"Lớp học khổ hạnh" tại trường đại học danh giá nước Mỹ với mục tiêu giúp sinh viên có cuộc sống ổn định hơn

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 20:00 04/01/2024
Chia sẻ

Khổ trước, sướng sau là lời miêu tả đúng nhất dành cho "lớp học khổ hạnh" này.

Những ngày đầu năm này, nếu bạn đang băn khoăn tìm một hướng đi để cải thiện cả tình hình sức khỏe lẫn tình hình tài chính của bản thân, mà nghĩ mãi vẫn chưa ra, hãy thử tham khảo 3 gợi ý của McDaniel - Giáo sư tại trường Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), một trong nhóm 8 trường Đại học Ivy League.

Theo chia sẻ của vị Giáo sư này trên website của trường Đại học Pennsylvania, việc đồng ý tuân thủ 3 nguyên tắc "giữ im lặng, tránh sử dụng tất cả các phương tiện liên lạc điện tử và giới hạn chi tiêu ở mức 50 USD/tuần" là bài kiểm tra đầu vào với những sinh viên muốn tham gia lớp học của ông.

McDaniel giải thích cụ thể về 3 thay đổi trên như sau.

1 - Nói không với các phương tiện kỹ thuật số

McDaniel cho biết đây là thay đổi "khó nhằn" nhất với các sinh viên của ông. Điều này bắt nguồn từ thói quen lướt MXH để "giết thời gian" và gần như tất cả mọi người đều sử dụng ít nhất 1 ứng dụng giao tiếp online để kết nối với người thân, bạn bè của mình mỗi ngày.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của McDaniel, thói quen dùng MXH nói chung không phải là một thói quen tốt. Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cũng chứng minh quan điểm của vị Giáo sư này là đúng.

Lớp học khổ hạnh tại trường đại học danh giá nước Mỹ với mục tiêu giúp sinh viên có cuộc sống ổn định hơn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cuộc thử nghiệm của Đại học Bath (Anh Quốc) được thực hiện vào năm 2022 khẳng định ngừng sử dụng Twitter và TikTok trong vòng 1 tuần giúp giảm mức độ trầm cảm và lo âu, đồng thời, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nghiên cứu được thực hiện và công bố vào năm 2021, bởi Tạp chí khoa học Cyberpsychology cũng khẳng định thời lượng sử dụng điện thoại tỷ lệ nghịch với chất lượng giấc ngủ và cảm giác hài lòng trong cuộc sống.

"Có rất nhiều bạn trẻ cứ bước vào thang máy, đặt chân lên tàu điện ngầm là ngay lập tức lấy điện thoại ra, truy cập vào các trang MXH. Đây là một cơn nghiện mà rất nhiều người không hề nhận ra" - Giáo sư McDaniel chia sẻ.

2 - Thực hành thói quen "làm từng việc một"

McDaniel nhấn mạnh điều này hoàn toàn không phải là thứ đối nghịch với khái niệm "multi-tasking", hiểu nôm na là đa nhiệm. Đa nhiệm nghĩa là bạn có khả năng hoàn thành những công việc trong những lĩnh vực khác nhau còn thói quen làm từng việc một lại là chuyện hoàn toàn khác.

Lớp học khổ hạnh tại trường đại học danh giá nước Mỹ với mục tiêu giúp sinh viên có cuộc sống ổn định hơn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Tôi muốn các sinh viên của tôi phải chú tâm 100% vào công việc họ đang làm, nghĩa là không có bất kỳ yếu tố nào khác được xuất hiện trong quá trình họ hoàn thành công việc đó. Khi bạn chạy bộ, bạn chỉ chạy bộ mà thôi chứ không phải là vừa chạy bộ, vừa nghe nhạc; hoặc vừa làm việc vừa trò chuyện online" - McDaniel nhấn mạnh.

3 - Không làm gì cả

McDaniel cho biết ông và các con luôn cố gắng đi bộ hoặc ngồi yên trong 30 phút/ngày mà không nghe nhạc, xem tivi hay gọi điện/nhắn tin với bạn bè.

"Trong nửa giờ đó, bạn không thể đọc, không thể trò chuyện hay tương tác với bất cứ ai. Tất cả những gì bạn làm chỉ là hít thở, suy nghĩ và quan sát mọi thứ xung quanh".

Theo quan điểm của McDaniel, việc không làm gì này cũng tương tự như hình thức thiền chánh niệm "niksen" của người Hà Lan để giải quyết cảm giác căng thẳng hoặc kiệt sức.

Đối với McDaniel, sức khỏe tinh thần ổn định không có nghĩa là lúc nào bạn cũng hạnh phúc. Thay vào đó, mục tiêu của ông là giúp các sinh viên vượt qua cảm giác "sợ buồn" và tự tin hơn vào khả năng điều hướng, xử lý những cảm xúc phức tạp..

Ông cho biết thông thường, học sinh thường bắt đầu học tập tốt hơn ở các lớp khác sau khi tham gia khóa học của ông.

Cuối cùng, Mc Daniel cho biết: "Tôi không yêu cầu các sinh viên của mình thực hiện 3 thay đổi này để khiến họ xa lánh xã hội hay tách biệt bản thân khỏi những xu hướng của giới trẻ nói riêng và của thế giới nói chung. Mục đích của thử thách này là để các bạn trẻ làm quen với những cảm xúc không dễ chịu trong những năm đầu 20s. Vì nó không dễ chịu nên nếu bạn làm quen và kiểm soát được nó, cuộc sống của bạn sẽ bước sang một trang mới, kỷ luật hơn, lành mạnh hơn".

Theo CNBC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày