Lo ''giữ mẹ mất con'', TP.HCM lập phác đồ điều trị sốt xuất huyết riêng cho thai phụ

Kim Vân, Theo Sức khoẻ đời sống 15:05 14/07/2022

Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục gia tăng ở mức đáng "báo động". Nhiều địa phương đã ghi nhận hàng chục ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có thai phụ.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, các bác sĩ khuyến cáo bà bầu cần cẩn trọng, bởi nếu mắc sốt xuất huyết dễ trở nặng gây rối loạn đông máu, nguy cơ xảy ra tình huống "giữ mẹ mất con".

Lo giữ mẹ mất con, TP.HCM lập phác đồ điều trị sốt xuất huyết riêng cho thai phụ - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó có các thai phụ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hiện có gần 70 bệnh nhân là người lớn mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 thai phụ, chiếm 20% số ca sốt xuất huyết của khoa.

Bệnh nhân Hồ Thị Hoàng Yến, ngụ Đồng Tháp, mang thai tuần thứ 27 đang điều trị sốt xuất huyết ở khoa Nhiễm C cho biết, sau khi bị sốt vài ngày, chị Yến bị mệt mỏi, đứng không vững. Đến ngày thứ 5 có cảm giác nóng lạnh, bị sốt 39-40 độ và được gia đình đưa thẳng lên TP.HCM nhập viện. Sau theo dõi vài ngày, tình hình sức khỏe đã cải thiện.

"Ngày hôm trước em khám ở phòng khám tư, kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết. Em nghe người ta nói là mình nhập viện tuyến dưới mà bị nặng thì phải chuyển viện lên tuyến trên nên thôi em tự đi luôn. Em lên Bệnh viện Từ Dũ khám thai xong rồi được chuyển qua đây", bệnh nhân Hoàng Yến kể lại.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường - Phó Trưởng khoa nhiễm C, do số ca sốt xuất huyết nhập viện tại khoa gia tăng, nên số lượng thai phụ cũng tăng lên, song đây chưa phải số liệu tăng quá đột biến.

Hiện tại khoa chỉ nhận những thai phụ có dấu hiệu cảnh báo, còn đối với những ca nặng hoặc chuyển tuyến đều được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ sẽ đánh giá độ nặng của bệnh sốt xuất huyết, theo dõi tình trạng bệnh có đe dọa sảy thai hay sinh non, hoặc bệnh nhân sẽ có dấu hiệu chuyển dạ trong thời gian nằm viện hay không. Do nguồn nhân lực cũng hạn chế nên nếu bệnh nhân có vấn đề gì thì khoa sẽ mời chuyên khoa sản hội chẩn, hoặc cử điều dưỡng đưa bệnh nhân đi khám.

"Những bệnh nhân chuyển dạ sẽ được đưa đến các bệnh viện sản mà bệnh nhân đang khám thai định kỳ để được tiếp tục chăm sóc về thai sản. Sau khi bệnh nhân được chăm sóc xong, ở thời kỳ hậu sản, khi sản phụ ổn định thì khoa sẽ tiếp tục nhận bệnh về để chăm sóc tiếp cho đến khi sốt xuất huyết hồi phục", bác sĩ Cẩm Hường cho hay.

Lo giữ mẹ mất con, TP.HCM lập phác đồ điều trị sốt xuất huyết riêng cho thai phụ - Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường thăm khám cho một bệnh nhân là thai phụ mắc sốt xuất huyết.

Cảnh giác cao khi thai phụ mắc sốt xuất huyết

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 2 thai phụ tử vong vì sốt xuất huyết. Hai bệnh nhân mang thai này tự mua thuốc uống khi có triệu chứng sốt, bệnh nặng hơn mới nhập viện điều trị và chuyển tuyến. Dù các bác sĩ đã thực hiện tất cả phương pháp hồi sức tích cực, như đặt nội khí quản cho thở máy, lọc máu, chống sốc, truyền thuốc vận mạch... vẫn không đáp ứng điều trị. Với những ca đã tử vong, đơn vị họp với Sở Y tế TP.HCM để rút kinh nghiệm.

