Mạnh Cường (22 tuổi, Hà Nội) đang làm công nhân tại một công ty Hà Nội với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Dù sống một mình nhưng với mức lương không cao nên anh chàng phải tính toán chi li nhiều khoản chi phí.
Hàng tháng, Mạnh Cường cần chi tiêu ít nhất 4,5 triệu đồng. Anh cho hay: “Mình trả 1 triệu đồng tiền thuê phòng 15m2, ở ghép cùng một người bạn. Tiền xăng xe là 500 ngàn đồng, mua đồ ăn 2 triệu đồng. Tiền mua đồ dùng cá nhân, quần áo và hẹn gặp bạn bè là 1 triệu đồng. Tiền mừng sinh nhật, đi đám cưới và các khoản phát sinh khác từ 500 ngàn - 1 triệu đồng. Tính như vậy thì số tiền để dư hàng tháng không còn được bao nhiêu".
Nói về khoản tích góp, Mạnh Cường cho hay món đồ lớn nhất anh từng mua được cho bản thân là chiếc xe máy gần 40 triệu đồng, còn lại khoản tiền tiết kiệm gần như bằng không. Số tiền dư trong tài khoản chỉ đủ để Mạnh Cường tiêu dùng lúc mắc bệnh nhẹ, còn nếu có tai nạn hay cần phải vào bệnh viện thì càng khó khăn.
Vào những ngày đặc biệt trong năm như lễ Tết, người có mức lương dưới 10 triệu đồng như Mạnh Cường sẽ có những nỗi lo khác nhau. Chàng trai giãi bày: “Mình thường kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận tăng ca, nếu không với tiền lương hiện tại thì Tết buồn lắm”.
Ảnh minh hoạ
Với mức thu nhập không cao thì hiện tại việc có 1 tài sản là bất động sản như nhà trở thành mục tiêu ngoài tầm với của Mạnh Trường, chưa nói đến chuyện mua xe.
Anh chàng chia sẻ: “Để mua được 1 căn hộ chung cư hay nhà nhỏ ở thành phố lớn thì với người có mức lương 30-40 triệu đã khó khăn chưa nói đến mình. Nếu muốn sở hữu nhà, mình sẽ phải tiết kiệm và cố gắng gia tăng tiền lương càng nhanh càng tốt. Vì mức lương 8 triệu đồng hiện chỉ đủ để mình sống ổn, chứ ‘sống khỏe, sống tốt' thì chắc chắn không.
Hiện mình đang dự tính sẽ chuyển về quê làm việc. Vì ở đó mình có nhà sẵn, đồng thời bớt đi một phần gánh nặng chi phí sinh hoạt cao tại Hà Nội. Thêm nữa, vốn dĩ công việc ở Hà Nội đã bấp bênh thời gian gần đây. Công ty gặp khó khăn nên có những tuần, thời gian mình đi làm chỉ là vài ba buổi. Không thể trách công ty không tạo điều kiện vì giờ doanh nghiệp nào cũng làm ăn khó khăn vậy cả".
Đó là câu chuyện của Nhật Thuỷ (25 tuổi, Hà Nội) - một chuyên viên nhân sự với xuất phát điểm sau khi mới ra trường là mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm đi làm, dù tổng lương đã tăng thêm 3 triệu đồng so với ban đầu, nhưng cô nhận định đây vẫn là khoản lương khó đủ để sống tốt ở thành phố lớn.
Nói về các khoản chi tiêu hàng tháng, Nhật Thuỷ cho hay: “Mình ở ghép trọ cùng 2 người nữa thì tiền phòng là 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền ăn là 1,5 triệu đồng/người, do mình chủ yếu nấu nướng tại nhà với thực phẩm được chuyển từ quê lên. Tiền xăng xe là 300 ngàn đồng, ăn nhậu và giải trí là 700 ngàn đồng. Tiền đám cưới, hiếu hỷ, xã giao với bạn bè trung bình 1 triệu đồng/tháng. Tiền mua quần áo và mỹ phẩm là 1,5 triệu đồng. Còn lại 2 - 2,5 triệu đồng/tháng là dành cho quỹ dự phòng và quỹ tiết kiệm".
Với Nhật Thuỷ, mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng mà muốn có tiền dư thì cần cố gắng cắt bớt nhiều nhu cầu cá nhân và quản lý tài chính chặt chẽ.
