Từ năm 2019 đến nay, thầy giáo Hơ Văn Di đi lần lượt các bản tại xã biên giới Trung Lý để dạy các lớp xóa mù chữ cho bà con dân bản. Các học viên của lớp ở nhiều độ tuổi khác nhau, có những em nhỏ chỉ 6-7 tuổi, nhưng cũng có nhiều người đã lên chức mẹ, chức bà vẫn địu con, địu cháu đi học, có những đứa bé ngồi bên bà ngủ gật và cũng có bé lắc lư cùng cái địu trên vai theo nhịp đánh vần của mẹ...
Học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, trình độ nhận thức, tiếp thu kiến thức cũng có nhiều khác biệt, bởi vậy giáo viên như thầy Di cũng gặp không ít vất vả, khó khăn: “Nhiều người đã ngoài 40 tuổi nhưng lần đầu cầm bút viết chữ, tay cứng không thể nào viết được, lúc ấy thầy giáo lại phải cầm tay nắn từng nét chữ. Trong lớp, thầy giáo cũng phải chia ra làm các nhóm nhỏ để kèm từng người, bởi mỗi học viên lại có một khả năng tiếp thu khác nhau”.
Chia sẻ về những ngày đầu cùng đồng đội đi vận động bà con đến lớp học, Thiếu tá Hơ Văn Di cho biết: “Đa phần người dân đi học đều là lao động chính trong nhà, có gia đình bố mẹ muốn con cái ở nhà làm nương không cho đi học, nhiều nhà chồng không cho vợ đến lớp. Khi đến từng nhà vận động, không ít bà con hỏi chúng tôi rằng, biết cái chữ có đổi được gạo, được xe máy không?”.
Cùng là người dân tộc Mông, thầy Hơ Văn Di luôn hiểu rõ tâm lý người dân. Bởi vậy, thầy Di luôn cố gắng tìm những cách tuyên truyền thật gần gũi, dễ hiểu và sát thực tế: “Tôi vẫn nói với người dân rằng, ngày nay cuộc sống khắp nơi đều thay đổi, đồng bào mình cũng cần phải biết cái chữ để không phải lo ăn từng ngày, để có điều kiện đủ ăn, đủ mặc, để trồng cây ngô, cây lúa không sâu bệnh, đạt năng suất cao, nuôi con trâu, con bò, con lợn nhanh lớn, để nuôi dạy con cái tốt. Biết chữ để không bị kẻ xấu lừa gạt”.
Có những học viên thầy Hơ Văn Di giảng bằng tiếng phổ thông, nhưng cũng có những học viên thầy Di phải giảng bằng tiếng của đồng bào người Mông.
Vận động người dân đến lớp học đã khó, nhưng để giữ chân được học viên lại càng khó hơn, nhiều người chỉ đi học vài ba buổi lại nghỉ, những lần như vậy, thầy giáo Hơ Văn Di phải tìm đến tận nhà vận động quay trở lại lớp.
Là xã biên giới còn nhiều khó khăn, điện lưới mới chỉ về bản vài tháng nay, trước kia, những lớp học của thầy Hơ Văn Di đều phải dùng đèn dầu buổi tối. Dù còn nhiều gian nan, nhưng bao năm qua, thầy giáo Hơ Văn Di vẫn luôn kiên trì mang con chữ đến với bà con dân bản. Chia sẻ về động lực của bản thân, thầy Di cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên trên quê hương biên giới Mường Lát, trong gia đình nghèo có 6 anh em, bố mẹ mất sớm học hết trung học phổ thông, nhập ngũ vào BĐBP. Năm 2006, được đơn vị điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý. Với nhiệm vụ là cán bộ vận động quần chúng, cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị khắc phục khó khăn, thực hiện “ba bám, bốn cùng”, gắn bó mật thiết với bà con các dân tộc, tích cực sát cánh, tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố, xây dựng cơ sở chính trị, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Quá trình cắm bản, gắn bó với bà con, Thiếu tá Hơ Văn Di nhận thấy một trong những căn nguyên khiến bà con dân tộc mình lạc hậu, nghèo đói là do thiếu cái chữ. Chính việc mù chữ khiến cho người dân bị động và khó hòa nhập cộng đồng, không có kiến thức áp dụng vào trong đời sống, dẫn đến lạc hậu, đói nghèo. Bên cạnh đó, dễ bị các đối tượng xấu lừa gạt, lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo làm những việc vi phạm pháp luật.
Từ thực tế trên, Thiếu tá Hơ Văn Di đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp với UBND xã Trung Lý tổ chức mở lớp xóa mù chữ tại các bản người Mông trên địa bàn.
Sau bao năm miệt mài “cõng” con chữ lên non của thầy giáo mang quân hàm xanh Hơ Văn Di, đến nay xã biên giới Trung Lý đã có nhiều đổi khác, người dân biết viết, biết đọc, biết áp dụng kiến thức vào phát triển kinh tế.
Nhiều học viên của thầy Hơ Văn Di đã có cuộc sống hoàn toàn đổi khác nhờ biết chữ: “Nhiều người trẻ học xong biết chữ có thể xuống thành phố đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp, hàng tháng có mức lương ổn định gửi về cho gia đình. Không chỉ dạy chữ, trong quá trình học, tôi thường xuyên lồng ghép những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, dạy bà con cách làm kinh tế. Cũng bởi vậy mà cuộc sống của nhiều người dần khấm khá hơn nhiều”, thầy Di vui mừng chia sẻ.
Thiếu tá Hơ Văn Di cho biết thêm, xã Trung Lý chủ yếu là người dân tộc Mông, đa số các hộ dân đều theo đạo Công giáo. Thông qua các lớp xóa mù chữ, thầy giáo mang quân hàm xanh cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để người dân nắm chắc, hiểu sâu, không cổ xúy, tham gia hoạt động, tuyên truyền đạo trái pháp luật.
Chị Thảo Thị Xênh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Pa Búa xã Trung Lý cho biết: “Được thầy Hơ Văn Di dạy cho biết đọc, biết viết, nhiều chị em phụ nữ ở bản đã biết cái chữ, biết làm kinh tế, được nhận vào các công ty làm việc. Trước đây ở bản trai gái yêu nhau từ thủa 12-13 tuổi rồi kết hôn, sinh con, đẻ cái, đã thế lại sinh nhiều con nên nghèo lại càng nghèo. Từ khi biết chữ, nhận thức thay đổi, trẻ em trong bản đều mong muốn được học hành đến nơi đến chốn để có cuộc sống tốt hơn”.
Từ sự tận tụy, tình cảm gắn bó, nói đúng cái lý, hợp cái tình, mưa dầm thấm lâu..., lớp học của Đồn Biên phòng Trung Lý của thầy Hơ Văn Di ngày càng đông hơn, bà con rủ nhau đến để học cái chữ. Từ năm 2019 đến nay Thiếu tá Hơ Văn Di cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý tham mưu mở thành công 6 lớp xóa mù chữ với tổng cộng trên 250 học viên tại bản Khằm 1 và Khằm 2 và Pa Búa.
Với những cống hiến hết mình, thầy giáo - Thiếu tá Hơ Văn Di đã vinh dự nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2023 và là 1 trong 60 giáo viên tiêu biểu toàn quốc được Bộ GD-ĐT vinh danh tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024.