Chẳng cần sang tận Indonesia để chiêm ngưỡng rồng Komodo, ngay trong rừng Việt Nam cũng có một loài bò sát khổng lồ, lừng lững bước qua bờ sình lầy, đôi mắt sắc như dao cau, chiếc lưỡi chẻ đôi liên tục phóng ra dò đường, đó chính là kỳ đà hoa.
Kỳ đà hoa là loài lớn thứ nhất châu Á và thứ hai thế giới, chỉ xếp sau rồng Komodo. (Ảnh: Nat Geo)
Kỳ đà hoa hay còn gọi là Kỳ đà nước (danh pháp hai phần: Varanus salvator) là một loài thằn lằn trong họ Varanidae. Loài này được Laurenti mô tả khoa học đầu tiên năm 1768. Kỳ đà hoa là loài lớn thứ nhất châu Á và thứ hai thế giới, chỉ xếp sau rồng Komodo. Theo Danh lục Đỏ Việt Nam, kỳ đà hoa sống trong rừng thường xanh hoặc rừng khộp trên núi cao, núi đất thấp và vùng đồng bằng, thường gặp ở ven các vực nước (suối, hồ), đôi khi bám trên cây ven bờ.
Kỳ đà hoa là một trong những loài thằn lằn phổ biến nhất được tìm thấy khắp châu Á, và khoảng từ Sri Lanka, Ấn Độ, Đông Dương, bán đảo Mã Lai và các đảo khác nhau của Indonesia, sống ở khu vực gần nước.
2 mét rưỡi chiều dài, mang "hơi thở tiền sử"
Loài vật có vẻ ngoài vừa dữ dằn vừa cuốn hút này có thể dài đến 2,5 mét (hơn 1 chiếc bàn) và nặng tới 25 kg, to gấp vài lần một con chó nhà trưởng thành. Kỳ đà hoa có đầu thuôn dài, cổ dài, mõm dài và hơi dẹp có hai lỗ mũi hình bầu dục ở vị trí gần mõm hơn là gần mắt. Lưỡi dài mảnh, đầu lưỡi chẻ đôi; lưỡi luôn luôn thò ra thụt vào qua khe miệng như lưỡi rắn. Cơ thể to dài, còn đuôi dẹp bên, sống đuôi rất rõ.
Kỳ đà hoa có đầu thuôn dài, cổ dài, mõm dài và hơi dẹp có hai lỗ mũi hình bầu dục ở vị trí gần mõm hơn là gần mắt. (Ảnh: Nat Geo)
Cá thể non có lưng màu đen với những vết vàng nhỏ và to hình tròn xếp theo hàng ngang. Mõm có những vạch ngang rất rõ trên các vảy môi. Có một đường đen đi từ mắt đến thái dương. Cá thể trưởng thành thân có màu nâu vàng lục. Những hoa văn ở cá thể non trở nên ít rõ và càng khó phân biệt ở những cá thể già.
Bơi như cá, leo như khỉ, chạy như rắn
Cách chúng di chuyển mới thật đáng kinh ngạc. Khi bơi, toàn thân kỳ đà lướt đi như một khúc gỗ sống. Kỳ đà hoa bơi lặn giỏi, có thể lặn lâu tới 20 – 30 phút. Trên cạn, chỉ cần thấy động, nó vọt lên như mũi tên, lẩn vào bụi rậm trong tích tắc. Còn leo cây? Không thành vấn đề. Với bộ vuốt sắc và cơ thể uyển chuyển, kỳ đà có thể thoăn thoắt leo lên thân cây đứng thẳng.
Theo trang Sinh vật rừng Việt Nam, kỳ đà hoa ẩn trong khe đá hay các hang hốc dưới các gốc cây hoặc trong các bờ bụi. Chúng là động vật ăn tạp từ trứng chim, cua cá, rắn nhỏ đến xác động vật phân hủy. Khứu giác và lưỡi đặc biệt giúp chúng đánh hơi mồi từ rất xa.
Chúng là động vật ăn tạp từ trứng chim, cua cá, rắn nhỏ đến xác động vật phân hủy. (Ảnh: Nat Geo)
Chúng thường bắt mồi vào ban ngày, sục sạo trong các bờ sông suối, những môi trường nước cạn và trong các bụi rậm. Bắt mồi bằng cách rình mồi và vồ mồi; đôi khi Kì đà dùng lưỡi đầu chẻ đôi để đánh hơi theo dấu vết của con mồi; nếu mồi quá to kì đà thường dùng răng và chi trước để xé mồi. Buổi trưa những ngày nắng nóng, chúng thường ẩn trong các hang hốc, trong bụi cây gần nước hoặc ngâm mình trong nước. Bắt đầu hoạt động vào buổi chiều cho tới hoàng hôn. Sau đó tìm về hang để trú đêm.
Đẻ trứng vào mùa hè khoảng từ tháng 4, 5 đến tháng 7, 8. Đẻ khoảng 15 tới 20 trứng trong các hang hốc bên bờ sông hoặc trong các hang hốc trong các bờ bụi gần nước. Trứng có màu trắng bẩn, thuôn hai đầu, dài khoảng 5 cm.
Dù không chủ động tấn công người, nhưng kỳ đà hoa cũng không phải loài nên "đụng vào". (Ảnh: Nat Geo)
Dù không chủ động tấn công người, nhưng kỳ đà hoa cũng không phải loài nên "đụng vào". Theo National Geographic, kỳ đà, kể cả các loài lớn như V. salvator, rất hiếm khi tấn công người nếu không bị đe doạ. Chúng có thể tấn công khi bị đe doạ, dùng đuôi quất mạnh, cào bằng vuốt hoặc cắn cực lực. Đặc biệt, miệng chúng chứa nhiều vi khuẩn có hại nếu bị cắn, vết thương dễ nhiễm trùng nặng. Tạp chí The Journal of Wildlife Diseases cho biết miệng kỳ đà có thể chứa các vi khuẩn như Salmonella, Klebsiella, Proteus, gây nhiễm trùng huyết nếu vết cắn không được sát trùng kỹ.
Bảo tồn trên "Sách Đỏ", nhưng vẫn bị săn bắt
Chính vì vẻ ngoài kỳ dị và giá trị kinh tế từ da, thịt, một số cá thể kỳ đà từng bị săn bắt trái phép. Có nơi, người ta còn nấu cao từ mỡ kỳ đà theo truyền miệng là trị được bệnh xương khớp, dù chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng.
Chính vì vẻ ngoài kỳ dị và giá trị kinh tế từ da, thịt, một số cá thể kỳ đà từng bị săn bắt trái phép. (Ảnh: Nat Geo)
Theo Danh lục Đỏ Việt Nam, kỳ đà hoa thường sống ở khu vực rừng tự nhiên; sinh cảnh sống của loài bị chia cắt, suy thoái do tác động của các hoạt động khai thác lâm sản, du lịch và xâm lấn đất rừng; loài này phân bố rộng nhưng bị săn bắt cạn kiệt, buôn bán làm thực phẩm, dược liệu, kỹ nghệ da và nuôi làm cảnh ở trong nước và quốc tế; quần thể trong tự nhiên ước tính bị suy giảm hơn 50% trong vòng 20 năm trở lại đây (tương dương 3 thế hệ) và các nhân tố tác động hiện vẫn đang tồn tại (tiêu chuẩn A2cd).
Hiện nay, kỳ đà hoa nằm trong danh sách động vật hoang dã cần được kiểm soát săn bắt tại Việt Nam (nhóm IIB). Một số tổ chức bảo tồn đã triển khai chương trình theo dõi số lượng kỳ đà trong tự nhiên, đồng thời tuyên truyền để người dân không tấn công hay nuôi nhốt chúng trái phép.
Theo Nat Geo, Danh lục Đỏ Việt Nam, Sinh vật rừng VN