Trẻ em sống trong gia đình tan vỡ là một thiệt thòi lớn. Cũng vì thế, nếu không thể cùng nhau tiếp tục đi chung một con đường, cha mẹ nên dành nhiều quan tâm cũng như nỗ lực chăm sóc con, giúp trẻ trưởng thành bình an và không chịu tác động tâm lý do sự chia tay của hai đấng sinh thành.
Mới đây, câu chuyện của một người phụ nữ sống ở Hà Nam (Trung Quốc) đã khiến nhiều cư dân mạng trăn trở và xót xa. Cô chia sẻ sau khi ly hôn, quyền nuôi con thuộc về chồng cũ. Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn có thể gặp con hàng tuần và đó là một niềm an ủi đối với cô.
Trước khi ly hôn, chồng cũ đã hứa với cô sẽ chăm sóc con gái thật tốt. Nhưng trong lần gặp con gái mới đây, khi nhìn thấy cô bé, người mẹ này đã bật khóc, sụp đổ niềm tin vào lời hứa của chồng cũ.
Gặp lại con gái, dù cô bé vẫn xinh xắn và cười tươi, nhưng người mẹ nhìn thấy nhiều điểm bất thường trên người con. Lúc này, cô bé mặt áo khoác đen, mặc quần cotton và đi đôi giày mỏng.
Người phụ nữ không hiểu tại sao chồng cũ lại cho con đi giày mỏng vào một ngày tiết trời giá buốt như thế. Hơn thế nên nhìn kỹ thì có thể thấy đôi giày đã lâu không được giặt sạch và trông khá bẩn.
Bên cạnh đó, nếu nhìn kỹ bộ quần áo trên người con gái thì có thể phát hiện một vài chỗ rách, lộ cả lớp áo bông lót bên trong. Cô tự hỏi, con gái cô mặc quần áo và đi giày như thế thì liệu có thực sự thấy ấm không? Đứng cạnh mẹ, cô bé dường như đang run rẩy vì ăn mặc quá mỏng giữa tiết trời lạnh giá.
Lúc này, người mẹ đã bật khóc và cảm thấy có lỗi với con gái. Được biết, sau khi ly hôn với chồng cũ, cô đã nhanh chóng lập gia đình riêng và sinh thêm một người con.
Cô vẫn duy trì đến thăm con hàng tuần, sau đó đưa con về ở với mình trong 2 ngày. Cô cho rằng, dù không thể ở bên con gái hàng ngày nhưng khoảng thời gian gặp mặt ngắn ngủi mỗi tuần có thể bù đắp được cho con.
Người phụ nữ cho rằng nếu chồng cũ không thể chăm sóc tốt cho con gái thì nên gửi đứa trẻ về cho cô. Dù cô và chồng cũ đã ly hôn nhưng đứa trẻ không làm gì sai và con cần được chăm lo chu toàn nhất.
1. Dành thời gian chăm sóc con cái
Đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường dễ nảy sinh suy nghĩ chúng là người thừa và bị bỏ rơi. Do đó, cả hai bố mẹ nên nói chuyện thẳng thắn để cùng nhau lên kế hoach chăm sóc con cái tốt nhất. Cha mẹ nên dành cho con điều kiện vật chất đầy đủ, song hành với đó là thường xuyên nói chuyện, tâm sự để cùng trẻ vượt qua những chướng ngại tâm lý.
2. Nói với con rằng ly hôn không phải lỗi của bé
Một trong những cảm giác chung của trẻ khi nghe tin bố mẹ ly hôn là chúng có một phần lỗi trong việc này.
Sau khi cha mẹ ly hôn, phụ huynh cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ và hỏi con về suy nghĩ, cảm xúc của chúng. Cha mẹ cần kiên trì cho đến khi trẻ hiểu rằng cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ là chuyện của riêng bố và mẹ, hay nói cách khác, là vấn đề của người lớn với nhau mà thôi. Con không là người có lỗi, do đó con không cần mang mặc cảm tâm lý xuyên suốt quá trình trưởng thành của mình.
3. Đừng bao giờ nói xấu người cũ với con
Dẫu bạn có không thích đối phương đến đâu thì cần hiểu rằng, trẻ luôn yêu cả cha và mẹ. Nếu con nghe thấy cha hoặc mẹ nói xấu đối phương thì con sẽ bị tổn thương tâm lý và tự trách chính mình. Sau khi bước qua cuộc hôn tan vỡ, rất khó để bạn không nảy sinh xung đột với người cũ. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không được phép kéo trẻ vào tranh chấp này của mình.
4. Gìn giữ thói quen gia đình sau ly hôn
Việc chia tay của cha mẹ có thể gây khó xử cho các hoạt động chung (như khi chưa chia tay) nhưng các bậc cha mẹ nên tuân thủ các thói quen và cấu trúc gia đình càng nhiều càng tốt.
Ví dụ, cha mẹ có thể đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động ở trường, đưa trẻ đi chơi cuối tuần...
Theo Sohu