Luật sư chia sẻ 5 bước lưu bằng chứng để tố cáo với cơ quan điều tra khi phát hiện con bị xâm hại

Minh Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 12:18 15/03/2017
Chia sẻ

Không ít bà mẹ nóng vội, mất bình tĩnh đã làm tiêu tan bằng chứng về kẻ xâm hại con mình. Các bước nhất định phải làm trước khi tố cáo con mình bị xâm hại là gì? Nếu kẻ ấu dâm chỉ sờ soạng bên ngoài thì có thể bị kết tội hay không?

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, trong thời gian qua, dư luận cả nước xôn xao 3 nghi án xâm hại tình dục trẻ em.

Tuy nhiên, con số trên chưa phải là đã hết, bởi còn nhiều vụ việc không được các phụ huynh hoặc nạn nhân tố cáo. Hoặc những chứng cứ không đủ, không kịp thời cung cấp nên đã không được nhắc đến. Chưa kể, nhiều phụ huynh vì quá tức giận, nóng vội đã vô tình làm tiêu tan bằng chứng.

Trong buổi tọa đàm "Chống xâm hại tình dục trẻ em: Hãy thay đổi từ nhận thức" ngày 15-3 do báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức, luật sư Phan Thị Lam Hồng – giám đốc Công Ty Luật TNHH Đông Hà Nội  - Đoàn luật sư Hà Nội đã chia sẻ thông tin về vấn đề này dưới góc độ pháp lý.

Luật sư chia sẻ 5 bước lưu bằng chứng để tố cáo với cơ quan điều tra khi phát hiện con bị xâm hại - Ảnh 1.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng

PV: Thưa luật sư, ngay khi phát hiện con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần làm các bước nào để lưu bằng chứng và tố cáo với cơ quan điều tra?

Luật sư Hồng: Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên khi phát hiện con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần xử lý một cách sáng suốt, đồng thời giúp con trẻ sớm ổn định tâm lý

+ Đầu tiên: Phụ huynh cần đưa con đi khám tại cơ sở y tế có chuyên môn ngay khi phát hiện, không vội tắm cho con đồng thời lưu giữ quần áo của con đã mặc trên lớp. Trường hợp cần thiết sẽ giao nộp quần áo cho cơ quan CSĐT.

Luật sư chia sẻ 5 bước lưu bằng chứng để tố cáo với cơ quan điều tra khi phát hiện con bị xâm hại - Ảnh 2.

Rà soát, tra hỏi lại con đó là những chứng cứ quan trọng để làm bằng chứng

+ Nếu bệnh viện cho biết nghi ngờ việc con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục thì đề nghị bệnh viện cung cấp hồ sơ bệnh án và giữ lại các giấy khám đơn thuốc của con.

+ Hỏi và ghi âm lời con kể về quá trình hoạt động trên lớp của ngày hôm đó như: học gì, chơi những trò gì, với ai, có tiếp xúc với người lạ không, có điều gì khác lạ không?

+ Hỏi và ghi âm lời kể của thầy cô giáo, nhà trường, và các bạn của con về những hoạt động trên lớp của con.

+ Đồng thời, làm đơn tố giác tội phạm ngay đến cơ quan công an cấp xã/phường và cơ quan công an cấp quận, huyện.

Ví dụ: ở trường hợp của chị Huệ (mẹ bé gái trong nghi án bị xâm hại tại trường tiểu học LTV, Thủ Đức, TPHCM): khi phát hiện chiếc quần con gái đang mặc và hai chiếc quần thay trước đó đều dính rất nhiều máu, chị Huệ cần giữ lại chiếc quần này (không vội đem đi giặt ngay) để làm rõ nguyên nhân vì sao con gái mình bị như vậy.

PV: Lời kể của trẻ con được ghi âm, giấy khám tại bệnh viện do cha mẹ tự đưa con đi khám có giá trị như thế nào trong quá trình điều tra tội xâm hại tình dục trẻ?

Luật sư Hồng: Theo quy định tại Điều 64 BLTTHS thì: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

PV: Với những vụ lạm dụng bên ngoài như ôm ấp, sờ soạng, không phát hiện tổn thương âm đạo hoặc có tinh trùng thì pháp luật Việt Nam quy định ra sao, cần những bằng chứng nào để kết tội?

Luật sư Hồng: Trường hợp người thực hiện hành vi lạm dụng bên ngoài chỉ là hành vi kích thích tình dục như ôm ấp, sờ soạng… mà người phạm tội không có mục đích giao cấu với trẻ em được pháp luật Việt Nam quy định rất rõ tại Điều 116 Tội dâm ô đối với trẻ em quy định tại BLHS 1999:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Vì vậy, đối với hành vi lạm dụng bên ngoài như ôm ấp, sờ soạng… đối với trẻ em, trong quá trình điều tra CQCSĐT cũng sẽ tiến hành xem xét thêm về ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội có mục đích giao cấu hay không để xác định loại tội danh cho đúng.

Luật sư chia sẻ 5 bước lưu bằng chứng để tố cáo với cơ quan điều tra khi phát hiện con bị xâm hại - Ảnh 3.

Biết rõ hơn về nơi ở, danh tính đối tượng cũng là một trong số những chứng cứ để cung cấp cho cơ quan điều tra

Để kết tội một người có hành vi phạm tội dâm ô với trẻ em hay không cần căn cứ vào suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử của những cơ quan tiến hành tố tụng. Các bằng chứng, chứng cứ để kết tội một người có hành vi phạm tội hay không phải được CQCSĐT, VKSND và Tòa án thu thập và chứng minh theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, các phụ huynh cũng có thể tự mình chủ động thu thập các chứng cứ để cung cấp cho Cơ quan tiến hành tố tụng như: Tiến hành hỏi và ghi âm lại lời kể của con trẻ, những người đã chứng kiến hành vi xâm hại như ôm ấp, sờ soạng… đối với con.

PV: Nhiều cha mẹ ngại đưa sự việc ra ánh sáng vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh gia đình và tương lai của con, khiến kẻ phạm tội nhởn nhơ, là 1 luật sư, chị nghĩ gì về điều này?

Luật sư Hồng: Là một luật sư - cũng là bậc làm cha mẹ, tôi cũng phần nào thấu hiểu nỗi lòng của những người có con em bị xâm hai. Tuy nhiên, theo tôi chính sự e ngại của những bậc làm cha, làm mẹ là nguyên nhân khiến những kẻ phạm tội còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngày một nhiều hơn.

Để hạn chế vấn nạn "xâm hại tình dục trẻ em", các bậc cha mẹ khi gặp trường hợp này cần phải thẳng thắn và quyết liệt đưa kẻ phạm tội ra trước pháp luật để:

Kẻ phạm tội bị nghiêm trị trước pháp luật;

Bảo vệ con mình cũng như trẻ em khác;

Không tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi với chính con mình hoặc với những trẻ em khác.

PV: Luật sư đánh giá hậu quả của những vụ xâm hại hoặc lạm dụng tình dục đối với trẻ em ảnh hưởng thế nào đối với tương lai của các em và cộng đồng?

Luật sư Hồng: Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em - nạn nhân trực tiếp mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội.

Xâm hại tình dục trẻ em là một loại tội phạm tác động lớn đến đạo đức xã hội, đến luân thường đạo lý, đến truyền thống văn hóa nhân văn lâu đời của người Việt Nam

Xâm hại tình dục trẻ em còn ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng, xã hội. Ngoài ra Nhà nước và cộng đồng, gia đình còn phải chịu gánh nặng về vật chất và tinh thần đối với việc phục hồi sức khỏe và tâm lý của nạn nhân trẻ em, cùng với những chi phí điều tra, xử lý và đền bù do các vụ án xâm hại tình dục trẻ em gây ra.

Xin cảm ơn luật sư!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày