Thay vì đầu tư cổ phiếu hay gửi tiền vào ngân hàng, vợ chồng anh T.T (28 tuổi, Hà Nội) lựa chọn mua vàng từ tiền nhàn rỗi cách đây 3 năm sau khi kết hôn. Họ mua vàng để tích lũy dài hạn.
Nói về lựa chọn này, T.T cho hay mua vàng để hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư lâu dài. Thêm nữa, anh thích mua vàng vì hình thức đầu tư này… đơn giản. Tức là anh chỉ cần đợi mua vàng vào ngày giá giảm, bán vàng vào ngày giá cao mà không cần tính toán cẩn thận như đầu tư chứng khoán.
T.T chia sẻ: "Mình chỉ coi vàng là một loại tài sản phòng thủ. Mình mua vàng từ dòng tiền tiết kiệm hàng tháng, khi nào đủ sẽ mua 1 chỉ. Mình thường đặt cột mốc chốt lãi vàng, khi nào đạt mục tiêu đó thì sẽ bán đi, chứ không đợi vàng lên đỉnh. Bởi giờ giá vàng biến động lắm, mình sẽ khó biết được khi nào thị trường vàng sẽ đóng băng và không còn tăng nữa. Đó cũng là lý do mà dân tình cho rằng vàng có lên 95 - 100 triệu đồng thì mình cũng không quan tâm".
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, vợ chồng Trần Đức Minh (30 tuổi) và Nguyễn Thị Hạnh (30 tuổi) cũng chọn mua vàng từ những khoản tiền nhàn rỗi đều đặn mỗi tháng, suốt từ khi kết hôn năm 2021. Đến nay, cặp đôi đã tích luỹ được 8 cây vàng - một khoản tài sản không nhỏ nếu so với thu nhập công ăn lương của hai vợ chồng.
Khi được hỏi lý do chọn vàng làm kênh tích sản duy nhất, Minh chia sẻ: " Ngay từ lúc cưới nhau, hai vợ chồng đã thống nhất là sẽ sống đơn giản, hạn chế chi tiêu linh tinh. Chúng mình không quá giỏi đầu tư, cũng không có nhiều thời gian theo dõi thị trường tài chính. Thế nên vàng trở thành lựa chọn dễ hiểu, dễ làm, và quan trọng nhất là buộc mình phải tiết kiệm thật sự".
Từ khoản thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng, sau khi trừ đi chi phí sinh hoạt và một phần tiết kiệm dự phòng, hai vợ chồng đều cố gắng dành ra 7-9 triệu đồng để mua vàng định kỳ.
"Có tháng đủ tiền mua 1 chỉ, có tháng phải chờ sang tháng sau mới gom đủ. Nhưng nguyên tắc là tháng nào cũng phải tích – không được phá vỡ chu kỳ. Coi như một khoản 'chi tiêu bắt buộc' giống như tiền thuê nhà hay điện nước vậy. Ngoài ra, khi vợ chồng được thưởng thêm bên ngoài thì chúng mình chia làm 2 khoản, một khoản vào quỹ dự phòng, một khoản buộc đi mua vàng", Hạnh nói thêm.
Theo thời gian, việc mua vàng không chỉ còn là một cách giữ tiền mà trở thành một thói quen sống để họ kỷ luật hơn trong chi tiêu, biết nói "không" với những khoản mua sắm bốc đồng. Sau ba năm, từ những tháng đầu chỉ mua được 1–2 chỉ, giờ đây mỗi năm họ đã mua được 2 cây vàng.
T.T cho hay, anh là người mua vàng để tích lũy dài hạn. Do đó, khi giá vàng chạm đỉnh hay xuống đáy thì anh chàng luôn chọn cách "ngồi im", tức là nói không với mua đỉnh và bán đáy vàng.
T.T chia sẻ: "Mình có tham gia những hội nhóm về vàng để cập nhật giá và các kinh nghiệm mua bán. Trong đó, vào những ngày giá vàng tăng cao, chẳng hạn như vía Thần Tài hoặc ngày vàng chạm đỉnh, mình thấy mọi người nói về chuyện mua vàng rất nhiều. Tuy nhiên, mình luôn tránh xa mua vàng vào thời điểm này vì chúng rất rủi ro, đến từ phía hai đầu mua - bán cách xa nhau. Thay vào đó, mình sẽ đợi ngày vàng giảm giá mới tính chuyện mua tích trữ".
Được biết, chỉ trong năm ngoái, giá vàng bắt đầu tăng cao, cứ 4-5 tháng anh lại chốt lời một lần, với tỷ suất sinh lời là 5-10%.
"Mua vàng theo chỉ thì có hơi lắt nhắt, nhưng về lâu dài thì đó là hình thức tích tiểu thành đại khá hay. Đơn cử như trước khi mua vàng, mình thường dồn tiền mua thứ linh tinh nên thành ra nhiều khi nghĩ mình đi làm được nhiều tiền lắm, nhưng tiết kiệm chẳng còn bao nhiêu. Với mình, giữa lúc kinh tế khó khăn, có vàng trong người thì sẽ yên tâm hơn. Chẳng hạn rủi ro thất nghiệp thì có thứ để bán", T.T nói thêm.
Ảnh minh hoạ
Còn về phía vợ chồng Minh, sau hành trình 3 năm đều đặn mua vàng, cặp đôi đã rút ra những kinh nghiệm để mua vàng thực sự là tài sản sinh lời, chứ không phải chỉ để trưng trong két.
- Tuyệt đối không mua vàng theo đám đông
"Dịp vía Thần Tài, mình thấy mọi người xếp hàng dài cả cây số đi mua vàng. Nhưng giá thời điểm đó thường cao chót vót, chênh lệch mua – bán cũng lớn. Mua lúc ấy là dễ 'đu đỉnh' nhất" , Minh chia sẻ.
Cặp đôi luôn chọn mua vào thời điểm thị trường bình lặng, thường là giữa tháng hoặc vào các ngày thường trong tuần. Họ theo dõi giá trên app, canh lúc giá giảm nhẹ thì mua – ưu tiên sự ổn định hơn là bắt đáy hay đón đỉnh.
- Mua vàng miếng - dễ bán, ít trượt giá
Sau thời gian thử cả vàng nhẫn và vàng miếng, vợ chồng Minh chọn vàng 1 chỉ SJC làm tiêu chuẩn để tích trữ. " Với mình, vàng nhẫn thường bán rẻ hơn nhưng khi bán lại thường bị ép giá. Vàng miếng có giấy tờ, dễ quy đổi, dễ giao dịch - đỡ rủi ro hơn nhiều" , Minh cho biết thêm. Cặp đôi còn giữ hoá đơn, giấy tờ mua bán từng đợt để dễ kiểm soát giá gốc, tránh tình trạng sau này bán mà không biết lời – lỗ bao nhiêu.
- Không đầu cơ - chỉ tích luỹ dài hạn
Cặp đôi tuyệt đối không bán vàng ngắn hạn để ăn chênh lệch vài triệu . "Chúng mình không xem vàng là công cụ kiếm lời nhanh. Ai cũng biết giá vàng biến động thất thường, hôm nay cao mai lại giảm. Nếu cứ chạy theo sóng, mình sẽ dễ mất phương hướng. Cứ coi vàng như một khoản 'gửi tiết kiệm vật chất' là yên tâm nhất" , Minh chia sẻ. Chính vì vậy, họ chỉ đặt cột mốc bán ra khi cần tiền mua tài sản lớn hơn – ví dụ như mua nhà, mua đất hoặc khởi nghiệp. Còn lại, tất cả đều để nguyên trong két sắt.
- Không vay tiền để mua vàng
"Nghe có vẻ buồn cười, nhưng chúng mình từng có người bạn chấp nhận vay tín chấp để đầu tư vàng. Mua xong thì giá xuống, trong khi tiền lãi vẫn phải trả hàng tháng. Rốt cuộc, anh ta phải bán lỗ vàng để trả lại" , Minh nói. Vì thế, quy tắc số một của họ là chỉ dùng tiền dư - không đụng tới quỹ dự phòng, không vay mượn, không dùng thẻ tín dụng để mua vàng.
- Kiên trì - tích tiểu thành đại
"Cái khó nhất không phải là chọn loại vàng gì, mà là giữ được kỷ luật mỗi tháng. Có lúc công việc khó khăn, có lúc muốn tiêu pha một chút. Nhưng chỉ cần bỏ một tháng là sẽ bỏ luôn, giống như bỏ tập thể dục vậy", Minh nói thêm. Chính nhờ sự đồng lòng của cả hai, họ coi vàng như một "hợp đồng tài chính chung" giữa vợ và chồng. Mỗi tháng một chỉ – đều đặn suốt ba năm, và tài sản cứ thế lớn dần lên lúc nào không hay.