Lớp tin học với thầy và trò đều là người khiếm thị: Học chơi facebook, nghe nhạc và đọc báo trên máy tính

PV, Theo Thời Đại 00:00 17/12/2017
Chia sẻ

Vỏn vẹn 10 học viên và chỉ dạy những điều bình thường như cách mở một chiếc máy tính, đánh word, nghe nhạc, đọc báo,… lớp học đặc biệt của thầy Duy lúc nào cũng ồn ào vạn câu hỏi, bởi thầy và trò đều là những người khiếm thị.

Người thầy tin học khiếm thị và những học trò U50

"Chữ X thì ngón áp út phải đi xuống hàng hai,

Chữ Z là ngón út tay trái,

Dấu phẩy phải đặt ngón giữa hàng cuối cùng…"

Đó là bài học "vỡ lòng" mà thầy Lê Chơn Duy (34 tuổi) truyền lại cho những người học trò khiếm thị lần đầu tiên làm quen với bàn phím máy tính. Nghe xong, có người chỉ biết gãi gãi đầu vì chưa bắt kịp bài học, có người cũng bắt đầu gõ lốc cốc.

Lớp tin học với thầy và trò đều là người khiếm thị: Học chơi facebook, nghe nhạc và đọc báo trên máy tính - Ảnh 1.

Lớp tin học đặc biệt dành cho người khiếm thị.

Tuần học đầu tiên của những người khiếm thị ở lớp tin học Thư viện sách nói TP.HCM chỉ học và thực hành những điều đơn giản nhất.

Thành lập vào ngày 01/06/2017, sau 6 tháng hoạt động, thầy Duy đã chứng kiến bao lứa học viên của mình tự tin thành thạo các thao tác cơ bản trên máy tính như thế. Lớp học không chỉ giúp họ viết một văn bản, người khiếm thị đã tự xem video, nghe nhạc, đọc báo,… Những điều bình thường ấy là nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 3 tháng ròng của cả thầy và trò.

Lớp tin học với thầy và trò đều là người khiếm thị: Học chơi facebook, nghe nhạc và đọc báo trên máy tính - Ảnh 2.

Thầy Lê Chơn Duy.

Hôm tôi ghé thăm, thầy Duy đang đứng lớp buổi thứ 6. Là một người khiếm thị lại có kiến thức chuyên ngành Tin học nên thầy dễ dàng chia sẻ được khó khăn cùng những học viên của mình. Ai không hiểu, thầy Duy đến từng bàn, nắm tay học trò mà chỉ bảo cẩn thận. Học được bài mới, các cô chú U50 lại gật đầu lia lịa cảm ơn, xưng thầy Duy ngọt xớt. Lúc nào thầy Duy cũng tận tâm thế.

Thầy Duy tận tình dạy dỗ cho học trò.

Năm 28 tuổi, Duy trải qua một tai nạn giao thông và mất đi hoàn toàn khả năng nhìn. Từ một người có công việc ổn định, cặp mắt bỗng ngập chìm trong bóng tối khiến anh hoàn toàn bị gục ngã đến tuyệt vọng.

"Cứ mỗi lần mở mắt ra lại thấy một màn đen, thấy mình vô dụng quá nên nghĩ đến cái chết. May mắn là lúc nào mẹ cũng ở bên. Mẹ động viên, chở anh đến lớp học chữ nổi cho người mù. Lúc đầu, gượng ép đi học nên anh hay bực dọc lắm, không tiếp xúc với ai cả. Có hôm nghe được câu chuyện của nhiều người khiếm thị khác ở lớp, anh mới mở lòng ra đón nhận. Ít nhất mình cũng đã nhìn thấy ánh sáng trong 24 năm trước. Có người thì hoàn toàn không…" – Duy nhớ lại.

Việc tiếp xúc với người khiếm thị đã khiến Duy ước mơ giúp đỡ họ hòa nhập lại với xã hội. "Đó là động lực đầu tiên để anh thi đậu vào ngành Giáo dục đặc biệt đây".

Ước mơ giúp đỡ những người khiếm thị hòa nhập lại với xã hội là động lực khiến thầy Duy quyết tâm trở thành thầy giáo dạy Tin học.

5 năm theo học Đại học, Duy nỗ lực hết mình để trở thành một chuyên viên về vi tính. Anh đăng ký giảng dạy lớp tin học dành cho người mù của Thư viện sách nói TP.HCM và trở thành 1 trong 10 thầy cô khiếm thị đã dạy dỗ nên những lứa học viên khiếm thị đầu tiên thành thạo vi tính. Mỗi lần nghĩ lại, Duy tủm tỉm cười: "Họ làm đủ ngành đủ nghề, đủ tuổi cả nhưng được cái chăm chỉ lắm".

Tuy chỉ dạy người khiếm thị những bước cơ bản trên máy tính như: làm quen với bàn phím, tạo lập văn bản hay nghe nhạc, đọc báo,… Song mỗi giờ đứng lớp, thầy Duy gặp phải vô số những khó khăn.

"Dạy cho người khiếm thị thì phải vận dụng hầu hết vào đôi tai và tưởng tượng. Vì có nhiều người bị mù bẩm sinh, họ không hề biết chữ in nghiêng, gạch chân, bảng… là gì cả. Đồng thời, lắng nghe tìm điểm sai của học trò để sửa kịp thời. Vì lỗi sai thường nhỏ nhặt nhưng rất nhiều nên dạy một người đã mệt gấp 10 lần, nếu như nửa lớp cùng sai thì xem như là bó tay".

Với Duy, nhìn những cô chú U50 ngày ngày vẫn đón chuyến xe buýt đầu ngày đến lớp học, họ vui mừng tự đọc một bài báo, nghe một bản nhạc,… anh lại cảm thấy vui vẻ. Và đó cũng là những bước đầu tiên để người khiếm thị vượt qua mặc cảm hòa nhập với xã hội.

Nhiều học trò của thầy Duy từng bước biết sử dụng máy vi tính, vượt qua mặc cảm hòa nhập với xã hội.

"Biết vi tính để còn tự nghe nhạc, đọc báo, xài facebook cho bằng đứa cháu ngoại ở nhà"

"Hồi khóa hai, anh có nhận một cậu bé mù bẩm sinh, 20 năm không tiếp xúc với bất kỳ ai nên đi học là im lặng. May trên lớp có mấy cô chú lớn tuổi nhiệt tình, hay mở lời hỏi thăm, cậu bé cũng bắt đầu mạnh dạn lên. Em tin không? Sau khi tốt nghiệp, nó đã hoạt bát, biết dạ thưa với người lớn." – Duy tự hào về những học viên của mình.

Ở lớp tin đặc biệt của Duy, mỗi học viên lại có những câu chuyện riêng như thế. Họ có thể là một công nhân, bà nội trợ, học sinh,… hay một bác vé số mong muốn tìm hiểu về công nghệ thông tin. Có thể là cậu bé 11 tuổi cho đến một bà cô 56 tuổi thích vi tính là vì để về nhà dạy lại đứa cháu lên 6.

Những con người kém may mắn ấy, có đôi mắt màu đục đã mất đi hoàn toàn ánh sáng cuộc đời. Nhưng ở họ luôn tràn đầy niềm vui và nghị lực.

Dù khiếm thị nhưng những học trò của thầy Duy luôn tràn đầy niềm vui và nghị lực.

Như cô Đỗ Kim Hội (56 tuổi), sáng 5 rưỡi cô lại đón xe đi học. Nhà ở tận Nhà Bè, cả đi lẫn về một ngày hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng cô vẫn chăm chỉ đến lớp đều đặn. Cô hay nắn nót ghi lại từng lời thầy dặn trên bảng chữ nổi. "Biết chút chút vi tính để còn tự nghe nhạc, đọc báo, xài facebook cho bằng đứa cháu ngoại ở nhà". Cô cười. "Lớn rồi, hay quên lắm, nên cái gì cũng phải hỏi thầy Duy mà thầy tốt tình lắm, la thì la chứ chỉ rất nhiệt tình".

Lớp tin học với thầy và trò đều là người khiếm thị: Học chơi facebook, nghe nhạc và đọc báo trên máy tính - Ảnh 7.

Cô Đỗ Kim Hội

Ngồi góc bàn, chú Hồ Văn Minh (56 tuổi) đang tập tành nhẩm mặt chữ bàn phím. Chú gõ lốc cốc một lượt số từ 1 đến 10, khoe về thành quả suốt 3 buổi học đầu tiên của mình. Hằng ngày, chú Minh đi bán vé số, chớ hôm nào có lớp học vi tính của thầy Duy, trưa chú lại trả vé sớm. Chuyến xe bus đi gần 2 giờ đồng hồ từ quận 12 để đến lớp học, chú vẫn chưa bỏ lớp bữa nào. Nói về lý do ham học, chú chỉ bảo: "Thèm chơi vi tính lâu lắm rồi mà hổng có cơ hội. Học được nhiều để còn đọc tin tức cho mấy ông bán vé số chung hội nghe hằng ngày", chú cười ngon ơ.

Học trò của lớp học thầy Duy hằng ngày đi xe bus đến học tin học.

Lớp tin học của thầy Duy thân thương với những người khiếm thị. Lúc nào, phòng học cũng rộn rã tiếng lốc cốc gõ chữ của cô cậu học trò U50. Thầy Duy đã giúp họ gần gũi hơn với chiếc máy tính, tự mở một bản nhac, bài báo,… và biết cười đùa. Có chú học trò ngoài 50 xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Bởi có lớp học, chú đã vượt qua được mặc cảm xã hội, thêm những người bạn khiếm thị khác cũng kém may mắn như mình vậy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày