Mỗi năm, hàng nghìn con voi và tê giác từ những cánh rừng sâu trên khắp thế giới đã bị những kẻ buôn lậu săn bắt để lấy ngà, sừng nhằm phục vụ nhu cầu của con người. Tưởng chừng chỉ có nạn săn ngà voi hay sừng tê giác mới khiến các cơ quan chức năng và những người yêu động vật đau đầu thì mới đây, người ta lại càng thêm lo lắng khi một loài chim quý hiếm sống trong những cánh rừng mưa nhiệt đới Đông Á cũng trở thành đối tượng bị săn bắt để lấy "ngà".
Chim tê điểu hay còn gọi là chim hồng hoàng mỏ cát.
Chim tê điểu - loài chim có chiếc sừng giá trị gấp 3 lần ngà voi
Loài động vật quý hiếm được nhắc tới bên trên chính là chim tê điểu hay còn gọi là chim hồng hoàng mỏ cát. Chim tê điểu tập trung nhiều trên các hòn đảo Sumatra hay Borneo của Malaysia và Indonesia. Chúng thường ăn trái cây, sung và làm tổ trên những cây cổ thụ trong rừng sâu.
Chim mỏ sừng thường ăn trái cây, sung và làm tổ trên những cây cổ thụ trong rừng sâu.
Chim tê điểu có cục u tạo thành từ chất sừng, kéo dài dọc phần trên mỏ đến hộp sọ. Chiếc sừng của tê điểu còn được nhắc tới như "ngà" và có giá trị gấp 3 lần ngà voi. Trước đây, sừng tê điểu thường được dùng để chế tác đồ cho giới quý tộc giàu có và cho đến ngày nay, nó vẫn được rất nhiều người ưa chuộng.
Tình trạng săn ngà chim đáng báo động
Do có mức giá cao gấp nhiều lần ngà voi nên ngà chim tê điểu trở thành một trong những món hàng được những kẻ buôn lậu đặc biệt quan tâm. Chính bởi vậy, tình trạng săn bắt trái phép loài chim này mới diễn ra tràn lan, đáng báo động như những năm gần đây.
Những kẻ buôn lậu săn bắt tê điểu để lấy ngà.
Theo thống kê, mỗi năm, hàng nghìn con chim tê điểu bị giết để lấy ngà và các tay săn trộm thường bán đầu chim sang Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 năm, các nhà chức trách đã thu được 2.100 đầu chim tê điểu từ các tổ chức buôn lậu ở Trung Quốc và Indonesia. Theo ước tính, khoảng 6.000 con chim bị giết mỗi năm.
Không ai biết số lượng chim tê điểu còn lại bao nhiêu thế nhưng dân số loài chim này đã giảm rất nhanh trong những năm gần đây do tình trạng buôn bán trái phép.
Tê điểu được liệt kê "thuộc hạng mục gần tuyệt chủng và cần được theo dõi cẩn thận để tránh số lượng tiếp tục giảm trong tương lai".
Không chỉ bị nạn săn bắn trái phép đe dọa mà loài chim này còn đang mất dần môi trường sống. Do dầu cọ ngày càng được ưa chuộng ở phương Tây, nên người dân ở các nước châu Á đang phá hủy những cánh rừng mưa, cũng chính là nơi sinh sống của tê điểu, để có đất trồng cọ.
Đứng trước những thực trạng này, các nhà bảo vệ động vật hoang dã đã phải lên tiếng cảnh báo tê điểu "thuộc hạng mục gần tuyệt chủng và cần được theo dõi cẩn thận để tránh số lượng tiếp tục giảm trong tương lai".