"Lò vi sóng" làm gì thứ tình yêu đã "ôi thiu"

Hải Yến - Thiết kế: Hoàng Sơn, Theo Phụ nữ số 00:00 29/09/2024
Chia sẻ

Chia tay vì một anh chàng hay có tật "ghost", quay lại vì vẫn còn tình cảm và lưu luyến... để rồi tiếp tục chia tay lần hai, lần ba vì người ta vẫn vô tâm như thế.

Tình yêu… "lò vi sóng"? Một khái niệm sinh ra bởi Gen Z, nhưng vẫn lạ lẫm với phần đông Gen Z. Xuất hiện ngày càng dày trên những bài viết trải lòng ở khắp MXH, đặc biệt là Threads và TikTok nhưng dạng thức tình cảm này không mới, chỉ là người ta lần đầu đặt cho nó một cái tên: Tình yêu lò vi sóng là để chỉ những mối quan hệ chia tay - yêu lại nhiều lần, cũng giống như hành động hâm lại đồ ăn nguội trong lò vi sóng, phổ biến ở những người trẻ.

"Lò vi sóng" làm gì thứ tình yêu đã "ôi thiu"- Ảnh 1.

Một đoạn đối thoại liên quan đến chủ đề tình yêu "lò vi sóng" trên MXH.

Phản ứng trước chủ đề này thì cũng đa dạng như màu trên quang phổ: Người "xin vía", "ước" được quay lại với người yêu giống vậy, người "nể" cái sự nghị lực để quay đi quay lại với người cũ, người "lò vi sóng" hàng tá lần nhưng vẫn không chừa, biết là hại thân nhưng cứ mãi đâm đầu.

Có người còn gọi đó là "giai đoạn lò vi sóng", tức là một phần trong quá trình phát triển tình cảm.

Không rõ họ xem đó là chiến tích? Là sự bất lực vì không thể thoát ra? Hay đơn giản là cảm thấy rất bình thường và đón nhận nó như điều tất yếu?

Nhìn sâu vào câu chuyện đằng sau những câu chữ mới lạ này, lại phản ánh một tình trạng mới trong lối yêu đương của giới trẻ hiện tại, mà ở đó, những khía cạnh tiêu cực khoả lấp: Yêu theo kiểu "lò vi sóng" là hao tâm tổn sức “nướng chín” cảm xúc mình, nhưng kết quả sau cùng cũng như đồ ăn: Hâm đi hâm lại nhiều lần mất "vị" và còn gây "độc".

 "Ê, mình quay lại không?"

Có một cụm từ riêng đã xuất hiện từ lâu để đặt tên cho những mối quan hệ kiểu này trong tiếng Anh: On-off relationship, hiểu nôm na là mối quan hệ "bật - tắt". Khác với tình yêu kiểu truyền thống, chia tay không phải là chấm dứt, chia tay là bắt đầu cho một vòng tròn hợp - tan, những dấu chấm phẩy liên tục cho một chuyện tình.

Từ câu chuyện quan sát được trên Threads, có một bạn trẻ "lò vi sóng" theo cách này: Lấy can đảm từ 1k lượt "tim" trên MXH để gửi tin nhắn "Ê quay lại không?" cho người yêu cũ. Người yêu cũ chấp thuận, thay đổi hình nền, màu sắc cuộc trò chuyện trên Messenger. Và thế là yêu lại từ đầu! Không rõ cả hai người họ đã chia tay vì điều gì, cũng không một cuộc trò chuyện giải thích những khúc mắc từ lần chia tay trước. Họ đơn giản là chỉ cần một người nói thì sẽ có thể bắt đầu một tình cảm mới. Không suy nghĩ, không phân vân.

"Lò vi sóng" làm gì thứ tình yêu đã "ôi thiu"- Ảnh 2.

Dễ thấy, tình yêu lò vi sóng đôi khi được quyết định kết thúc hay hàn gắn lại mối quan hệ tương đối nhanh chóng và ít sự đắn đo. Có lẽ vì thế, có những người làm được chuyện này đến hàng tá lần.

Đa số nguyên nhân dẫn đến chia tay trong những mối quan hệ kiểu này đến từ cảm xúc bộc phát: Ghen và tủi thân khi nhìn thấy người yêu tương tác thân mật với người khác giới; Gặp khó khăn ban đầu khi ra mắt phụ huynh; Bất bình đẳng về tài chính sau một buổi hẹn... hay chỉ đơn giản là dỗi rất dỗi vì người yêu trả lời tin nhắn quá lâu, người yêu thiếu tinh tế trong cách đối xử với mình.

Những tình huống trên thường dẫn đến tranh cãi, và trong những lúc rối bời, lời chia tay và chấp thuận chia tay được thốt ra thật dễ dàng từ cả hai bên mà không có nhiều đắn đo. Bởi trong khi cãi nhau, lúc nào cái tôi cá nhân và mong muốn khẳng định mình đúng đều là điều được đặt lên hàng đầu. Chẳng mấy khi, ta lại tỉnh táo đủ để có sự nhún nhường với đối phương.

Một số còn vì thấy... nhạt, nên muốn chia tay để đi tìm những cảm xúc mới hơn, mà không thực sự có một cuộc đối thoại nào để tìm xem đâu là điểm bất ổn khiến tình yêu mất đi hương vị ban đầu.

Chính vì những lời chia tay dễ nói, khiến người ta cảm thấy mối tình đó không đáng để kết thúc như mình nghĩ trong những lúc cảm xúc bộc phát.

Nhiều người quyết định ngỏ lời quay lại khi nhận ra họ vẫn còn tình cảm với người cũ và vẫn muốn gắn bó cùng họ, sau khi cảm thấy không thoả mãn với tình trạng độc thân hay người yêu mới. Người còn lại có thể chấp thuận vì cảm giác thân thuộc.

"Lò vi sóng" làm gì thứ tình yêu đã "ôi thiu"- Ảnh 3.

Chẳng hạn, có một câu chuyện được chia sẻ như thế này: Sau khi chia tay nhau, cả hai vẫn "làm bạn", vẫn nhắn tin thường xuyên và trò chuyện thân thiết... Hầu hết thói quen khi còn yêu nhau đều được giữ lại: Cập nhật mọi lúc mọi nơi về hoạt động hàng ngày, nhắn tin và gọi điện để gọi nhau dậy. Rõ ràng, tiếp xúc với phạm vi gần gũi như vậy với người mình từng thương và có thể vẫn còn tình cảm, chắc chắn là một "mồi lửa" cho tình yêu mới.

Ở khía cạnh tổng quan, nguyên nhân vì sao nhiều người trẻ dễ "lò vi sóng" vì chủ yếu tình yêu ở tuổi này là hẹn hò, chưa ràng buộc mối quan hệ bằng hôn nhân. Chia tay cũng xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ hơn, dễ tha thứ cho nhau hơn. Cũng như mong muốn khám phá dẫn đến việc đổ cho chữ "không hợp" một cách chung chung rồi đi tìm tình yêu mới, nếu không ổn, họ tìm lại người cũ.

Nói như vậy cũng giống như "nhảy việc" trên thị trường lao động, sau đó xin quay lại công ty cũ, nhưng tình yêu "lò vi sóng" diễn ra ở một mức độ dễ dàng và khép kín hơn.

Liệu bạn đã từng yêu theo cách trên hay chưa?

Tình yêu "lò vi sóng": Món ăn đã cũ, hâm lại chắc gì đã... ngon!

Có những mối quan hệ chia tay - quay lại nhiều lần hiếm hoi đã thực sự tìm được dấu chấm kết, dù có hậu hay không có hậu.

Song, chuyện này thường thấy trong những mối quan hệ dài lâu hơn, như câu chuyện quen 6 năm liên tiếp, trải qua 3 lần chia tay rồi tiến đến hôn nhân. Khẳng định không phải mối quan hệ lò vi sóng nào cũng xấu, cũng làm tổn hại đến tình yêu. Song đa phần, tình yêu "lò vi sóng" nhiều mặt hại hơn là lợi.

Một số người biết được rằng đối phương và bản thân chắc chắn sẽ còn tình cảm cho nhau, và việc quay lại là tất yếu, nên họ dùng việc chia tay - quay lại như những cú "bật" cảm xúc để cảm thấy hưng phấn lại trong tình yêu. Một phương cách hoàn toàn độc hại.

"Lò vi sóng" làm gì thứ tình yêu đã "ôi thiu"- Ảnh 4.

Tuy nhiên, khi quay trở lại "vì tình yêu, vì nhớ người đó không quên được", nếu cả hai hoàn toàn phớt lờ đi những cãi vã ngày trước, tin rằng đó là chuyện không đáng nhắc đến khi đã làm lành, kiểu... chuyện quá khứ thì cứ để cho nó nằm lại ở quá khứ thôi, thì mâu thuẫn ban đầu dẫn đến chia tay vẫn còn đó.

Rồi bạn sẽ lại nhìn thấy mình trong một vòng lặp tương tự, khi phát hiện ra những điều bạn không hài lòng về người đó từng khiến mình chia tay, sẽ tiếp tục là nguyên nhân cho lần chia tay tiếp theo, tiếp theo và tiếp theo nữa.

Chia tay vì một anh chàng hay có tật "ghost", quay lại vì vẫn còn tình cảm và lưu luyến... để rồi tiếp tục chia tay lần hai, lần ba vì người ta vẫn vô tâm như thế.

Chia tay một người vì thấy chán ngấy trong tình yêu, vì thấy cả hai bên nhau không khác gì những người bạn, quay lại và cùng lặp lại những cảm xúc buồn chán lúc trước.

"Lò vi sóng" làm gì thứ tình yêu đã "ôi thiu"- Ảnh 5.

Lâu dần, đó là sự kiệt sức và chai sạn. Nghi ngờ không biết khi nào là lần tiếp theo lời chia tay sẽ được nói ra, thất vọng khi đối phương không hề thay đổi và cũng không biết bao giờ tình yêu mới ổn định... những cảm xúc ấy có ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần, và cả thói quen yêu của chính bạn.

"Lò vi sóng" được tình yêu này, thì sẽ "lò vi sóng" được ở tình yêu tiếp theo... vì bạn vốn đã không quen đối đầu với những thách thức và mâu thuẫn, dùng lời chia tay để giải quyết tranh cãi và dùng lời quay lại để giải quyết nỗi nhớ người cũ của mình.

Có không ít nghiên cứu cho thấy những đối tượng của mối quan hệ này giao tiếp kém và ít có sự cam kết với đối phương. Chưa kể, việc chia tay khi tình cảm nhập nhằng và hi vọng vào việc quay lại khiến người ta tin tưởng đâu đó mối quan hệ vẫn còn tồn tại, và cảm thấy bị phản bội, tổn thương với những hành vi của đối phương trong thời gian chia tay "tạm thời". Đơn cử là phát sinh quan hệ với người khác.

"Lò vi sóng" làm gì thứ tình yêu đã "ôi thiu"- Ảnh 6.

Điều đó đưa ta đến một câu hỏi: Tình yêu lò vi sóng có bao giờ có kết quả?

Khẳng định là có, nếu từ mỗi lần chia tay, bạn đều góp nhặt cho mình thêm hiểu biết về đối phương, về bản thân và chuyện yêu đương, và sẵn sàng hành động với những điều mà mình đã học được.

Với nhiều người, chia tay nhiều lần là cách để dần dần chấp nhận mình phải buông bỏ một người tình mà mình đặc biệt yêu thương. Một lần dứt khoát và đường đột có thể là một cú đòn giáng quá mạnh vào tinh thần với đôi bên, vì vậy, từng lần chia tay ngắn, cho mình khoảng thời gian quen dần với việc không kề cận bên người còn lại, chính là cách thích nghi với thay đổi khi chính thức chấm dứt.

Và may mắn hơn, tình yêu "lò vi sóng" vẫn có thể có một cái kết đẹp, nếu sau mỗi lần chia tay, ta lại học được những khiếm khuyết cần cải thiện để bản thân tốt và "vừa vặn" hơn trong tình yêu với người đặc biệt của mình bằng những cuộc đối thoại đầy đủ đầu đuôi. Từ đó, có được những hình dung về một mối quan hệ lâu dài, và biết cách điều chỉnh chính mình và đối phương để né tránh việc gây mâu thuẫn, lặp lại sai lầm như trước.

Chia tay - quay lại đôi khi chính là để hiểu nhau hơn, và đến gần nhau hơn khi biết rằng mình vẫn muốn tiếp tục đồng hành với người này, và sẵn sàng thay đổi vì người đó.

Điều quan trọng nhất phải lưu tâm, đấy là nỗ lực cải thiện bắt buộc phải đến từ hai bên.

Có những người đã "lò vi sóng" nhiều lần, sau mỗi lần đều cố gắng thay đổi bản thân nhưng vẫn không thể đảm bảo một mối tình ổn định vì sự bất cân xứng trong nỗ lực đầu tư cho mối quan hệ.

Trên MXH Reddit, lan truyền một câu chuyện về tình yêu "lò vi sóng" đã dài hơn 3 năm. Sau mỗi lần, cô gái đều tìm kiếm trị liệu tâm lý để học cách yêu lành mạnh hơn. Nhưng chàng trai từ chối tham gia trị liệu tâm lý cùng cô gái, và đã tìm kiếm người mới trên app hẹn hò chỉ chưa đầy một tháng kể từ lần chia tay trước. Tuy cảm thấy tổn thương, cô vẫn kỳ vọng được quay lại với người yêu cũ và không muốn thay đổi người đó, dồn hết nỗ lực phải thay đổi lên bản thân mình.

Cô đặt một câu hỏi đến những người dùng khác, cũng là câu hỏi của người ngoài cuộc, và cả nỗi day dứt của những người trong cuộc từ những tình yêu "lò vi sóng": "Liệu mối quan hệ này có kết cục tốt không?"

Đa số đều trả lời là không trong trường hợp của cô gái, khi người yêu thể hiện rõ sự thiếu hợp tác và trân trọng tình cảm, còn chính cô gái cũng không trân trọng bản thân mình. Họ cũng khẳng định một điều: Những câu chuyện "lò vi sóng" thành công mà họ nghe được, đều là khi cả hai người trong tình cảm đều nhận ra sự thay đổi ở bản thân mình, và sẵn sàng cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn trước đó.

Và đúng như vậy, bạn nên nhìn thấy những dấu hiệu để biết khi nào tình yêu "lò vi sóng" có ý nghĩa, và khi nào nó độc hại, vô bổ. Nếu đã thấy rõ cứ quay đi quay lại một thứ tình yêu sẽ không có kết cục tốt vì bản thân mình, hoặc đối phương, hoặc cả hai không thể cải thiện chính thứ làm tình yêu đó đổ vỡ...

Tốt hơn hết vẫn là dứt khoát, dù có khó khăn đến mấy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày