Gần 11 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của phạm nhân V.M.T (SN 1989) hiện đang chấp hành án tại trại giam Đồng Sơn- thuộc Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn không thôi day dứt vì những gì mình đã gây ra.
Theo lời kể của phạm nhân V.M.T, trú ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, phạm nhân này vốn sinh ra trong một gia đình, dòng họ giàu truyền thống, với nhiều người đỗ đạt cao. Đặc biệt, ông nội, ông ngoại của T. đều là những người có nhiều đóng góp lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Còn về phía T., phạm nhân này cho hay, mình là con cả trong gia đình có hai anh em trai. Năm 2012, Tuấn tốt nghiệp Đại học Quảng Bình, rồi về làm kế toán của của Lâm trường Trường Sơn có trụ sở đóng ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, khi đó T. vừa tròn 22 tuổi.
Trong lời kể của T, học đến năm thứ 2 tại trường Đại học Quảng Bình, T. yêu D.T.H (SN 1989) ở xã Đồng Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình). Trong thời gian yêu nhau, hai bên đã hứa hẹn đi đến hôn nhân.
“Chúng tôi yêu nhau từ hồi học chung Đại học Quảng Bình. Hai người cùng học một trường nhưng khác ngành. Sau khi ra trường, tôi lên Lâm trường công tác, còn bạn gái công tác trong lĩnh vực Đảng của xã Đồng Trạch. Chúng tôi dự định sẽ kết hôn trong vài, ba năm tới”- T. kể.
Công việc ổn định, nhưng có lẽ, theo chia sẻ của T., nguồn cơn vụ việc cũng bắt đầu từ đây, khi hai người yêu nhau sâu đậm, lại không được ở gần nhau thường xuyên.
“Bạn gái tôi tương đối xinh gái, có nhiều người để ý, khiến tôi lúc nào cũng sống trong cảnh ghen tuông, đứng ngồi không yên. Lúc đó, tôi 24 tuổi, bạn gái tôi cũng 24 tuổi. Con gái có thì, đến tuổi đó, ai cũng muốn lập gia đình. Gia đình bạn gái tôi lúc đó cũng mong muốn như vậy, nhưng phía gia đình tôi thì muốn tôi xác định lại tình yêu, mục đích công việc của mình để sau này cuộc sống gia đình không có nhiều vất vả. Từ nguyên nhân khách quan đó, bạn gái tôi bắt đầu giãn ra và không còn tha thiết gặp tôi nữa”- T. bộc bạch.
Nguyên nhân khách quan là như vậy, nhưng theo T, nguyên nhân chủ quan của sự việc do tính cách bồng bột, thô cộc của bản thân nên đẩy vụ việc đi xa hơn.
“Theo suy nghĩ của tôi lúc đó, tình yêu càng nắm chặt, càng rơi ra. Do nghi ngờ bạn gái bỏ bê mình, tôi trễ nải trong công việc. Từ đó, tôi sinh ra một số tệ nạn cho bản thân, từ rượu chè, đến bài bạc, và các tệ nạn khác. Công việc xao nhãng, ngày càng lún sâu vào con đường không được lành mạnh. Biết sự việc, bạn gái khuyên can nhiều lần nhưng tôi chưa thực sự bỏ được. Lúc này, bạn gái nhờ một số bạn thân bắn đến tôi tín hiệu “Bạn gái T. đã có tình yêu mới, T. đừng cố gắng tiến xa hơn, tốn thời gian và tiền bạc theo đuổi mối quan hệ”. Từ đó, sự ức chế trong con người tôi tăng lên. Đỉnh điểm, sau khi đọc một số bài báo về sát hại người yêu, tôi đi đến quyết định, không yêu nhau, không đến với nhau thì sẽ chết cùng nhau”- phạm nhân T. kể lại.
Chiều ngày 10/10/2013, sau cuộc nhậu kéo dài cả buổi chiều, tối ngày 10/10/2013, T. đi từ xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch lên Lâm trường Trường Sơn lấy một khẩu súng AK, 1 hộp tiếp lắp vào súng rồi bỏ vào một bao lác, giấu vào một bụi cây ở xã Lý Trạch.
Khoảng 20h ngày 11/10/2013, T. mang theo bao lác có chứa khẩu AK đến cây xăng Đồng Trạch, sau đó gửi xe rồi đi bộ vào khu vực nhà H. (bạn gái T.), nấp vào đống củi gần nhà.
21h đêm ngày 11/10, sau khi đi chơi về, H. mở cửa, đẩy xe vào nhà, trong lúc nạn nhân không chú ý, T. đã mang theo khẩu súng lẻn lên cầu thang rồi nấp vào phòng bên cạnh để theo dõi, nhưng lại ngủ quên mất.
“Gần sáng 12/10, tôi tỉnh dậy và bàng hoàng nghĩ: Tại sao tôi lại ở đây? Tại sao tôi lại cầm súng trên tay. Nghĩ là vậy, nhưng bằng một cách nào đó, khoảng 4h sáng 12/10, tôi sang phòng bạn gái, mở cửa, bật đèn, giơ súng lên nhắm vào người cô ấy. Lúc này, cô ấy rất hoảng loạn, cầu xin tôi đừng làm như thế. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng, bắn một phát súng. Sau tiếng súng đó, tâm trạng tôi cực kỳ hoảng loạn, tôi bừng tỉnh, nhưng không kịp nữa. Lúc đó, tôi nghĩ đến tự bắn mình. Sau đó, tôi chạy ra sân thượng, dí súng vào đầu và bóp cò nhưng súng không nổ”- phạm nhân T. nhớ lại.
Biết số phận mình không kết thúc tại đây, phạm nhân T. lao xuống nhà, lấy xe máy chạy thoát thân. Theo lời T., lúc này trên đường quốc lộ 1 có nhiều ô tô chạy, bản thân định lao đầu vào ô-tô tự tử, nhưng càng chạy, càng nghĩ “Nếu làm như thế thì tội cho lái xe”. Sau đó ,T. chạy ra biển Hải Trạch tự tử, nhưng do biết bơi, T. không chết.
Sau 3 lần tử tự bất thành, nghĩ rằng, số phận có lẽ bắt mình phải trả giá do lỗi lầm mình gây ra, V.M.T quyết định ra đầu thú.
Suy nghĩ rất lâu, V.M.T chạy xe một mạch ra công an thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch. Lúc đó khoảng hơn 5h sáng. Sau khi nhìn thấy một bác công an tập thể dục, ngồi thêm một tí thấy đàn vịt bơi. Khi đó, T.mới ao ước sự tự do: “Sự tự do lúc này đối với tôi quý giá đến nhường nào. Và đây cũng có lẽ là khoảng thời gian tự do cuối cùng của mình. Lúc này, mặc dù đang rất sợ hãi, nhưng tôi nghĩ “mình sai từ đâu, sẽ sửa từ đó”, quyết tâm vào trình diện, kẻo bị bắt trong trường hợp khẩn cấp thì mức án mình sẽ cao hơn nữa”.
Kết thúc vụ án, V.M.T bị kết án 20 năm tù vì tội "Giết người" và 2 năm tù vì tội "tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng".
“Sai lầm tuổi trẻ của tôi là quá lớn, bởi, sự giáo dục của bố mẹ dành cho tôi là rất nhiều. Từ nhỏ tôi được bố mẹ hướng đến những điều tốt đẹp. Cùng với đó, truyền thống gia đình, anh em trong dòng họ học giỏi, đỗ đạt rất nhiều, trình độ Tiến sỹ có, công chức ở những vị trí lớn cũng có. Cộng thêm nữa, anh em bên nội, bên ngoại rất thương tôi. Đó là tình yêu thương, dưỡng dục rất lớn của gia đình, mà tôi đã không biết trân trọng. Giờ nghĩ lại, tôi thấy rất hối hận. Cái giá của tôi phải trả là quá đắt.”- phạm nhân V.M.T bộc bạch.
Đến nay, sau 11 năm bước chân vào trại giam Đồng Sơn, T. trải lòng, ngần ấy năm, T. chưa thể quên H., và đã không ít đêm nằm ngủ, T. mơ người yêu về. Những lúc ấy choàng dậy, đối mặt với đêm tối, đối mặt với những kỷ niệm xưa khiến T. càng thấy cô đơn, chán chường. Theo T, lúc đó, giá như mình bình tĩnh lại, suy nghĩ thấu đáo thì cơ sự đã không đến mức thế này, khiến hai gia đình đau khổ.
“Vào trong này tôi học chữ “nhẫn”. Đó là chữ bố tôi dặn dò tôi lần đầu tiên sau khi gây án bố đến thăm tôi ở Trại tạm giam công an tỉnh. Lúc đó bố có nói với tôi “T. ạ, con muốn học làm người, trước hết con phải học chữ “nhẫn”. Và khi học được chữ “nhẫn” rồi con mới làm con người được. Đó là một câu nói thấm thía của bố tôi, mà tôi rất ngấm”- T. kể
Và từ câu nói của bố, phạm nhân V.M.T cho biết, mình đã lan truyền đến rất nhiều phạm nhân khác. Đó là hành trang, là động lực để những lúc bực tức, nóng giận T. kìm hãm lại, cố gắng cải tạo thật tốt, nhanh chóng trở về với gia đình, sửa chữa những lỗi lầm mình đã gây ra.
“Gia đình tôi rất thương tôi và cũng thay tôi thực hiện công việc ở ngoài như: hương khói gia đình bị hại, hỏi thăm động viện thường xuyên. Những lần mẹ vào thăm, gặp tôi, tôi cũng dò hỏi mẹ về phía gia đình bạn gái. Tháng 9 mới đây, sau một thời gian mất số điện thoại, mẹ tôi cũng xin lại được số và gọi cho gia đình bạn ấy. Theo lời mẹ kể, họ cũng hỏi thăm bố mẹ tôi, nhưng chưa tha thứ cho tôi, nên không hỏi han gì đến tôi”- T. bộc bạch
Khi mới vào trại giam, vào năm 2015. T. cho biết, mình cũng viết thư xin lỗi gia đình H., nhưng chắc do thời gian sớm quá nên chưa được hồi đáp của gia đình.
Trung tá Hoàng Xuân Tám, cán bộ giáo dục phân trại số 1, trại giam Đông Sơn cho biết, lúc mới vào trại, phạm nhân V.M.T nảy sinh nhiều tư tưởng, bởi, vụ án của T. rất đặc biệt. Nhưng nhờ sự quan tâm, sát sao của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ, T. nhận ra được lỗi lầm của mình. Từ đó, T. suy nghĩ tích cực, hướng thiện, chấp hành rất tốt nội quy. T. cố gắng cải tạo, học tập với mong muốn sau này chuộc lại lỗi lầm.
“Bản chất của T. là con người có ăn, học, có công việc ổn định ngoài xã hội, sau khi nhận thức được lỗi lầm của mình, T. bỏ được suy nghĩ tiêu cực, hướng đến những điều tích cực. Rất nhiều lần tôi gặp riêng T., tâm sự với tư cách là người thầy với trò, thứ hai là với vai trò giáo dục động viên. Sau những cuộc gặp này, không những bản thân T. hướng thiện, T. còn động viên, tâm sự bạn bè phạm nhân trong trại giúp cho họ quay đầu hướng thiện rất nhiều”- Trung tá Hoàng Xuân Tám nói.
Hiện phạm nhân V.M.T là Trưởng ban Thi đua trật tự. Hàng ngày T. đôn đốc, nhắc nhở các phạm nhân khác chấp hành đúng nội quy của trại đề ra. Cùng với đó, kiểm tra các khu vực xung quanh trại, như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Những ngày lễ tết, trại tổ chức cho phạm nhân vui chơi thể dục, thể thao, đọc báo,…Là Trưởng Ban thi đua, T. kiểm tra và động viên những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, những phạm nhân có mức án cao gia đình không thăm gặp, tiếp tế, T. phân tích cho họ hiểu, giúp họ hướng đến những điều tốt đẹp, qua đó, cải tạo tốt hơn.
Lời cuối khi chia tay chúng tôi, T. cho biết, nỗi đau đáu nhất trong lòng T. lúc này, là mong quay lại Quảng Bình, tìm đến gia đình bị hại thắp một nén tâm nhang, nói lời từ đáy lòng “Mong gia đình bị hại tha thứ, mong hãy cho tôi qua lại như một thành viên trong gia đình, để bù đắp lại những mất mát đó”.