Văn hóa hâm mộ cuồng nhiệt của cộng đồng người hâm mộ đã kéo dài qua nhiều thế hệ, từ The Beatles tới những ngôi sao lớn nhất hiện nay như Taylor Swift, Harry Styles... Để làm rõ nguyên nhân dẫn tới sự "tôn thờ" người nổi tiếng này, chuyên gia tâm lý Yamalis Diaz đã phân tích và xem xét kĩ những điều xảy ra trong não của một người khi họ yêu mến cuồng nhiệt các ngôi sao.
(Ảnh: Getty Images)
Chuyên gia tâm lý cho biết các thanh thiếu niên đang ở thời kỳ phát triển "rất nhạy cảm". Giai đoạn phát triển này cũng là khi bản chất được hình thành, chính vì vậy, sự gắn bó với những người có tầm ảnh hưởng, những người nổi tiếng, xinh đẹp và sống trong ánh hào quang sẽ đến một cách vô cùng tự nhiên.
"Về cơ bản, các thanh thiếu niên coi trọng và ủng hộ những người nổi tiếng này theo cách mà họ mong muốn người khác nhìn nhận mình", Tiến sĩ tâm lý Diaz chia sẻ, "Có thể là họ muốn giống những người nổi tiếng đó hoặc họ chỉ muốn yêu người nổi tiếng này vì thấy người đó quá tuyệt vời".
Tiến sĩ tiếp tục lấy ví dụ về Taylor Swift. Nữ ca sĩ nhận được sự ủng hộ rất lớn của người hâm mộ trên toàn thế giới nhờ tạo ra một hình ảnh "đáng tin cậy" khi ủng hộ những người thiệt thòi, bị đánh giá thấp và luôn thể hiện "bản chất thật" của mình.
Tiến sĩ Diaz sau đó nhấn mạnh tới sự ảnh hưởng của mạng xã hội. Những người hâm mộ ngày nay có quyền tiếp cận tới cuộc sống riêng tư của thần tượng nhiều hơn thông qua các nền tảng này. Họ cảm thấy hiểu hơn về con người thật của thần tượng. "Đó là lí do tại sao chúng ta đang chứng kiến sự 'tôn thờ' chiếm lĩnh một cách nhiều hơn", cô khẳng định.
'Các thanh thiếu niên coi trọng và ủng hộ những người nổi tiếng này theo cách mà họ mong muốn người khác nhìn nhận mình'.
Với việc liên tục được ngắm nhìn thần tượng từ ánh hào quang và sau sân khấu (qua những bức ảnh trên mạng xã hội), người hâm mộ cảm thấy có quyền được "tiếp cận" thần tượng nhiều hơn. Khi đó, "hooc môn hạnh phúc" trong não, ví dụ như dopamine, liên tục được giải phóng và củng cố.
"Dopamine cũng đóng một vai trò trong việc thanh thiếu niên trở nên tôn thờ một số người nổi tiếng. Não bộ của họ tự động tiết ra loại hooc môn hạnh phúc này mỗi khi họ tiếp nhận thông tin mới, xem một video mới, một bài đăng mới... của thần tượng", tiến sĩ giải thích.
(Ảnh: Us Weekly)
Theo tiến sĩ, những người có tầm ảnh hưởng và ngôi sao nổi tiếng hoặc các quản lý của ngôi sao đều nhận thức được "hành vi gây nghiện" này. Đây cũng là một trong những lí do mà những người nổi tiếng đăng bài thường xuyên trên mạng xã hội. Bởi lẽ, nếu như người nổi tiếng biến mất quá lâu và không cho phép người hâm mộ kết nối với mình, dopamine sẽ cạn kiệt từng chút một.
Tiến sĩ Diaz tiếp tục giải thích về các chất hóa học trong não tiết ra khi người ta yêu nhau, bao gồm dopamine, oxytocin (được gọi là "hooc môn âu yếm") và adrenaline. Mặc dù dopamine sẽ lập tức được sản xuất khi ai đó nhìn thấy điều thú vị nhưng adrenaline cũng đóng vai trò về mặt cảm xúc của những người hâm mộ. Ví dụ như khi tham gia concert của thần tượng, adrenaline sẽ tăng cao nhưng cũng sẽ lập tức tụt xuống sau khi kết thúc. Hiện tượng này được gọi là "trầm cảm sau concert".
"Ngay khi bạn nghe tin về concert của thần tượng, dopamine và adrenaline bắt đầu dồn dập. Sau đó, bạn nhận được vé, bạn lên kế hoạch cho buổi diễn và rồi... nó kết thúc. Vì vậy, não của bạn bắt đầu vô hiệu hóa dopamine và adrenaline, dẫn tới tình trạng suy sụp hậu concert", tiến sĩ giải thích thêm.
(Ảnh: Getty Images)
Cũng nhờ dopamine và adrenaline tiết ra trong buổi biểu diễn, nhiều người tham dự concert cũng dễ dàng trở thành người hâm mộ của nghệ sĩ đó do họ mang tới sự giải trí và phấn khích cho não bộ. Chất hóa học này có thể ảnh hưởng tới tất cả người tham gia concert ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những buổi biểu diễn khơi dậy cảm giác "kỉ niệm". Điều này giống như trường hợp của rất nhiều khán giả khi hồi tưởng lại quá khứ của bản thân khi trải nghiệm concert Eras Tour của Taylor Swift.
"Âm nhạc có khả năng đưa bạn trở về một thời điểm, một khoảnh khắc hoặc trải nghiệm nào đó trong quá khứ", Diaz nói tiếp, "Vì vậy, những ngôi sao như Taylor Swift hoặc bất kỳ nghệ sĩ lớn nào đã làm nghề trong một thời gian dài đều có thể xuyên suốt các thế hệ".
Đối với các thanh thiếu niên, việc phải lòng người nổi tiếng có thể là lần đầu tiên họ khám phá cảm xúc lãng mạn trong bản thân hoặc sự hấp dẫn với một người khác. Đây là điều được coi là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển.
Tuy nhiên, sự say mê với một người nổi tiếng hoàn toàn có thể trở nên không phù hợp nếu nó tiêu tốn quá nhiều sức lực. Theo trang web sức khỏe tâm thần Psych Central, sự say mê này có thể biến thành "hội chứng tôn thờ người nổi tiếng" hay "rối loạn ám ảnh gây nghiện".
Trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM), họ không công nhận tình trạng này về mặt lâm sàng nhưng các chuyên gia tâm lý vẫn cho rằng tình trạng này có thể đáng lo ngại.
(Ảnh: Vancouver)
"Ranh giới bình thường" bị vượt qua khi một người hâm mộ xem hàng giờ nội dung về người nổi tiếng, cản trở khả năng kết nối với mọi người trong cuộc sống hàng ngày.
"Chúng tôi với tư cách là các bác sĩ lâm sàng về sức khỏe tâm thần sẽ rất lo lắng nếu hình ảnh mà họ có trong đầu về những gì hoàn hảo, những gì đẹp đẽ thực sự ảnh hưởng đến cách họ cảm nhận về bản thân mình. Họ có thể bắt đầu so sánh, liên tục nhìn vào thần tượng để tìm ra lỗi của chính họ", tiến sĩ tâm lý đưa ra lời cảnh tỉnh.
Với tình trạng đáng lo ngại này, chuyên gia khuyến khích cha mẹ của các thanh thiếu niên chú ý, quan tâm nhiều hơn tới con cái thông qua cách chúng tương tác trên mạng xã hội và tương tác với thần tượng của chúng.