Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn, cặp vợ chồng Ace và Sheila - thành viên của một nhóm sát thủ tại Philippines thú nhận rằng nhóm của họ đã ám sát hơn 800 người trong cuộc chiến ma túy tại Philippines.
Tuy nhiên, những tay sát thủ như Ace và Sheila cho biết họ không có ý định làm hại ai hay biến những khu ổ chuột tại thủ đô Manila thành "bể máu". Đó là công việc của họ nên họ chỉ có nhiệm vụ hoàn thành tốt những phi vụ được giao. Nếu Ace và Sheila không làm, con họ sẽ chết đói.
Chân dung 2 vợ chồng Ace và Sheila.
Hai vợ chồng cho biết họ được trả 100$ (khoảng 2,2 triệu VNĐ) cho mỗi mạng người. Những tay sát thủ như Ace và Sheila cảm thấy công việc của mình rất quan trọng vì nếu những tay buôn ma túy không bị xử tử, "sẽ còn nhiều người vô tội bị sa vào ma túy".
Theo thống kê, hơn 4.000 đối tượng sử dụng và buôn ma túy, cùng một số lượng không nhỏ các nạn nhân vô tội khác đã bị giết hại sau khi tân Tổng thống Duterte lên nhận chức. Ông Duterte kiên quyết sẽ giúp Philippines "dọn sạch" hoàn toàn tội phạm ma túy trên phạm vi cả nước.
Nhóm của Ace và Sheila nhận trách nhiệm cho hơn 800 người đã thiệt mạng khi trả lời phỏng vấn cho tờ SBS Dateline. Họ đã sử dụng tên giả và che mặt để giấu đi danh tính của mình. Trong cuộc phỏng vấn, hai vợ chồng cho biết cách họ tiếp cận với đối tượng cũng như những "con mồi" mà họ nhắm tới sẽ là ai. Chủ yếu, họ sẽ thi hành án tử sau khi được lệnh từ cấp trên, thường là các cảnh sát nổi tiếng.
Họ có thể là những kẻ buôn ma túy hay đối tượng sử dụng. Đôi khi là những người chống đối lại "sếp" của chúng tôi. Đó là các đối tượng trong tầm ngắm.
Ace cho biết: "Họ có thể là những kẻ buôn ma túy hay đối tượng sử dụng. Đôi khi là những người chống đối lại "sếp" của chúng tôi. Đó là các đối tượng trong tầm ngắm.
Chỉ với một cuộc điện thoại, chúng tôi sẽ xác định danh tính của nạn nhân. Và nếu chúng tôi có thể tự tìm ra kẻ đó, các sát thủ sẽ không chần chừ gì mà ra tay ám sát không cần lệnh. Sau đó, chúng tôi sẽ bỏ đi mà không để lại dấu vết gì".
Ace nói thêm: "Khi tôi mới bắt đầu công việc, tôi biết nó sẽ rất rủi ro. Tuy nhiên nếu tôi không làm vậy, nguy cơ lớn hơn sẽ xảy ra với gia đình tôi khi cả nhà sẽ chết đói. Đây là công việc duy nhất tôi có thể làm".
Hơn 4,000 đối tượng sử dụng và buôn ma túy, cùng một số lượng không nhỏ các nạn nhân vô tội khác đã bị giết hại tại Philippines.
Ace cho biết Sheila thường nhắm vào các đối tượng mà sát thủ nam không tới gần được. Thỉnh thoảng, cô giả vờ là một vũ công trong hộp đêm nếu đối tượng là khách quen của những quán bar. Thông thường, họ sẽ hoàn thành "công việc" chỉ trong vòng 3 ngày. Sheila nói: "Cuộc sống là vậy mà. Khi chúng tôi được xem danh tính của họ, chúng tôi sẽ không hỏi thêm gì. Luật bất thành văn trong nhóm là hãy im lặng và đừng hỏi gì".
Nhóm sát thủ thường để lại một tấm biển với dòng chữ "kẻ buôn ma túy" tại hiện trường nhằm thu hút dư luận và chứng tỏ rằng công việc của họ đã hoàn thành.
Sheila thú nhận rằng cô cũng cảm thấy tội lỗi khi về nhà và nhìn các con. Tuy nhiên, cô vẫn cố gắng không để nó ảnh hưởng tới cuộc sống.
"Tôi nói với bản thân mỗi ngày rằng những người tôi giết đều là những kẻ tồi tệ. Nhiều cuộc sống của người dân thường sẽ bị hủy hoại nếu những gã đó còn sống. Vì thế, hắn ta phải chết. Đó không phải lỗi của tôi.
Tôi không làm gì sai cả. Nếu hắn ta không phải là người xấu, hắn ta sẽ không bao giờ rơi vào những tình huống như vậy".
Sheila lo sợ rằng nếu cô dừng công việc này lại, cô sẽ bị nhóm sát thủ giết để bịt đầu mối. Giờ đây, cô không còn đường lùi.