Tìm thấy loài chim hiếm nhất thế giới rồi sau đó... giết để nghiên cứu

Hương Cherry, Theo Trí Thức Trẻ 00:09 12/10/2015

Mới đây, một vị giáo sư tại Mỹ đã giết chết chú chim bói cá ria mép đực quý hiếm sau khi phát hiện và ghi lại được những tư liệu có liên quan về loài chim này. Vụ việc trên cũng gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng khoa học về tính nhân đạo của những nhà nghiên cứu hiện nay.

Một nhóm nghiên cứu đến từ Mỹ đã truy tìm được một loài chim quý hiếm và tiến hành chụp những bức ảnh đầu tiên về loài chim này. Chú chim hiếm đã bị giết chết ngay sau đó. Đồng thời, ông Chris Filardi - giám đốc Chương trình Thái Bình Dương tại Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên Mỹ  đã lên tiếng bảo vệ quyết định trên của mình và nói rằng, ông cần giết chú chim quý hiếm để “lấy mẫu vật cho những nghiên cứu tiếp theo”.

 

1-e1b83
Giáo sư Filardi bên cạnh chú chim bói cá ria mép quý hiếm bị giết “vì lý do nghiên cứu”.

Loài chim bói cá ria mép chỉ có thể tìm thấy được trên quần đảo Solomon, cụ thể là đảo Guadalcanal - nơi giáo sư Filardi tiến hành “nghiên cứu sự đa dạng sinh học đặc hữu và làm việc với các đối tác địa phương để tạo nên một khu vực cần bảo vệ”. Tại đây, giáo sư Filardi đã tìm thấy một chú chim bói cá ria mép đực cực kì quý hiếm và có cơ hội chụp những bức ảnh đầu tiên về loài chim này, cũng như ghi lại được tiếng kêu "kokoko-kiew" đặc trưng của chúng. 


Tuy nhiên, giáo sư Filardi đã giết chết chú chim ngay sau đó với lý do “thu thập mẫu vật để nghiên cứu”. Theo ông, việc nghiên cứu xác của chú chim có thể đem lại những kiến thức khoa học to lớn giúp bảo vệ loài chim này trong tương lai, và chú chim đó là “một biểu tượng hy vọng cho loài chim bói cá ria mép”. Ông cũng cho rằng loài chim này “không quá quý hiếm hay gặp nguy hiểm” trên quần đảo Solomon - nơi chúng đang sinh sống mà chỉ “ít được biết tới bởi giới khoa học phương Tây”.

 

2-e1b83
Chú chim tuyệt đẹp này là một loài động vật đặc hữu trên quần đảo Solomon với chỉ 250 – 1000 cá thể trưởng thành.


Nhiều nhà sinh thái học lại kịch liệt chỉ trích hành động trên của giáo sư Filardi và cho rằng, vị giáo sư này đã giết chết loài chim quý hiếm một cách không cần thiết chỉ vì lý do nghiên cứu cá nhân. Cũng theo tổ chức Cuộc sống loài chim quốc tế Birdlife International, chim bói cá ria mép là một loài chim đặc hữu trên quần đảo Solomon với khoảng 250 – 1000 cá thể trưởng thành, đủ để xếp loài chim này vào nhóm những động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Do vậy, lý luận của giáo sư Filardi khi khẳng định chim bói cá ria mép “không quá quý hiếm” là thiếu chính xác và hết sức mập mờ. 


Theo Marc Bekoff - giáo sư danh dự về sinh thái học và sinh học tiến hóa tại trường Đại học Colorado, thì việc giết hại các loài động vật quý hiếm một cách không cần thiết “vì lý do nghiên cứu” hay “để hỗ trợ bảo tồn” đang quá phổ biến trong cộng đồng khoa học hiện nay và hành vi vô nhân đạo này cần phải được ngăn chặn ngay lập tức. Theo ông, nhiều nhà khoa học hiện nay chỉ quan tâm tới việc phát triển nghiên cứu của bản thân mà không đánh giá tới các tác động tiêu cực sau những hành động mà mình đã gây ra cho các loài động vật trong tự nhiên.

 

3-e1b83
Việc giết hại chú chim quý hiếm này đã gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng khoa học.