Đơn cử như Nhật Thuỷ có một cuốn sổ ghi chép lại thu chi, hạn chế mua sắm quần áo. Khi có tiệc nhậu cùng bạn bè, cô thường cố gắng sắp xếp lịch hẹn ở quê để tiết kiệm chi phí. Thêm nữa, quy tắc của cô nàng áp dụng ở thời điểm hiện tại là “Tiết kiệm trước - chi tiêu sau". Tức là tiền lương nhận về sẽ chia làm 2 phần, một phần để tiết kiệm, một phần để chi tiêu.
Ảnh minh hoạ
“Khi tiền lương gia tăng, mình nhận thấy biết cách chi tiêu còn quan trọng chẳng kém kiếm tiền. Bởi lẽ khi chi tiêu gia tăng thì thường ham muốn về mức sống cũng tỷ lệ thuận không kém", Nhật Thuỷ cho hay.
Cô nàng chia sẻ thêm: “Mình xác định với mức lương hiện tại, nếu muốn bám trụ lâu dài ở thành phố lớn thì cần tìm cách gia tăng thu nhập, chứ không thể chỉ dựa mãi vào tiết kiệm. Bởi hiện tại mình chưa có gia đình và con cái, không yêu đương, hạn chế đi du lịch và giao du bạn bè thì mới có thể có quỹ tiết kiệm. Trong 2-3 năm tới, lúc đó giá cả thị trường thay đổi, thì mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng cũng cần điều chỉnh để phù hợp với thực tại”.
Hiện tại Nhật Thuỷ muốn tập trung vào sự nghiệp để nhanh chóng gia tăng thu nhập, do đó nhu cầu yêu đương sẽ gác lại phía sau. Nhật Thủy lý giải: “Thứ nhất, mình đang dành buổi tối để nhận làm gia sư và học tập thêm nên không có thời gian hẹn hò. Thêm nữa, mình muốn có nền tảng tài chính tốt hơn trước khi bước chân vào mối quan hệ, thay vì kỳ vọng đối phương có thể mua cho mình một món quà nào đó".
Đó là nhận định của cả Nhật Thuỷ và Mạnh Cường đều đồng tình. Họ cùng cho rằng mức lương này chỉ phù hợp với chi tiêu của người độc thân, không mang nhiều gánh nặng tài chính và tốt hơn cả là đã có nhà ở Hà Nội.
Ảnh minh hoạ
Nhật Thuỷ cho hay: “Nghe 10 triệu đồng thì thấy to tát, nhưng đem vào chi tiêu thực tế rồi những ngày quan trọng như lễ Tết, người thân đau ốm… thì chẳng còn mấy đồng.
Ai sống xa quê nữa thì 1 đợt bệnh hay 1 chuyến về quê có thể bay luôn phần tiết kiệm của cả năm. Cũng vì thế, khi còn trẻ thì chúng ta nên cố gắng bước ra vùng an toàn, học hỏi nhiều hơn và kiếm được công việc có mức thu nhập tốt, thay vì chỉ an phận với lương hiện tại”.
Trong khi đó, Mạnh Cường chia sẻ nếu có khó khăn thì có thể đi về nhà. Vì mức lương 10 triệu đồng/tháng có thể không đủ sống ở thành phố lớn nhưng tại quê thì sẽ chi tiêu thoải mái hơn. “Nếu xác định không trụ được ở thành phố lớn thì về quê làm công nhân và buôn bán. Còn ở thành phố mà sống quá chắt chiu, ngày nào cũng lo lắng về tiền bạc thì hết thanh xuân cũng không thấy vui vẻ", chàng trai nói.
Nhìn chung, dưới 10 triệu đồng/tháng vẫn là mức lương trung bình của nhiều người trẻ mới đi làm hoặc vừa chuyển ngành, như Mạnh Cường đi làm 2 năm, còn Nhật Thuỷ là 3 năm.
Hiện tại, cả Mạnh Cường và Nhật Thuỷ đều cho rằng nỗ lực gia tăng thu nhập là mục tiêu hàng đầu. Nhật Thuỷ đang tìm kiếm cơ hội gia tăng tiền lương từ công việc nhân viên văn phòng và nghề tay trái, trong khi đó Mạnh Cường thì quyết định chuyển về quê sinh sống. Khi mức thu nhập gia tăng, những mục tiêu như mua nhà, mua xe và tính đến chuyện kết hôn sẽ còn không còn quá xa vời.