Loại gỗ đắt đỏ “suýt tuyệt chủng” vì cơn mê cuồng của Hoàng tộc Trung Quốc: Độc quyền hoàng gia, dân thường sẽ trả giá bằng mạng sống nếu cố dùng

Tất Đạt, Theo Nhịp sống thị trường 16:36 22/05/2024

Đồ nội thất cung điện, chẳng hạn như ghế rồng và giường rồng, đều được tạo ra từ loại gỗ này.

Loại gỗ đắt đỏ “suýt tuyệt chủng” vì cơn mê cuồng của Hoàng tộc Trung Quốc: Độc quyền hoàng gia, dân thường sẽ trả giá bằng mạng sống nếu cố dùng - Ảnh 1.

Cơn sốt gỗ

Theo Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), gỗ kim ty nam mộc – loại nam mộc có vân óng ánh như vàng - đang dần tìm lại “vị thế nhà vua” trên thị trường gỗ. Với sự xuất hiện của gỗ nam mộc vàng, các loại gỗ quý khác như hoàng hoa lê và gỗ đàn hương đỏ cũng mất dần vị thế.

Được biết, giá của gỗ nam mộc vàng trước năm 2008 khá ổn định, giá nguyên liệu của cây 100 năm tuổi khoảng 6.000 nhân dân tệ/tấn (21 triệu đồng). Tuy nhiên, kể từ năm 2008, giá gỗ nam mộc vàng đã thay đổi hàng tháng. Có những loại cao cấp từng được rao bán ở mức 200.000-300.000 tệ/tấn (700 triệu – 1 tỷ đồng).

Lí giải cho sự tăng giá đột biến này, Nhân dân Nhật báo cho biết vào năm 2011, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đưa tin về sự khan hiếm gỗ nam mộc vàng, khiến các thương nhân đổ xô tới Tứ Xuyên, gây ra cơn sốt gỗ. Đồ nội thất gỗ nam mộc vàng không chỉ đắt mà còn khó tìm, có lúc vượt qua cả giá gỗ hoàng hoa lê Hải Nam, liên tục đẩy giá tăng chỉ trong vài tháng.

Loại gỗ đắt đỏ “suýt tuyệt chủng” vì cơn mê cuồng của Hoàng tộc Trung Quốc: Độc quyền hoàng gia, dân thường sẽ trả giá bằng mạng sống nếu cố dùng - Ảnh 2.

Chuyên gia đồ nội thất cổ Zhang Dexiang cho biết: “Khi những người thợ mộc cổ xưa xẻ gỗ nam mộc vàng, họ nhận thấy nhựa cây bên trong kết tinh và lấp lánh như những sợi vàng dưới ánh mặt trời. Đó là lý do nó còn được gọi là kim ty (sợi tơ vàng)".

Giá trị sưu tập của gỗ nam mộc vàng được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Cây nam mộc vàng rất hiếm và có mùa sinh trưởng kéo dài. Cây phát triển ở khắp các tỉnh phía nam Trung Quốc, nhưng cây ở Tứ Xuyên là tốt nhất. Triều đình thời nhà Minh đã sử dụng loại cây này nhiều đến mức có tài liệu cho rằng cây gỗ “suýt tuyệt chủng” vào cuối thời nhà Minh.

Theo Sohu, một trong những điều luật thể hiện sự ưa thích của vua chúa nhà Minh thời kì này đối với gỗ nam mộc vàng là áp dụng luật độc quyền sử dụng đối với hoàng gia. Nếu dân thường bị phát hiện dùng gỗ nam mộc vàng, họ sẽ bị xử trảm. Vào thời nhà Minh lẫn nhà Nguyên, gỗ nam mộc vàng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồ nội thất cung điện, chẳng hạn như ghế rồng và giường rồng, và trở thành vật liệu nội thất được hoàng gia ưa chuộng.

Theo các ghi chép lịch sử, trong các cung điện, tháp, thành, đền chùa và các công trình quan trọng khác của thời nhà Minh, các cột và xà đều phải được làm bằng nam mộc vàng. Vì lí do đó, nó còn được gọi là “Gỗ Hoàng Đế”.

Có nhiều lí do khiến các triều đại Trung Quốc xa xưa thích sử dụng gỗ nam mộc vàng. Thứ nhất, nó có khả năng chống ăn mòn và không bị mục nát sau khi chôn dưới lòng đất. Thứ hai, cây nam mộc vàng có mùi thơm tự nhiên, có khả năng xua đuổi côn trùng. Thứ ba, vào mùa đông sờ vào gỗ nam mộc vàng không bị lạnh nên cung điện sẽ dùng nó để làm giường. Thứ tư, gỗ cây không bị biến dạng hoặc nứt. Cuối cùng, gỗ nam mộc vàng có kết cấu mịn, tráng lệ và tinh tế.

Ngoài giá trị sử dụng, loại gỗ này còn mang đậm giá trị văn hóa. Mỗi đồ nội thất từ gỗ nam mộc đều là “một phần lịch sử” Trung Quốc.

Loại gỗ đắt đỏ “suýt tuyệt chủng” vì cơn mê cuồng của Hoàng tộc Trung Quốc: Độc quyền hoàng gia, dân thường sẽ trả giá bằng mạng sống nếu cố dùng - Ảnh 3.

Hiện nay, giá gỗ đã ổn định. Ví dụ, cây 100 năm tuổi trên thị trường có mức giá trung bình 70.000 tệ/tấn (245 triệu đồng).

Giá gỗ từ cây 300 năm tuổi là 180.000 tệ/tấn (630 triệu đồng). Ngoài ra còn có loại gỗ chìm được đưa lên từ lòng đất hoặc mặt nước, giá mỗi mét khối sẽ vào khoảng 80.000 đến 100.000 nhân dân tệ (280-350 triệu đồng).

Và vì giá thành sử dụng gỗ cao nên chi phí nhân công cũng tăng vọt. Theo những người trong ngành, vì việc sản xuất đồ nội thất nam mộc hoàn toàn làm thủ công nên thường phải mất nửa năm đến một năm mới hoàn thành được một món đồ. Cộng đồng sưu tầm gỗ tin rằng gỗ kim ty nam mộc sẽ lấy lại được “vị thế nhà vua”.

Tham khảo China Daily, Nhân dân Nhật báo, Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày