"Khi còn là sinh viên, mình được ba mẹ chu cấp cho hầu hết chi phí sinh hoạt. Không đi chơi, mua sắm mà chỉ sống cuộc sống của một sinh viên bình thường cũng đã tiêu tốn 4,5 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi bắt đầu đi làm, chi tiêu có phần buông lỏng hơn rất nhiều. Mình không tiếc tiền để tự thưởng bản thân hay những bữa ăn sau giờ làm. Vì thế, dù nhận được mức lương 10 triệu đồng/tháng trong khoảng 1 năm đầu đi làm, mình vẫn không có đồng nào để tiết kiệm", Thanh Khê (1997, Phú Thọ) cho biết, lối sống hưởng thụ có lẽ đang ngày càng bao phủ giới trẻ.
Thanh minh cho việc còn là sinh viên nhưng tiêu tốn 4,5 triệu đồng/tháng, Thanh Khê chia sẻ bản thân đã cố gắng tính toán hợp lý nhất có thể. Kể cả khi ra trường, những chi phí để "sống còn ở Hà Nội" này gần như vẫn giữ nguyên:
- Chi phí cho nhà ở 1,7 triệu
- Điện nước, wifi: 300k
- Gia vị nấu ăn: 100k
- Nước giặt, rửa chén, lau sàn, lau bếp: 100k
- Chăm sóc da cơ bản: 300k
- Xăng xe: 400k
- Đồ ăn hàng tháng: 1000k
- Hoa quả: 50k/tuần
- Các chi phí cho những đồ dùng linh tinh: 100k
- Thuốc men: 300K (Mình có bệnh dạ dày và chăm sóc mắt cận).
Khoản tiền chi tiêu thay đổi có lẽ đến từ lối sống hưởng thụ mà dù nhận lương 10 triệu/tháng vẫn khiến Thanh Khê cảm thấy chật vật đó là những "nhu cầu cá nhân" thay đổi theo tháng, theo mùa.
Chi tiêu không kiểm soát ảnh hưởng nghiêm trọng đến thói quen tích lũy tài chính của người trẻ (Ảnh minh họa)
Cô nàng chia sẻ: "Thật sự khi vừa kiếm được tiền, mình không suy nghĩ nhiều đến việc tiết kiệm. Thậm chí là chưa có khái niệm đó luôn. Nếu dư được đồng nào khi đến cuối tháng, thậm chí còn tự khen bản thân rằng biết cách tính toán. Nguyên nhân cũng do mình không tiếp xúc với tài chính cá nhân từ sớm, chỉ biết kiếm tiền và tiêu đủ cho bản thân là được.
Kiếm được 10 triệu/tháng mà dám uống trà sữa ngày 2 ly, thiệt hại cũng hơn 100k. Chỉ vài ngày trong tháng nhưng sau này mới thấy nhiều tác hại. Quần áo thì mặc cả tháng không trùng bộ nào, guốc dép hay túi xách cũng thay đổi liên tục. Giờ nghĩ lại với mức lương đó mà tiêu dã man thật.
Bây giờ thì khác nhiều, cả tháng mình cũng chỉ mặc đi mặc lại chục cái áo phông và sơ mi, đi đôi giày 2 năm vẫn chưa đổi. Càng được tiếp xúc nhiều về quản lý tài chính cá nhân, mình càng nhận ra được quá khứ đã sai lầm thế nào. May mắn vẫn dừng lại được trước khi bước vào vòng xoáy nợ nần".
Không dừng lại kịp thời như Thanh Khê, cách chi tiêu của Hoài Nam (1996, Hà Nội) đã khiến anh chàng rơi vào cảnh nợ nần. Dù chẳng mua nhà, mua xe hay bất cứ loại tài sản nào có giá trị cao. Nam chia sẻ: "Nếu tiếp tục lối sống hưởng thụ của trước đây, có lẽ mình đã không thể làm lại cuộc đời".
Hoài Nam cho biết, vì được sống trong một gia đình có điều kiện khá giả, không phải lo toan chuyện tiền bạc nên anh chàng đã trượt dài trên con đường tích lũy tài chính: "Lúc mới ra trường, được nhận vào công ty lớn và có mức lương cao hơn bạn bè cùng chang lứa, nên mình rất ảo tưởng về khả năng kiếm tiền của bản thân. Mình cứ nghĩ là siêu nhân trong việc kiếm tiền nên cứ vung tiền như nước: Mua chai nước hoa vài triệu không tiếc, bỏ chục triệu sắm điện thoại không suy nghĩ gì, hay những đôi giày thể thao giá 'trên trời' cũng được rinh về mà có lúc chẳng dùng đến. Mẹ phát điên mỗi khi mình đập hộp những thứ này nhưng cũng không ngăn cản được. Bản thân cứ quẹt tín dụng, vay bạn bè rồi nghĩ lấy lương là trả được liền".
Lối sống hưởng thụ khiến người trẻ phải lâm vào cảnh nợ nần (Ảnh minh họa)
Nhưng rồi mọi chuyện không như tính toán của Nam khi mà dư nợ tín dụng báo về đúng lúc bị cắt giảm nhân sự và giảm lương. Lúc đó, Hoài Nam đứng trên 2 sự lựa chọn: Một là tiếp tục làm việc với mức lương chỉ còn 2/3 so với trước, 2 là nghỉ việc và tìm công ty mới. Vì số dư nợ kia nên Hoài Nam đành chọn yên vị với công việc hiện tại, và chấp nhận trả góp cả gốc lẫn lãi vào hàng tháng.
"Tổng số tiền mình kiếm được trong 3 năm đi làm đó đủ để mua được một chiếc xe hơi xịn xò, và chục m2 đất ở Hà Nội. Nhưng vì tính tiêu xài không tích lũy, mình thậm chí còn ôm nợ dù chẳng có nhà, có xe hay khoản tiết kiệm nào".
Sau những bài học về tiền bạc khiến cả Thanh Khê và Hoài Nam vỡ lẽ rằng họ đang gặp rắc rối với cách chi tiêu đó, thì cả hai đều đang cố gắng cải thiện sức khỏe tài chính.
Thanh Khê chia sẻ: "Khoảng thời gian bố mẹ nhờ giúp đỡ về mặt tài chính, mình mới nhận ra hóa ra họ cũng đã già. Không còn ở vai trò chu cấp tiền để mình sinh sống ở mảnh đất Hà Nội nữa, mà thay vào đó là bản thân phải dần có trách nhiệm với gia đình nhiều hơn.
Những bữa ăn buộc phải từ chối vì nếu đi thì chẳng còn dư để gửi về nhà. Những bộ quần áo nếu cứ tiếp tục mua thì sẽ không còn đủ chỗ để chứa vì căn phòng trọ 20m2 đã đủ chật. Những nhu cầu nằm ngoài ăn uống, sinh hoạt nếu tiếp tục xuống tiền mua thì mức lương 10 triệu đồng/tháng chẳng đủ.
Mình học cách sống đơn giản hơn, lo lắng cho sức khỏe vì chỉ sau 2 năm đi làm thì gặp rắc rối với đôi mắt ngày càng cận và dạ dày thì thường xuyên đau. Ngoài ra, mức lương 10 triệu đồng đó chắc chắn không thể sống tốt hơn, nên mình dành tiền đầu tư vào phát triển bản thân. Hiện tại,thu nhập cũng được cải thiện hơn đôi chút, mình đã có dư để có khoản tiết kiệm đầu tiên cho chính tương lai mà bản thân từng chẳng nghĩ tới".
Còn Hoài Nam thì chật vật với khoản nợ trong hơn nửa năm khiến anh chàng dần mệt mỏi với việc tiêu xài: "Chỉ khi không có tiền mới thấu được hết sự đời. Bạn bè có người quay lưng, gia đình có lúc thất vọng vì lối chi tiêu không kiểm soát. Còn bản thân mình thì ngày ngày chìm trong áp lực trả nợ và kiếm tiền. Chính vì thế sau khi trả dứt được khoản nợ tín dụng và bạn bè kia, mình đã nghiêm túc chỉnh đốn lại chi tiêu của bản thân".