Nuôi dạy con cái là một hành trình đầy thăng trầm và vô số điều bất ngờ. Trong một thế giới với quá nhiều áp lực buộc các bậc cha mẹ phải phấn đấu để đạt đến sự hoàn hảo, nhà trị liệu chấn thương Yolanda Renteria đã bác bỏ quan niệm này và khuyến khích mọi người sẵn sàng chấp nhận những khía cạnh "chưa hoàn hảo" của việc nuôi dạy con cái.
Lý do đưa ra là gì?
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên podcast: "Mối quan hệ mở: Cùng nhau thay đổi", nhà tâm lý học Renteria đã bác bỏ ý tưởng về "cha mẹ hoàn hảo". Bởi bà cho rằng, nếu cha mẹ cứ cố gắng đạt đến sự hoàn hảo thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn không tốt cho mối quan hệ với con cái.
Ảnh minh họa.
Con bạn cần thấy chúng ta cũng có lúc thất bại, đây là lý do:
Trong một xã hội có xu hướng lãng mạn hóa ý tưởng về những ông bố bà mẹ hoàn hảo và thường làm mọi thứ "chuẩn không cần chỉnh", từ những món ăn hoàn hảo đến những thứ tốt nhất, áp dụng kỷ luật nhẹ nhàng nhất, Renteria muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận sự không hoàn hảo.
Bà nói với người dẫn chương trình Andrea Miller: "Một trong những điều dễ dàng nhất bạn có thể làm với tư cách là cha mẹ là thừa nhận bản thân có thiếu sót.
Nếu bạn cố gắng trở thành người cha/mẹ hoàn hảo, khi con bạn trưởng thành, chúng sẽ không thể mở lòng để chỉ ra cho bạn thấy bạn đã sai như thế nào vì chúng quá sợ làm tổn thương cảm xúc của bạn... Bạn sẽ khó chấp nhận điều đó vì bạn đã cố gắng hết sức".
Bà lập luận, các bậc cha mẹ nên nhận ra rằng việc phạm sai lầm là một phần cố hữu của quá trình nuôi dạy con cái. Thay vì phấn đấu đạt được một tiêu chuẩn không thể đạt được, Renteria gợi ý rằng việc chấp nhận sự không hoàn hảo sẽ mang lại sự xác thực và kết nối chân thành với con cái chúng ta.
Khi nói về những bậc cha mẹ "lộn xộn về mặt cảm xúc, thiếu hoàn hảo", nó không bao gồm những kẻ bỏ bê, lạm dụng con cái hoặc những bậc cha mẹ có sự bất ổn về cảm xúc gây gánh nặng quá mức cho con cái. Đúng hơn, ở đây, Renteria muốn nói đến những bậc cha mẹ có cảm xúc phức tạp, dễ mắc lỗi và có thể tự thừa nhận điều đó.
1. Họ chân thực
Những bậc cha mẹ như thế này không ngại thể hiện sự tổn thương của mình. Họ không ngại thể hiện khi cảm thấy chán nản hoặc gặp khó khăn.
Sự trung thực này tạo ra một không gian an toàn để trẻ có thể là chính mình mà không lo bị phán xét. Khi cha mẹ thành thật, điều đó sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, cởi mở về cảm xúc của chính mình.
2. Họ trở thành tấm gương về sự kiên cường
Bằng cách chứng kiến cha mẹ vượt qua những thử thách và thất bại, trẻ học được bài học quý giá về sự kiên cường. Cha mẹ "thiếu hoàn hảo" là những ví dụ thực tế về việc vượt qua khó khăn và đứng dậy sau nghịch cảnh.
Ảnh minh họa.
Họ dạy bọn trẻ biết đứng dậy khi mọi việc không như ý muốn. Bằng cách đối mặt với thử thách một cách cởi mở, cha mẹ cho thấy rằng việc vấp ngã và đứng dậy là điều bình thường. Điều này giúp trẻ học được giá trị của việc không bỏ cuộc, đó là bài học mà chúng sẽ mang theo khi trưởng thành.
3. Họ dạy con kỹ năng sử dụng trí tuệ cảm xúc
Cha mẹ "thiếu hoàn hảo" xử lý tình trạng lộn xộn về mặt cảm xúc sẽ dạy trẻ cách đối phó với cảm xúc của mình. Việc quan sát bố mẹ điều hướng cảm xúc của mình giúp trẻ hiểu và quản lý cảm xúc của chính bản thân. Kỹ năng này rất quan trọng đối với hạnh phúc của chúng và cách chúng kết nối với người khác.
4. Họ xây dựng sự kết nối thông qua việc giải quyết vấn đề
Việc các thành viên chia sẻ với nhau cả ở thời điểm tốt và xấu, tức những lúc làm tốt công việc và cả những lúc làm sai, sẽ xây dựng mối liên kết tình cảm bền chặt. Những trải nghiệm được chia sẻ này hình thành cảm giác gắn kết với nhau và cho trẻ thấy rằng tình yêu không phụ thuộc vào việc phải hoàn hảo. Chính những khoảnh khắc đó càng khiến mối quan hệ gia đình bền chặt hơn.
Ảnh minh họa.
5. Họ khuyến khích giao tiếp cởi mở
Cha mẹ "thiếu hoàn hảo" tạo ra một môi trường nơi mà sự giao tiếp cởi mở được coi trọng. Bằng cách chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình, cha mẹ giúp trẻ cảm thấy tự do, thoải mái thể hiện bản thân. Sự giao tiếp cởi mở này giúp các gia đình hiểu nhau hơn, giúp họ vượt qua những thăng trầm của cuộc sống dễ dàng hơn.
6. Họ dạy con mình sự đồng cảm
Thông qua những cuộc đấu tranh của chính họ, những bậc cha mẹ lộn xộn về mặt cảm xúc sẽ phát triển được khả năng đồng cảm cao hơn. Ngược lại, điều này dạy cho trẻ tầm quan trọng của việc hiểu và hỗ trợ người khác.
Nguồn: Yourtango