Ly kỳ ngoại binh V.League (P2): Ra sân phủi Brazil “nhặt” được Vua phá lưới; dân văn phòng hóa sao hạng A

Linh Đan, Theo Đời sống pháp luật 16:11 03/02/2025
Chia sẻ

Đã từng có thời, những ngoại binh chưa từng thi đấu chuyên nghiệp lại trở thành ngôi sao tại V.League, thậm chí ẵm về danh hiệu Vua phá lưới.

RA SÂN PHỦI BRAZIL “NHẶT” ĐƯỢC VUA PHÁ LƯỚI

Trong suốt chiều dài lịch sử 25 năm của V.League, các ngoại binh Brazil xuất hiện đông đảo và để lại nhiều dấu ấn. Thậm chí, có người đã nhập tịch Việt Nam và trở thành trụ cột của ĐTQG, như trường hợp của Nguyễn Xuân Son.

Có nhiều con đường đưa các cầu thủ Brazil đến với V.League. Và thậm chí, không nhất thiết họ phải thi đấu chuyên nghiệp trước đó. Đã từng có những trường hợp được các nhà tuyển trạch Việt Nam “nhặt về” từ sân phủi ở Brazil và sau đó trở thành ngôi sao của V.League.

Ly kỳ ngoại binh V.League (P2): Ra sân phủi Brazil “nhặt” được Vua phá lưới; dân văn phòng hóa sao hạng A- Ảnh 1.

Cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son là một trong những trường hợp gốc Brazil thành công rực rỡ tại V.League.

“Chúng tôi ở Rio de Janeiro 1 tháng, tìm hiểu mô hình phát triển của các CLB kiểu mẫu và đàm phán mua người”, HLV Phan Thanh Hùng kể lại về chuyến đi sang Brazil của phái đoàn CLB Đà Nẵng cách đây nhiều năm để tìm mua cầu thủ.

“Nhưng nói thật, bóng đá Việt Nam chưa ngồi lên bàn 1 đấu 1 với CLB nước ngoài được. Cầu thủ ở Brazil là tài sản của đội bóng, giao dịch là giao dịch giữa hai đội nên muốn mua ai thì phải trả tiền chuyển nhượng cho đội sở hữu.

Lương một cầu thủ hạng nhất Brazil (Serie B) thì rẻ lắm, bảo trả 2.000 USD/tháng là mắt họ sáng lên rồi. Thời ấy V.League đã trả lương ngoại binh lên đến 4-5.000 USD/tháng cơ mà. Vấn đề là giá giao dịch với đội sở hữu thì vài trăm ngàn, cả triệu USD cũng có nên mua không nổi.

Chúng tôi phải tới các sân phủi, tìm những người tố chất tốt nhưng chưa lên chuyên nghiệp. Chuyến đi năm ấy chính là tìm thấy Roger, Almeida”, HLV Phan Thanh Hùng tiết lộ.

Ly kỳ ngoại binh V.League (P2): Ra sân phủi Brazil “nhặt” được Vua phá lưới; dân văn phòng hóa sao hạng A- Ảnh 2.

HLV Phan Thanh Hùng từng có nhiều năm làm việc tại CLB Đà Nẵng (đào tạo trẻ, dẫn đội một) trước khi thành công cùng CLB Hà Nội, CLB Quảng Ninh.

Và quả thực, lựa chọn năm ấy của CLB Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả ấn tượng. Jose Emidio de Almeida nhanh chóng tỏa sáng tại V.League 2006 với 14 bàn thắng, dẫu cho đây mới lần đầu tiên chàng thanh niên 27 tuổi này chơi bóng chuyên nghiệp. Ở hai mùa giải tiếp theo, Almeida tiếp tục bùng nổ với 16 bàn và 23 bàn mỗi mùa, giành danh hiệu Vua phá lưới V.League hai năm liên tiếp.

Tới năm 2009, chân sút này đang thăng hoa với 9 bàn thắng thì dính chấn thương phải nghỉ hết mùa. Tuy vậy, việc CLB Đà Nẵng giành cú đúp vô địch V.League và Cúp Quốc gia mùa giải đó cũng được xem là cái kết trọn vẹn với Almeida.

Tiền đạo người Brazil sau đó chuyển tới Navibank Sài Gòn và CLB Quảng Nam nhưng không còn duy trì được phong độ khi đã bước qua tuổi 30. Kết thúc mùa giải 2014, Almeida giải nghệ và trở về quê nhà, khép lại hơn 8 năm thi đấu tại Việt Nam.

Ly kỳ ngoại binh V.League (P2): Ra sân phủi Brazil “nhặt” được Vua phá lưới; dân văn phòng hóa sao hạng A- Ảnh 3.

Almeida nhanh chóng ghi dấu ấn tại V.League dù trước đó chỉ chơi ở các sân phủi tại Brazil.

DÂN VĂN PHÒNG HÓA SAO HẠNG A

Một con đường khác để đưa các cầu thủ Brazil sang Việt Nam đó là các giải đấu giao hữu trước mùa giải. Trong số này, BTV Cup tại Bình Dương từng một thời trở thành nguồn cung cấp cầu thủ cho nhiều CLB tại V.League. Có năm, CLB Matsubara (Brazil) đá xong giải đã bán được gần như toàn bộ đội hình chính. Và Leandro, người sau này được CĐV Hải Phòng đặt cho biệt danh “King Lean”, cũng đã bén duyên với bóng đá Việt Nam theo cách như vậy.

Ly kỳ ngoại binh V.League (P2): Ra sân phủi Brazil “nhặt” được Vua phá lưới; dân văn phòng hóa sao hạng A- Ảnh 4.

Leandro một thời từng khuynh đảo V.League nhưng rồi sau đó sự nghiệp tụt dốc không phanh. (Ảnh: Bongdaplus)

Leandro de Oliveira sinh ngày 3/3/1983 tại Sao Paulo, Brazil trong một gia đình khá giả. Ở tuổi 17, anh từng được gọi vào tuyển trẻ Brazil nhưng sau đó không tiến theo con đường chuyên nghiệp. Trước khi sang Việt Nam, Leandro đã là chủ một doanh nghiệp gỗ, hàng ngày vẫn đi làm và chiều về lại xách giày ra sân thi đấu. Một người thuộc kiểu dân văn phòng chơi bóng cho vui theo đúng nghĩa đen.

Matsubara là một trong vô vàn CLB bóng đá tại Brazil. Đội bóng này được thành lập bởi một nhà môi giới bóng đá người Brazil gốc Nhật có tên Sueo Matsubara vào năm 1974 và dần trở thành khách quen của BTV Cup trong những năm 2000. Các cầu thủ của CLB Matsubara tới Việt Nam chủ yếu để chào hàng.

Tại BTV Cup 2008, Leandro không ra sân nhiều. Anh chỉ vào sân từ băng ghế dự bị ở nửa sau hiệp 2 nên không nhận được nhiều sự chú ý. Theo tiết lộ, ban đầu CLB Hải Phòng muốn mua 2 cầu thủ khác của Matsubara nhưng không thành. Tới khi đến theo dõi trận chung kết, HLV Vương Tiến Dũng quyết định chọn Leandro. Dù tiền vệ tấn công này không ghi bàn, nhưng cái chân trái khéo léo của anh đã thu hút đội bóng đất Cảng.

Ban đầu, phía CLB Matsubara không muốn bán. Họ nói rằng Leandro sang dự BTV Cup 2008 chỉ để lấy cảm giác thi đấu, còn mục tiêu của đội bóng là đưa cầu thủ này sang đá giải hạng 2 Tây Ban Nha. Về sau, đây được nhận định chỉ là chiêu ép giá của đội bóng Brazil, bởi với nền tảng một cầu thủ sáng đi làm, tối đá bóng như Leandro thật khó để thi đấu được tại châu Âu.

Cuối cùng, sau quá trình thương thảo căng thẳng trong đêm, CLB Hải Phòng cũng chiêu mộ được Leandro với mức giá khá cao. Tuy nhiên đây thực sự là một bản hợp đồng đáng giá đến từng xu.

Ly kỳ ngoại binh V.League (P2): Ra sân phủi Brazil “nhặt” được Vua phá lưới; dân văn phòng hóa sao hạng A- Ảnh 5.

Leandro đến giờ vẫn được coi là một trong những ngoại binh xuất sắc nhất lịch sử V.League, dẫu cho thời gian đỉnh cao của anh chỉ kéo dài trong hơn 2 mùa giải.

Thời gian đầu, Leandro tỏ ra khó thích nghi, thậm chí đòi về vì không quen với cảnh ăn ở tập trung 24/24 tại CLB Hải Phòng. Đội bóng sau đó chấp nhận xuống nước, gọi người đại diện của Leandro từ TP.HCM ra Hải Phòng để nói chuyện, rồi cho phép cầu thủ này hưởng đặc quyền, cứ giữa tuần là được rời huyện Thủy Nguyên để vào trung tâm thành phố Hải Phòng đi chơi, mọi chuyện mới dần êm xuôi. Đôi chân của Leandro bắt đầu thăng hoa, liên tục tạo nên những siêu phẩm và biệt danh “King Lean” cũng bắt đầu được CĐV Hải Phòng hò reo trên khán đài.

Người hâm mộ đất Cảng đến giờ về còn nhắc về những ngày 17h bóng mới lăn nhưng phải lên sân Lạch Tray từ 13h để giữ chỗ. Bóng đá Hải Phòng đã có quãng thời gian bùng nổ, nơi tiền vệ tấn công Leandro thực sự là một nghệ sỹ sân cỏ với vô số khoảnh khắc đáng nhớ.

53 bàn thắng sau 68 lần ra sân, giành giải Ba V.League 2008 (khi vừa thăng hạng), á quân V.League 2010, dấu ấn mà Leandro để lại cùng CLB Hải Phòng đến giờ vẫn khó phai mờ. Đáng tiếc, mọi thứ lại trôi đi quá nhanh.

Ly kỳ ngoại binh V.League (P2): Ra sân phủi Brazil “nhặt” được Vua phá lưới; dân văn phòng hóa sao hạng A- Ảnh 6.

Leandro dần đánh mất bản thân và khiến sự nghiệp xuống dốc.

ĐOẠN KẾT BUỒN CỦA “KING LEAN”

Đến sau này, người ta vẫn bảo nhau rằng khi còn ở ăn tập Thủy Nguyên, nơi chỉ có bóng đá, bóng đá và bóng đá, đôi chân của Leandro mới đứng vững trên mặt đất. Nhưng rồi sau này khi đãi ngộ tăng lên, tiền vệ người Brazil dần trở nên lười biếng, thiếu kỷ luật và buông thả bản thân.

Rời CLB Hải Phòng với không ít câu chuyện ồn ào phía sau (bỏ tập, đánh nhau với đồng đội và nhiều hành động xấu xí trên sân...), Leandro chuyển tới CLB Bình Dương với lương cao ngất người hàng chục ngàn USD, nhưng những khoảnh khắc thăng hoa như tại Lạch Tray lại dần biến mất.

Không khó để bắt gặp hình ảnh cứ sau mỗi trận đấu vào cuối tuần, Leandro lại rời đội trên chiếc ô tô đắt tiền và có “chân dài” đi cùng. Không ai biết Leandro đã đi những đâu, nhưng chỉ sau khi V.League 2011 khép lại, CLB Bình Dương cũngquyết định cho cầu thủ này rời đi.

Không tìm được bến đỗ mới, Leandro phải quay trở lại Matsubara để đá ở giải hạng 4 Brazil, rồi sau đó, tới xin việc tại Thái Lan và kết thúc sự nghiệp ở Thai League 2 vào năm 2019 sau quãng thời gian dài dự bị. Từ vị thế của “hoàng đế” King Lean ngày nào, mọi thứ lụi tàn với Leandro nhanh đến khó tin!

Linh Đan

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày