đi bộ về nhà vì rơi vào cảnh vô gia cư sau khi chính phủ áp lệnh phong toả cả nước để hạn chế virus corona lây lan.
Những người vô gia cư nằm la liệt trong một công viên ở Delhi vào tuần trước (Ảnh: NYT)
Khi doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh trên khắp các thành phố của Ấn Độ phải đóng cửa, một lượng lớn lao động nhập cư, trong đó có nhiều người ăn ngủ ngay tại nơi làm việc, đột nhiên rơi vào cảnh không có nơi ở và không có gì để ăn.
Những bếp ăn từ thiện ở thủ đô Delhi giờ đều đã quá tải. Đến nay đã có hơn chục lao động nhập cư tử vong trên nhiều khu vực của Ấn Độ khi họ đang cố gắng trở về nhà, thông tin từ các bệnh viện cho biết.
Hàng ngàn người nhập cư ở Delhi, trong đó có nhiều gia đình, gói ghém nồi niêu chăn màn, cõng con nhỏ trên lưng rồi đi bộ dọc những đường cao tốc liên bang. Một số người còn định đi bộ hàng trăm dặm. Nhưng khi đến nơi hết địa phận Delhi, nhiều người bị cảnh sát đánh.
“Bạn sợ bệnh tật, bạn sống trong những ngôi nhà trên phố. Nhưng tôi sợ đói hơn virus corona”, anh Papu, 32 tuổi, nói với báo New York Times. Anh vừa đến Delhi 3 tuần trước để tìm việc làm nhưng giờ đang đi bộ về nhà ở Saharanpur, bang Uttar Pradesh, cách thủ đô 125 dặm.
Trong khi nhiều nước khắp thế giới đang phải phong toả để hạn chế virus lây lan, ở những nơi chật chội và nhiều người nghèo như Delhi, nhiều người sợ rằng các biện pháp hạn chế như vậy có thể gây bất ổn xã hội.
Không được ra ngoài trong 3 tuần - như Thủ tướng Narendra Modi yêu cầu – trở thành viễn cảnh khó nhọc đối với hàng triệu người sống trong túp lều tạm bợ và chật chội.
Nhiều lao động nhập cư đang phản đối phong toả trên khắp Ấn Độ. Hôm 28/3, hàng ngàn người đổ ra đường phố ở bang Kerala, miền nam đất nước, nói rằng họ không có gì ăn trong mấy ngày qua. Chính quyền thúc giục họ giải tán vì an toàn của chính bản thân, nhưng họ không nghe.
Đến sáng qua, 1 trong 36 chính quyền bang và vùng của Ấn Độ sắp xếp đưa lao động di cư về nhà trên khoảng 1.000 xe buýt. Một ngày trước đó, người di cư xếp hàng dài mấy dặm ở ngoại ô Delhi để chờ được lên vài chiếc xe buýt, nên kết quả là nhiều người không có cơ hội được đi.
Nhưng đến chiều qua, chính phủ trung ương yêu cầu các bang đảo ngược cách làm và đóng cửa địa phận, yêu cầu người nhập cư ở yên tại chỗ. Chỉ thị đó càng khiến tình trạng phong toả rối ren thêm, gây ra tình trạng chính quyền các bang hành động mâu thuẫn với lệnh từ chính phủ. Cảnh sát dùng bạo lực với người dân.
Những hàng dài lao động nhập cư xếp hàng chờ lên xe buýt ở Delhi hôm 28/3. (Ảnh: NYT)
Ấn Độ là một trong những nước có nhiều người vô gia cư nhất thế giới, và biện pháp phong toả sẽ khiến số lượng này tăng theo cấp số nhân, theo dự báo của các tổ chức phi chính phủ. Cuộc điều tra dân số năm 2011 ước tính Ấn Độ có 1,7 triệu người vô gia cư, nhưng các chuyên gia cho rằng số lượng này không phản ánh đúng thực tế ở quốc gia 1,3 tỷ dân.
Ông Modi đã thông báo triển khai phong toả, trong đó có lệnh cấm đi lại giữa các bang. Chỉ có 4 giờ đồng hồ sau khi lệnh được áp dụng nên một lượng lớn người di cư mắc kẹt ở các thành phố lớn vì không kịp di chuyển. Theo ước tính của chính phủ, ít nhất 45 triệu người di cư đến các thành phố của Ấn Độ mỗi năm.
Nhiều lao động di cư ăn ở tại cửa hàng hoặc công trường nơi họ làm việc. Và khi các hoạt động đó dừng lại, hàng trăm ngàn người, nếu không nói hàng triệu người, đột nhiên rơi vào cảnh không có chỗ ở và không có nguồn thực phẩm thường xuyên.
Xếp hàng xin ăn
Tuần trước, một nhóm 13 thanh niên đi bộ dọc tuyến đường cao tốc của Delhi để về nhà ở bang Uttar Pradesh nói rằng họ không ăn gì trong gần 2 ngày qua. Họ chỉ còn tất thảy 3 đô la.
“Đây có thể là một quyết định tốt với người giàu, nhưng không phải với những người không có tiền như chúng tôi”, Deepak Kumar, một lái xe tải 28 tuổi, nói về tình trạng phong toả.
Bình thường, người vô gia cư được nhiều tổ chức tôn giáo ở Ấn Độ cung cấp thức ăn. Nhưng giờ mọi thứ đều đóng cửa, và những nơi tiếp nhận người vô gia cư đã quá tải.
“Áp lực đang tăng mạnh. Mọi người không thể đi bộ trên đường. Nếu cứ thế này thì tình hình sẽ bùng nổ”, Nishu Tripathi, 29 tuổi, người giám sát một bếp ăn từ thiện do tổ chức phi chính phủ Safe Approach, hoạt động tại Delhi, nói với NYT.
“Bất kỳ lúc nào phát thức ăn, chúng tôi đều bị đám đông ập vào”, anh nói.
Safe Approach mở một bếp ăn từ thiện ngoài trời ở vùng đông bắc Delhi từ tuần trước, hỗ trợ cho khoảng 8.000 người. Khi đám đông đang xếp hàng để nhận đồ ăn, nhiều xe cảnh sát vây quanh và rú còi.
“Hãy rời khỏi đây! Vào trong đi. Tách nhau ra! Tách nhau ra! Hãy giữ khoảng cách”, cảnh sát liên tục nhắc nhở qua loa phóng thanh.
Một nhóm đàn ông và con trai, trong đó có cả những người đang chống nạng, khi đi bộ trên đường cao tốc để đến bếp ăn từ thiện đột nhiên bị cảnh sát đánh bằng gậy tre. “Giữ khoảng cách nào!” cảnh sát quát.
Cậu bé độ tuổi 15 bị đánh vào miệng, khiến máu chảy đầm đìa. Đám ông giận dữ cố gắng an ủi cậu. “Tại sao họ làm như vậy?” một người đang xếp hàng chờ đồ ăn hét lên. “Cậu ấy đi bộ đến đây. Tại sao họ đối xử với chúng tôi như vậy!” người đàn ông nói một cách giận dữ.
Anh Tripathi, người quản lý bếp ăn, quay sang nói với các phóng viên: “Hãy đi đi, chúng tôi không thể bảo đảm an toàn cho các anh”, Tripathi nói.
Dù chính phủ yêu cầu duy trì vận chuyển thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, nhiều người bán hàng phàn nàn rằng xe tải chở hàng của họ bị cảnh sát làm khó và cửa hàng buộc phải đóng cửa.
Thủ tướng Modi vừa xin lỗi người dân nước này vì biện pháp phong toả khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn.
“Tôi xin lỗi phải có những bước đi khắc nghiệt, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của các bạn, nhất là những người nghèo”, ông Modi nói
“Tôi biết một số người tức giận vì tôi. Nhưng những biện pháp cứng rắn này cần thiết để thắng cuộc chiến này”, ông Modi nói.
Theo NYT