Phân tích các ca tử vong vì sốt xuất huyết, Sở Y tế TP.HCM nhận định phụ nữ có thai và trẻ em béo phì là hai nhóm nguy cơ sốt xuất huyết diễn tiến nặng. Tuy nhiên, đến nay phác đồ điều trị sốt xuất huyết quốc gia cũng chưa có hướng dẫn điều trị cho nhóm riêng này, còn trên thế giới hầu như không đề cập gì đến thai phụ. Vì vậy Sở Y tế TP.HCM giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phối hợp với các bệnh viện phụ sản và khoa hồi sức sơ sinh xây dựng hướng dẫn chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết cho phụ nữ có thai, bổ sung vào phác đồ điều trị quốc gia.

TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh viện đã phối hợp với các bệnh viện phụ sản trên địa bàn để nỗ lực cứu chữa nhiều trường hợp thai phụ sốt xuất huyết nặng. Cũng theo BS Hảo, điều trị sốc sốt xuất huyết nặng trên thai phụ phức tạp hơn các bệnh nhân khác:

"Những ca này là tới trễ, vừa xuất huyết, vừa bị sốc sâu kéo dài, mạch huyết áp không bắt được, toan chuyển hóa rồi suy gan suy thận. Phụ nữ có thai nếu sốt xuất huyết nặng thì có nguy cơ thai lưu cao", BS Hảo chia sẻ.

Tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, trong vòng 3 tháng qua có gần 20 trường hợp thai phụ mắc sốt xuất huyết nằm viện để theo dõi thai kỳ do các tình trạng sản khoa khác nhau, trong đó có cả những trường hợp có các dấu hiệu chuyển dạ sinh hoặc cần mổ lấy thai.

Theo BS.CKII Bùi Văn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ, khi đang mang thai bị sốt xuất huyết, thai phụ cần lưu ý theo dõi sát nhiệt độ vì sốt có thể gây ảnh hưởng hoặc tác động nguy hiểm cho thai. Nếu sốt trên 38 độ C cần dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước, điện giải, mặc đồ thoáng mát …

BS Hoàng khuyến cáo khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, để giảm nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, bà bầu cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị phù hợp.

Cách phòng bệnh và chăm sóc đối với phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết

BS.CKII Bùi Văn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ cho hay, khi đang mang thai bị sốt xuất huyết, thai phụ cần lưu ý theo dõi sát nhiệt độ vì sốt có thể gây ảnh hưởng hoặc tác động nguy hiểm cho thai.

Theo đó, nếu sốt trên 38 độ C cần dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước, điện giải, mặc đồ thoáng mát…

Bên cạnh đó, sản phụ cần uống nhiều nước, sử dụng nước hoa quả như nước cam ép, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nếu bị sốt xuất huyết vào cuối thai kỳ gần thời điểm dự sinh thai phụ nên chọn những bệnh viện đủ khả năng để xử lý kịp thời những trường hợp xấu xảy ra trong và sau khi sinh.

Nếu mẹ bầu đang tự theo dõi tại nhà và có một trong các dấu hiệu bệnh nặng sau đây, nên đến bệnh viện ngay. Đó là các dấu hiệu: Đau bụng dữ dội hoặc đau cơ, nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần trong 1 giờ), chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng, nôn ra máu hoặc có máu trong phân, thở nhanh, khó thở, cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ…

Đối với sốt xuất huyết, cách phòng tránh tốt nhất là cần diệt nguồn lây qua muỗi vằn, có rất nhiều biện pháp để thực hiện việc trên như:

1. Đậy kín các đồ dùng chứa nước, thả cá diệt bọ gậy, vệ sinh đồ đạc thường xuyên, phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh môi trường sống xung quanh,... để ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi.

2. Sử dụng các phương pháp diệt muỗi cá nhân như: đốt hương muỗi, phun thuốc xịt muỗi bằng bình xịt tại nhà, sử dụng vợt muỗi, thoa kem chống muỗi. Tuy nhiên, các thai phụ nên lưu ý chọn lựa các sản phẩm an toàn để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cả mẹ và thai.

3. Căng màn khi đi ngủ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày