Chưa bao giờ câu chuyện thất nghiệp của sinh viên mới ra trường lại đáng lo ngại như thế, khi thống kê Quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Nhiều bạn trẻ khi muốn tìm việc làm chỉ chăm chỉ học cách làm CV sao cho thật "oách", trả lời phỏng vấn sao cho thật hay nhưng cái mà nhà tuyển dụng cần nhất là khả năng làm việc đúng như những gì ứng viên đã tự tin tuyên bố thì lại không có.
Lý do chính khiến nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp, có lẽ chính là việc thiếu năng lực.
Sau một thời gian, những nhân sự này bị đào thải và họ lại tiếp tục tìm kiếm nơi khác. Thời gian hưởng lương của những ứng viên này không nhiều nhưng điều tệ hại họ gây ra chính là làm rối loạn thị trường lao động và khiến không ít nhà tuyển dụng cảm giác như bị "sập bẫy", mất niềm tin.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc tư vấn Sunshine Holding, đồng sáng lập Elite PR School và bà Trần Thị Ngọc Thảo, công tác tại Phòng Quản lý lao động nước ngoài của một công ty Đa quốc gia tại Việt Nam.
Ông Đình Thành và bà Ngọc Thảo sẽ cho bạn những gạch đầu dòng bổ ích về những điều quan trọng nhất định bạn phải nhớ từ khi viết đơn xin việc, trả lời phỏng vấn cho đến khi bạn bắt đầu thời gian thử việc và cả những kỹ năng gắn bó lâu dài với công việc.
1. Đừng cố tạo ra một CV đẹp nhưng "lệch pha" với năng lực của bạn
Ông Nguyễn Đình Thành tâm sự, bản thân ông đã từng gặp rất nhiều ứng viên có CV ấn tượng với những kinh nghiệm dày dặn, trả lời trôi chảy các câu hỏi nhưng đến khi nhận vào làm việc lại không thể hiện tốt. "Chúng tôi gọi những người này là "thợ phỏng vấn", ông Thành nói.
Theo ông Thành, đối diện với những ứng viên này, ông luôn cân nhắc đến hai yếu tố là tính khả thi của những việc họ đã làm và nhìn xem đôi mắt, thái độ người đó thế nào. "Nhìn vào mắt ứng viên thì nhà tuyển dụng thấy được nhiều thông tin thực tế và sự trung thực hay dối trá".
Bên cạnh đó, ông Thành cũng cho rằng, một CV tốt ngoài nội dung thì cũng cần có cách thể hiện sáng tạo, thiết kế, in trên giấy đẹp hoặc độc đáo, thậm chí có thể in màu. Ảnh tự giới thiệu cũng không phải là ảnh thẻ mà là ảnh đời thường thể hiện được phong thái, cá tính của người đó. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng, năng lực tới đâu thì thể hiện trong CV tới đó, tránh "lệch pha".
Trong khi đó, bà Thảo cho rằng, ngày nay, việc tạo ra những CV đẹp không quá khó vì chúng ta có thể tham khảo rất nhiều mẫu mã trên mạng. "Tuy nhiên, ứng viên có CV đẹp và trả lời phỏng vấn hay đôi khi lại không phải là nhân sự mà nhà tuyển dụng cần. Thực tế, CV và phỏng vấn chỉ là "ngày hẹn hò đầu tiên".
2. Với nhà tuyển dụng, blog hay trang cá nhân của bạn cũng là một kênh tham khảo quan trọng
Nếu bạn nghĩ rằng trang facebook của mình chỉ đơn giản là một nhật ký ghi lại các sự kiện, cảm xúc hàng ngày, thì với một số nhà tuyển dụng, facebook của ứng viên chính là kênh tham khảo quan trọng nhất.
Dựa vào những gì bạn chia sẻ, bạn quan tâm, bạn thể hiện, nhà tuyển dụng sẽ đọc vị được bạn có phải là một người thích "nổ", hay là một người có cá tính riêng, hoặc bạn có quá nhàm chán?
"Trong quá trình lọc CV, tôi sẽ tìm hiểu các tài khoản mạng xã hội và blog của người đó xem khả năng thể hiện hay mối quan tâm là gì, trước khi quyết định có phỏng vấn hay không", ông Thành khẳng định.
3. "Tell the truth in a smart way!"
Theo ông Thành, khi trả lời phỏng vấn, nhà tuyển dụng đề cao yếu tố "Tell the truth in a smart way" - hãy nói thật, nhưng phải khôn! Tức là bạn hãy lựa lời mà nói cho phù hợp với vị trí mình ứng tuyển, với người phỏng vấn. "Tất cả những sự "gồng mình" đều có thể dễ dàng nhận ra. Chỉ cần một từ nhỏ dùng sai, nhà chuyên môn cũng nhận ra người phỏng vấn có trình độ thế nào".
Ông Thành chia sẻ, thực tế, khi phỏng vấn, rất nhiều ứng viên khẳng định năng lực ở những việc họ vốn không thể làm được. "Tôi nghĩ trường hợp này, họ đã đánh cược tương lai mình và nếu làm được thì họ thắng cược. Rủi ro của hành động này rất lớn, nó đòi hỏi một khả năng thích nghi cực cao của ứng viên. Điều mà chỉ có được sau thời gian dài luyện tập, có ý thức và năng khiếu".
Bà Thảo cũng phân tích, trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng cũng đã chuẩn bị kỹ không kém gì các ứng viên. "Thông qua việc "kể" của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ chọn ra một số cụm từ mấu chốt được xem là cao trào của ứng viên và hỏi xoáy vào đó, chỉ cần vài câu hỏi "xoáy" việc bạn không đáp "xoay" sẽ tố cáo bạn".
4. Hãy tận dụng thời gian thử việc để thử "yêu việc và yêu đồng nghiệp"
Theo ông Thành, thời gian thử việc là lúc người sử dụng lao động đánh giá người lao động mới ít nhất trên 3 yếu tố (ASK – Attitude, Skill, Knowledge): thái độ với đồng nghiệp, với công việc, với công ty. Kỹ năng làm việc thực tế, khả năng chịu được sức ép, khả năng tổ chức công việc. Yếu tố cuối cùng là kiến thức về ngành, về sản phẩm dịch vụ mình bán.
"Người tuyển dụng phải có khả năng hòa nhập và làm được việc, dù ở mức trung bình. Không thể hiện tốt ở 1 trong 3 điểm nói trên là chúng tôi loại. Nên nhớ nhà tuyển dụng chọn người phù hợp nhất, không phải người giỏi nhất. Không có gì bảo đảm một bảng điểm tốt sẽ làm nên một nhân viên chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong mắt nhà tuyển dụng không có trường lớn, trường bé, chỉ có người hữu dụng hay không. Hãy cho thấy bạn có thể làm gì".
Còn bà Thảo cho rằng, trong công việc, nhất là giai đoạn thử việc, nếu việc được giao là việc hoàn toàn mới chúng ta có quyền hỏi rõ cấp trên thêm về ngày cần hoàn thành, sếp mong chờ kết quả như thế nào, phân tích cho sếp biết về những thuận lợi và bất lợi để đạt được kết quả như sếp mong đợi.
Theo bà, ứng viên bị đánh giá là thiếu năng lực sẽ liên quan đến nhiều yếu tố: hòa nhập văn hóa doanh nghiệp, tác phong làm việc và cả việc nhân viên có được giao đúng việc hay không. Nếu bạn không thể hòa nhập với môi trường mà bạn đang làm, nên cân nhắc xem có thể tiếp tục hay không.
Đồng tình với ý kiến này, ông Thành cho rằng, mỗi ngày bạn sẽ ở với những người đồng nghiệp (mà nếu may mắn sẽ trở thành những người bạn mới) từ 8 đến 10 tiếng/ngày. Cho nên hãy làm sao có thể dành 1/3 thời gian trong ngày với những người bạn không quen biết để thiết lập mối quan hệ cho chính mình.
"Hãy thể hiện tác phong chuyên nghiệp: nói là làm, thực hiện công việc đúng chất lượng, đúng khối lượng, đúng thời hạn. Hãy tìm mọi cách để hoàn thành công việc được giao như thể mình là nhân viên chính thức của công ty, tìm hiểu mọi khía cạnh của công việc ấy. Bạn hãy nói "không thể", "không có", "không tìm thấy" chỉ khi đã tìm kiếm và thử làm một cách thực sự", ông Thành chia sẻ.
5. Cân nhắc về việc ra đi khi bạn chưa gắn bó với công ty đủ 2 năm
Theo ông Thành, một người thường phải mất 2 tháng để hiểu công việc mình làm, 6 tháng sau bắt đầu làm tốt, 1 năm sau làm cực tốt một công việc ở một vị trí. Nhưng sau 3 năm nếu không có thăng tiến, người đó sẽ mòn đi.
"Theo tôi, sau 2 năm đổi việc 1 lần thì cũng không phải là một điều xấu. Bản thân tôi cũng đã chuyển việc 7 lần, thường là sau 3-5 năm làm việc, khi đã học hết điều cần học ở nơi đó".
Trong khi đó, bà Thảo quan niệm, nhà tuyển dụng thường không quá khắt khe khi ứng viên chuyển nhiều nơi làm trong một giới hạn cho phép vì nhân viên có rất nhiều lý do để nghỉ việc. Ví dụ như họ làm mãi một vị trí mà không thấy được cơ hội thăng tiến hoặc là những thành quả công việc của họ không được ghi nhận và cũng có khi họ không tìm thấy động lực để gắn bó.
"Tuy nhiên, lời khuyên là bạn không nên rời bỏ công việc đang làm nếu thời gian bạn gắn bó với công việc đó chưa được 2 năm. Với tôi đó là thời gian mà bạn đã có thể vừa có thời gian giải quyết các tồn đọng, thời gian để bạn tạo nên những dấu ấn riêng của bạn và cũng là thời gian đủ kinh nghiệm để đưa ra đề xuất và cải tiến", bà Thảo chia sẻ.